📞

Những thông điệp đầu tiên của tân Tổng thống Donald Trump

10:12 | 21/01/2017
Đúng 12h trưa ngày 20/1, giờ Washington D.C, ông Donald Trump đã chuyển đi những thông điệp đầu tiên với tư cách là Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Bài phát biểu kéo dài 16 phút, ngắn gọn như ông đã hứa ngay sau khi đắc cử vào tháng 11, là sự tri ân mà ông dành cho những cử tri đã ủng hộ mình trong suốt quá trình tranh cử tới nay, cùng những hoài bão chính trị và lời kêu gọi “đồng lòng đồng sức” để "nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Ông Trump phát biểu tại lễ nhậm chức. (Nguồn: Reuters)

Nước Mỹ là trên hết

Chủ đề xuyên suốt bài phát biểu của ông Donald Trump chính là: nước Mỹ của người Mỹ. Theo ông, thời khắc chuyển giao quyền lực không phải là giữa hai Chính quyền hay hai đảng phái mà giữa thủ đô Washington D.C. – hàm ý những chính trị gia và người dân Mỹ. Ông thẳng thắn chỉ ra sự khoảng cách giàu nghèo giữa nhóm nhỏ những người làm chính trị và giới tinh hoa với những người dân Mỹ đang phải hàng ngày vật lộn với đói nghèo, mất việc làm, không được hưởng hệ thống giáo dục đầy đủ và bất an bởi tội phạm cướp bóc và ma túy gia tăng.

Ông cho rằng, trong khi Mỹ đang giúp các chính phủ nước ngoài giàu lên về kinh tế và mạnh lên về quân sự thì ngay trong lòng nước Mỹ, sự thịnh vượng, sức mạnh và niềm tin lại tiêu tan. Chính vì vậy, ông sẽ không cho phép điều này tiếp diễn. Nước Mỹ sẽ là trên hết! Mọi quyết định về thuế khóa, nhập cư hay chính sách đối ngoại sẽ chỉ phục vụ lợi ích của Mỹ.

Quang cảnh khu vực bên ngoài Điện Capitol - nơi diễn ra lễ nhậm chức của ông Trump ngày 20/1. (Nguồn: Twitter)

Giải pháp được tân Tổng thống Donald Trump đưa ra được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Về đối nội, ông cam kết nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cơ hội tiếp cận giáo dục, giảm tình trạng tội phạm… Hai nguyên tắc sẽ được Chính quyền mới theo đuổi gồm mua sản phẩm của Mỹ và thuê nhân công Mỹ. Về đối ngoại, trong quan hệ với các nước, một mặt, ông tìm kiếm sự hữu nghị và thiện chí; mặt khác khẳng định Mỹ có quyền đặt lợi ích riêng của mình lên trên hết. Mỹ sẽ củng cố các liên minh cũ và tạo nên các liên minh mới, đoàn kết thế giới tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố cực đoan. Mỹ sẽ không áp đặt lối sống của Mỹ lên nước khác, song sẽ tỏa sáng để các nước noi theo.

Kết thúc bài phát biểu, tân Tổng thống Donald Trump tập trung kêu gọi người dân trên toàn nước Mỹ: khi mở cửa trái tim cho lòng yêu nước, sẽ không có chỗ cho định kiến. Ông ủng hộ thảo luận một cách cởi mở và chân thành, thậm chí trên những vấn đề khác biệt song cần theo đuổi sự đoàn kết. Cần suy nghĩ lớn và mơ giấc mơ lớn hơn. Theo ông Trump, thời khắc hành động đã tới. Sự tự hào dân tộc sẽ khơi nguồn, nâng cao tầm nhìn và hàn gắn sự chia rẽ. Cùng nhau tiến lên, nước Mỹ sẽ vĩ đại trở lại, thịnh vượng trở lại, tự hào trở lại và an toàn trở lại.

