📞

Những cái giá của việc kiểm soát biên giới ở EU

15:25 | 26/01/2016
Có nhiều dự đoán khác nhau về hậu quả của việc Liên minh châu Âu (EU) tái kiểm soát biên giới để ngăn chặn dòng người tị nạn.
Đoàn xe tải xếp hàng ở biên giới một quốc gia thuộc EU.

“Xin vui lòng trình hộ chiếu”. Những lời này đang được nghe nhiều hơn và thường xuyên hơn ở châu Âu, nơi mà trong nhiều năm nay đã quen với việc đi lại tự do giữa biên giới các quốc gia ký kết Hiệp định Schengen. Tuy nhiên, còn có nhiều nguy cơ khác nếu như hệ thống Schengen bị đổ vỡ.

Khi EU là một thể thống nhất thì sự thống nhất đó liên quan tới nhiều khía cạnh của đời sống kinh doanh, chẳng hạn như cơ sở sản xuất và chuỗi cung cấp nằm rải rác trên toàn khối, hay người lao động có thể di chuyển từ nước này sang nước khác. Thực tế, việc tự do trao đổi hàng hóa và dịch vụ đã tồn tại trước khi có Hiệp định Schengen. Schengen là một hình thức giúp đơn giản hóa và tăng tốc xu hướng đó.

Đó là lý do tại sao các chính trị gia và các chuyên gia nói rằng, nếu hệ thống này bị suy yếu, sẽ dần dần dẫn đến những hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Ùn tắc giao thông gia tăng tại các cửa khẩu sẽ gây ra gánh nặng hành chính lớn hơn và nhiều hàng hóa lại bị tiếp tục lưu kho.

Các nghiệp đoàn và các nhà vận động hành lang lo sợ rằng, tất cả điều này khiến chi phí gia tăng thêm 10 tỉ Euro một năm, cho riêng ngành công nghiệp Đức, do những ảnh hưởng tới thị trường lao động, thuế và hệ thống an sinh xã hội.

Chấm dứt thị trường chung?

“Nếu hệ thống Schengen đổ vỡ, nó sẽ gây nguy hiểm đáng kể cho châu Âu, cả về chính trị và kinh tế”, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble nói với tờ Spiegel Online. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thậm chí cho rằng: “Nếu Schengen bị khai tử, thì thị trường chung cũng sẽ bị chôn xuống huyệt”.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cảnh báo trên tờ nhật báo tiếng Đức Passauer Neue Presse rằng, những tác động của việc đóng cửa biên giới là "thảm khốc". “Nếu xe chở hàng phải chờ hàng giờ tại biên giới nội khối châu Âu, thì một số ngành sản xuất sẽ phải dừng lại."

Ông Juncker tính toán rằng, tình hình hiện nay đã khiến các công ty vận tải đội chi phí thêm 3 tỉ Euro một năm. Nếu các biện pháp kiểm soát biên giới lại được áp dụng thì chi phí sẽ tăng lên đến 10 tỉ  USD, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức.

Anton Borner, Chủ tịch Hiệp hội Ngoại thương, Dịch vụ và Bán buôn Đức cho rằng, việc tái kiểm soát biên giới có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh doanh ở châu Âu. Ông Borner cũng đã chia sẽ nỗi lo sợ của mình về sự sụp đổ của liên minh tiền tệ với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker, Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tuy nhiên, nếu hệ thống Schengen bị chấm dứt, chắc chắn đó không phải là sự kết thúc của thị trường chung. Chẳng hạn, Anh là một phần của thị trường duy nhất, nhưng nước này không ký tham gia Hiệp định Schengen.

Yếu tố ổn định xã hội

Không phải ai cũng đồng ý với những dự đoán bi quan về hậu quả của các biện pháp tái kiểm soát biên giới ở châu Âu. Ông Clemens Fuest, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế châu Âu ở Mannheim, Đức nói với Đài phát thanh địa phương SWR về việc ông tin rằng, các hậu quả kinh tế của việc đóng cửa biên giới có thể quản lý được. Ông Fuest cho rằng tác động của việc tái kiểm soát biên giới mới chỉ dừng lại ở việc một số xe chở hàng phải chờ đợi lâu hơn ở biên giới và các cá nhân bị kiểm tra hộ chiếu.

Dòng người di cư vẫn tiếp tục đổ về châu Âu.

Đối với ông Fuest, biện pháp kiểm soát biên giới có thể sẽ là một cách để bảo vệ sự hòa hợp xã hội. Các nhà kinh tế cũng nhìn thấy những tác động xã hội to lớn, nếu như dòng người tiếp tục đổ vào châu Âu, vượt ra ngoài khả năng quản lý của chính quyền.

Một trong những mối đe dọa đến sự hài hòa xã hội là tâm lý lo sợ bị cạnh tranh. Các tổ chức công đoàn sợ rằng, việc các doanh nghiệp hỗ trợ cho những người tị nạn có thể dẫn đến tâm lý không thoải mái cho các nhân viên khác.

Hubertus Heil, Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cảnh báo những người sử dụng lao động không nên “cố gắng viện các lý do liên quan đến người tị nạn để giảm lương”. Các chính trị gia thuộc Đảng Xã hội Công giáo (CSU) cũng có cùng lập luận. Bộ trưởng Tài chính bang Bavaria, ông Markus Söder, cảnh báo rằng “sự cạnh tranh việc làm, nhà cửa và phúc lợi nhà nước sẽ diễn ra giữa các thành viên yếu thế hơn của xã hội”.

Đóng cửa biên giới - cách bảo vệ Schengen

Rõ ràng, không phải quốc gia nào ở châu Âu cũng muốn thắt chặt các biện pháp kiếm soát biên giới. Họ làm như vậy chỉ là một biện pháp khẩn cấp để hạn chế dòng người ồ ạt đổ vào châu Âu, sự việc nằm ngoài khả năng kiểm soát của các quốc gia này.

Bộ trưởng Tài chính Đức Schäuble mặc dù từng nhiều lần đưa ra các lời cảnh báo về những tác động của việc đóng cửa biên giới, cũng bày tỏ mong muốn mọi người hiểu đúng hơn về việc này. Ông nói: “Chúng tôi biết khả năng của các quốc gia EU không phải là vô tận. Chúng tôi thấu hiệu nguyên nhân Thụy Điển tái kiểm soát kiểm soát biên giới, và có một thực tế là trong nhiều thập kỷ qua, nước này là một trong số những quốc gia cởi mở nhất đối với người nhập cư”.

Cuối cùng, tất cả mọi người hy vọng rằng các hình thức kiểm soát biên giới chỉ là tạm thời và đó là một cách bảo vệ Schengen.