Ngược lại dòng thời gian, sau khi đắc cử, ông Donald Trump tiến hành nhiều cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới. Không để dư luận phải chờ đợi lâu, ngày 22/11/2016, ông Trump đã chính thức công bố video về các ưu tiên đối nội và đối ngoại của mình.
So với chương trình nghị sự trong 100 ngày đầu tiên được ông nêu vào tháng 10 lúc còn tranh cử, các ưu tiên đối ngoại lần này nhắc lại một số điểm cũ, nổi bật là ý định rút lui khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) "sẽ đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương, bình đẳng"; song thiếu đi một số điểm so với phiên bản trước, chẳng hạn như đàm phán lại hoặc rút lui hoàn toàn khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA)...
Cuộc chiến mới không khói súng
Dưới Chính quyền của Tổng thống Obama, quan hệ Mỹ - Trung là sự đan xen giữa hợp tác và cạnh tranh do lợi ích song trùng giữa hai nước trên nhiều vấn đề lớn, dù cho vẫn tồn tại những khác biệt nhất định, thậm chí là nghi kị về mặt chiến lược. Ngay cả khi gần kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Obama vẫn tin rằng “có lẽ không có mối quan hệ song phương nào quan trọng hơn và tiềm năng hơn” là quan hệ Mỹ - Trung. Vì thế, ông đã khuyên ông D. Trump nên thực hiện các chính sách ngoại giao một cách hệ thống, suy nghĩ thận trọng và có chủ tâm, bởi “nếu mối quan hệ bị phá vỡ hoặc trở nên xung đột”, tất cả các bên đều bị tác động tiêu cực.
Ông Trump đội chiếc mũ mang khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. (Nguồn: wgbhnews.org) |
Dù vậy, trong quá trình tranh cử, ông Trump thường chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc trên khía cạnh kinh tế, luôn lo ngại về việc Trung Quốc “cướp” việc làm của người Mỹ và đe dọa vị trí siêu cường số 1 của Mỹ. Tuy nhiên, trái với mọi dự đoán, những động thái đầu tiên của ông Trump với Trung Quốc lại không hề liên quan đến kinh tế mà lại là vấn đề Đài Loan. Cuộc điện đàm giữa Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn đã khiến Bắc Kinh không hài lòng.
Những tưởng vấn đề Đài Loan sẽ làm xao lãng quan tâm chính yếu của ông Trump với Trung Quốc; song con người thực tế của Trump tiếp tục “chĩa mũi dùi” kinh tế vào đất nước đông dân nhất thế giới, đang hàng ngày, hàng giờ cướp việc làm của người Mỹ - như lời ông Trump và Phó tướng Mike Pence từng phát biểu. Về mặt chính sách, ông Trump nhất trí không công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc sau thời hạn 15 năm. Về nhân sự, Tổng thống đắc cử Mỹ liên tiếp tiến cử các nhân vật có quan điểm không thân thiện với Trung Quốc như Peter Navarro (đề cử Giám đốc Ủy ban Thương mại Quốc gia Nhà Trắng) và Robet Lighthizer (đề cử Đại diện Thương mại Mỹ).
Nếu như không ít lần, Trump bị đánh giá là “bốc đồng” trên một số vấn đề thì trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, ông luôn tỏ rõ sự nhất quán. Sau ngày đắc cử, ngoài các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới, ông Trump đã có cuộc điện thoại đặc biệt tới Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook, trong đó đề nghị Apple sản xuất sản phẩm ngay tại Mỹ nhằm tăng thêm việc làm cho người dân. Thậm chí, ông còn tuyên bố sẵn sàng áp thuế 45% với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Có thể thấy, so với các vấn đề đối ngoại khác, cách ứng xử của ông Trump với Trung Quốc vừa nhất quán, vừa khó đoán định. Tính nhất quán thể hiện ở việc ông muốn Trung Quốc phải tuân thủ các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Điều này được ông xem là “bắt buộc phải cải thiện”.
Tuy nhiên, sự nhất quán trên lại được “gia giảm gia vị” trong trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, trong khi chỉ trích nặng nề chính sách kinh tế của Bắc Kinh, ông Trump lại sớm lựa chọn Terry Branstad, Thống đốc bang Iowa và là người có quan hệ 30 năm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Sự khéo léo của ông Trump được thể hiện rõ trong cách chọn người và cân bằng các luồng quan điểm. Nếu như ở Nhà Trắng, Trump chọn Steve Bannon cực hữu với Reine Priebus ôn hòa thì với Trung Quốc, ông chọn Navarros và Lighthizer sắc sảo và quyết liệt với Terry Branstad làm cầu nối để đảm bảo không đứt liên lạc giữa hai nước.
Cái bắt tay của hai ông lớn
Quan hệ Mỹ - Nga dưới Chính quyền Tổng thống Obama liên tục rơi vào tình trạng căng thẳng. Gần đây nhất, Tổng thống Obama ký sắc lệnh hành pháp nhằm áp lệnh trừng phạt mới lên Nga do “âm mưu vi phạm các quy tắc ứng xử quốc tế gây hại cho lợi ích Mỹ”. Dù vậy, cách tiếp cận Nga của ông Trump lại luôn hiện hữu hai chữ “thiện cảm”.