Dư luận Mỹ - cơn sóng chưa ngừng trỗi dậy

So với thời điểm nhậm chức của Tổng thống Obama vào năm 2009 (1,8 triệu người tham dự), số người dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Donald Trump khá khiêm tốn, ước tính 800.000 - 900.000 người. Thậm chí, chỉ vài giờ trước khi lễ nhậm chức diễn ra, khảo sát của Fox News cho kết quả thấp kỷ lục về tỷ lệ ủng hộ ông Trump, rơi xuống mức 37%.

Ngay sau khi ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, một số cuộc biểu tình tại thủ đô Washington D.C. đã biến thành bạo loạn. Nhiều nhà hàng và ô tô bị những người quá khích đập vỡ, đốt cháy. Thậm chí, cảnh sát thủ đô đã phải dùng hơi cay để ngăn chặn người biểu tình. Tính đến thời điểm hiện tại, số người bị cảnh sát bắt đã lên tới con số hơn 200.

Người biểu tình phản đối ông Trump đụng độ cảnh sát tại thủ đô Washington. (Nguồn: The Guardian)

Về thông điệp đầu tiên của tân Tổng thống Donald Trump, đa phần dư luận Mỹ đều nhất trí rằng ông Trump đã bắt đầu nhiệm kỳ bằng việc kiên trì theo đuổi chủ nghĩa dân túy, chống lại những người làm chính trị chính thống như những gì ông đã thể hiện trong suốt quá trình tranh cử. Tuy nhiên, mỗi nhà bình luận hay quan sát viên lại có những nhận định riêng. 

Luồng ý kiến chỉ trích bài phát biểu của ông Trump cho rằng, bức tranh mà ông vẽ lên trong ngày nhậm chức gợi nên một nước Mỹ “vỡ nát” và “hoang tàn”, từ những nhà máy bị đóng cửa tới những thành phố “đầy rẫy cướp bóc và ma túy”. Nhận định của ông Trump được các nhà phân tích chiến lược phe Dân chủ ví như “sự tức giận một cách sửng sốt”. Trong khi đó, người dẫn chương trình Joe Scarborough của MSNBC cho rằng, bài phát biểu nhậm chức đi ngược lại với truyền thống vốn có, là “tiếng thét nhằm vào Washington D.C.”.

Bên cạnh những lời phê phán, tân Tổng thống Trump cũng nhận được không ít lời bình luận tích cực từ các chuyên gia. Hugh Hewitt, người dẫn chương trình của Đài Salem, đồng thời cũng là luật sư và là học giả theo đường lối bảo thủ xem bài phát biểu của Trump là “đích thực, quyết đoán và mạnh mẽ”. Ông Hugh tin rằng, vị tân Tổng thống đã lên kế hoạch và sẽ triển khai nó rất nhanh. Trong khi đó, ông Frank Luntz, nhà tư vấn chính trị và chuyên về các cuộc thăm dò cho rằng, “bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống Trump là bài phát biểu hứa hẹn nhiều kết quả nhất từ trước tới nay”.

Một luồng ý kiến khác thể hiện hoài nghi về những hoài bão ông Donald Trump. Cụ thể, tác giả Ben Shapiro tỏ nghi ngại về khả năng ông Trump có thể cùng lúc hiện thực hóa cả hai giấc mơ: rút bớt quyền lực khỏi Washington và dùng vai trò Tổng thống để điều chỉnh thương mại và tạo việc làm. Một số khác cho rằng, quá trình tranh cử sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi trở thành Tổng thống, ông Trump sẽ gặp nhiều vấn đề đòi hỏi giải pháp cụ thể.

Trong khi dư luận còn đang tiếp tục khen chê, ông Trump đã bước những bước đi đầu tiên trên chặng đường Tổng thống 4 năm của mình: “khai bút” ký quyết định đề cử các thành viên nội các mới lên Thượng viện và công bố Ngày toàn quốc yêu nước. Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng đã công bố các vấn đề ưu tiên về chính sách đối ngoại, quân sự, năng lượng, việc làm thực thi pháp luật và các thỏa thuận thương mại, trong đó di sản đầu tiên mà ông Trump phá vỡ của ông Obama là TPP và Obamacare.

(từ Washington, D.C.)