Có lẽ chính vì điều này mà cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống đắc cử Trump diễn ra khá sớm sau khi ông Trump đắc cử. Trong dịp Giáng sinh cũng như Năm mới, Tổng thống Putin đã gửi lời chúc mừng ông Trump, kêu gọi “đẩy mạnh việc khôi phục khuôn khổ hợp tác song phương Nga - Mỹ trên nhiều lĩnh vực khác nhau cũng như nâng tầm quan hệ lên một cấp độ mới” trên tinh thần “xây dựng và thực chất”.
Nếu như chính sách đối ngoại của một quốc gia luôn bị chi phối bởi nhiều yếu tố trong – ngoài thì vai trò của cá nhân lãnh đạo, bao gồm cả thế giới quan và cảm quan, sẽ là một trong những đầu vào không thể bỏ qua. Trước, trong và sau bầu cử, ông Trump luôn ngợi khen Putin là nhà lãnh đạo “mạnh mẽ”, “quyền lực” và “tài giỏi” đã mang lại vinh quang cho nước Nga. “Nói đi đôi với làm”, ông Trump dấn bước đề cử CEO của Tập đoàn ExxonMobil Rex Tillerson - một nhân vật có quan hệ cá nhân rất tốt với ông Putin, dẫu các ứng viên cho ghế Ngoại trưởng Mỹ có lúc lên tới con số 10.
Ông Trump tỏ ra không chấp nhận mối quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ - Nga chưa tương xứng với tầm vóc và tiềm năng của hai nước, cũng như những thiệt hại to lớn mà doanh nghiệp Mỹ phải gánh chịu khi Washington và phương Tây áp đặt trừng phạt lên Nga. Mặc dù lệnh trừng phạt khiến kinh tế Nga chao đảo song các biện pháp đáp trả của Nga cũng có tác động dội ngược vào các nhà đầu tư – kinh doanh Mỹ, đáng chú ý là các tập đoàn dầu khí như ExxonMobil, Halliburton, National Oilwell Varco.
Có một yếu tố quan trọng không kém thúc đẩy ông Trump “tái khởi động” nút bấm quan hệ Nga – Mỹ, đó là, theo tiết lộ của các cố vấn thân cận của Trump với tờ Politico, ê kíp của ông Trump và Tổng thống Putin tìm thấy “sự đồng điệu quan điểm” về các vấn đề như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ukraine, Syria… Cuối cùng, ông Trump muốn thoát khỏi cái bóng của người tiền nhiệm trong quan hệ với Moscow, bởi ông cần Nga để thúc đẩy hợp tác chống khủng bố, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Làn gió mới cho nước Mỹ
Năm 2008, chính trị gia trẻ tuổi Obama đã viết nên lịch sử nước Mỹ khi trở thành Tổng thống da màu đầu tiên, được kỳ vọng sẽ là “một trong những Tổng thống tuyệt vời nhất” của xứ cờ hoa. Trong suốt 8 năm qua, Tổng thống Obama đã không ngừng quyết tâm và kiên trì theo đuổi khát khao mang đến sự đổi thay cho nước Mỹ - khẩu hiệu ông đề ra khi tranh cử nhiệm kỳ đầu tiên.
Công bằng mà nói, những thay đổi mà ông Obama mang đến cho nước Mỹ là có thực. Về đối nội, tỷ lệ thất nghiệp được cải thiện một cách đáng kể từ mức kỷ lục 11% (2011) xuống còn 5%; ngành công nghiệp ô tô hồi sinh, tăng thêm 1-3 triệu việc làm; GDP tăng trưởng trở lại với tỷ lệ trên dưới 3%; thâm hụt ngân sách nhà nước từ 9,8% GDP (2009) nay đã giảm xuống còn 3,8%.
Các di sản đối ngoại cũng không hề lép vế, trong đó, đáng chú ý phải kể đến Thỏa thuận hạt nhân Iran, bình thường hóa quan hệ với Cuba, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu... Dù vậy, các di sản nói trên, đặc biệt là về đối ngoại, vẫn chưa đủ để khiến nước Mỹ hùng mạnh, bởi chúng chủ yếu tập trung vào các vấn đề ít gai góc, dựa vào niềm tin và cam kết dài hạn, thay vì độ xác thực và “tính ăn liền”.
Vì vậy, sự lên ngôi của ông Trump sau 8 năm cầm quyền của vị Tổng thống Đảng Dân chủ như làn gió mới mạnh mẽ, thổi bùng lên những khát vọng về một nước Mỹ “vĩ đại trở lại”, nước Mỹ “là trên hết”, còn những việc khác của thế giới thì “để mai tính”! Ông Trump có thể khó lường, có thể sẵn sàng gạt bỏ tạm thời các giá trị về dân chủ - nhân quyền, song chắc chắn sẽ không bao giờ “bỏ bê” những gì mang lại giá trị kinh tế cho nước Mỹ. Việc ông Trump có tạo đột phá hơn so với ông Obama vẫn sẽ là câu hỏi thuộc về thì tương lai, và lịch sử sẽ là nhân chứng công bằng nhất sau ít nhất là 4 năm tới.
Ông Trump muốn thoát khỏi cái bóng của người tiền nhiệm trong quan hệ với Moscow, bởi ông cần Nga để thúc đẩy hợp tác chống khủng bố, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. |