Nguy cơ này hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi JCPOA vào tháng tới.
Động thái này của người đứng đầu Nhà Trắng đã gây chia rẽ trong cộng đồng quốc tế. Tehran đã kịch liệt phản đối những tuyên bố từ phía Washington và tin rằng Mỹ đang cố gắng “ghép tội” Iran. Ngày 11/9, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi cho biết: “Bất kì bên nào vi phạm thỏa thuận hạt nhân sẽ phải trả giá rất đắt”.
Đại sứ Mỹ Nikki Haley tại Liên hợp quốc. (Nguồn: Getty Images) |
Về phần mình, ngày 29/8, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách đối ngoại Federica Mogherini khẳng định EU sẽ ủng hộ quyết định của Mỹ. Tuy nhiên, Moscow và Bắc Kinh cho rằng sẽ là thiếu khôn ngoan nếu Washington rút lui khỏi JCPOA. Trong khi đó, đầu tháng Chín, cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tái khẳng định tất cả các bên, cụ thể là Iran, đang tuân thủ đầy đủ các điều khoản đề ra.
Nội bộ Mỹ cũng đang chia rẽ không kém về các tuyên bố của chính quyền Trump. Người thì cho rằng Washington sẽ không khoan nhượng trước sự vi phạm trắng trợn của Tehran liên quan đến việc làm giàu Uranium. Ngược lại, không ít chuyên gia nhận định những thông tin vi phạm này chưa xác thực và việc rút ra khỏi JCPOA sẽ đặt Mỹ vào thế khó trong cục diện Trung Đông hiện tại.
Động thái cứng rắn…
Ngày 11/9, trong chuyến thăm trụ sở của IAEA, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley cho biết: “Có hàng trăm cơ sở hạt nhân không được phía Iran công bố và chưa được IAEA thanh tra. Đây là vấn đề nghiêm trọng”. Theo bà, chính quyền của Tổng thống Donald Trump muốn từ bỏ JCPOA vì cho rằng nó mang lại quá nhiều lợi ích về kinh tế và chính trị cho Iran, nhưng lại không ngăn cản được Tehran tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân của mình.
Quan trọng hơn, thỏa thuận JCPOA đang trở thành bàn đạp để Iran bành trướng ảnh hưởng của mình trong khu vực. Với việc khôi phục tiềm lực kinh tế và quân sự như trước cấm vận, Tehran bị cho là đã ủng hộ chính sách đàn áp của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, kêu gọi Nga tham chiến ở Syria. Nguy hiểm hơn, Mỹ tố cáo Iran đã gián tiếp khiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy, khi ủng hộ chèn ép cộng đồng người Sunni và buộc họ phải ngả theo lực lượng khủng bố cực đoan.
Một chuyên gia khác ủng hộ chính quyền Trump, cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ John Bolton thậm chí còn vạch ra kế hoạch chi tiết về cách mà Washington có thể rút lui khỏi thỏa thuận JCPOA. Khác với bà Haley, ông Bolton thẳng thắn thừa nhận người Mỹ sẽ rơi vào thế cô lập nếu thực hiện bước đi táo bạo này. Tuy nhiên, ông cũng quả quyết rằng Washington cần gửi tới Tehran một thông điệp mạnh mẽ, buộc Iran hành xử đúng như một quốc gia dân chủ.
... hay nước đi sai lầm?
Tuy nhiên, những lý do trên là chưa đủ thuyết phục đối với không ít chuyên gia tin vào tuyên bố rút khỏi JCPOA của Mỹ. Giáo sư chính trị học tại Đại học Harvard Stephen Walt là một trong số đó. Ông đã chỉ trích mạnh mẽ những tuyên bố của Đại sứ Haley, cho rằng đây là “bài phát biểu đầy thông tin sai lệch”. Iran đã sớm từ bỏ việc làm giàu Uranium, phá hủy 13.000 máy ly tâm, gỡ bỏ lò phản ứng Arak, cho phép LHQ lắp đặt thiết bị giám sát, tuân thủ chặt chẽ Nghị định thư về thanh sát hạt nhân và nhiều quy định khác của IAEA. Tất cả những động thái này thậm chí diễn ra trước khi cấm vận được dỡ bỏ.
Ông Walt cũng cho rằng những động thái của Iran mà bà Haley cho là “gây mất ổn định” khu vực không được đề cập trong JCPOA. Chính việc Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận này mới là thứ đẩy khu vực Trung Đông tiếp tục chìm trong bất ổn và loạn lạc. Trong bối cảnh đó, ông đưa ra ba lựa chọn mà người Mỹ có thể theo đuổi.
Thứ nhất, chính quyền Mỹ có thể rút ra khỏi JCPOA, qua đó gỡ bỏ những giới hạn với chương trình hạt nhân của Iran, biến Tehran trở thành mối đe dọa chính tới lợi ích của Washington, cũng như an ninh các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Thứ hai, Washington cũng có thể xem xét tấn công phủ đầu và phá hủy các cơ sở hạt nhân của Tehran, như cách mà nước này đã làm với Baghdad. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng nước Mỹ sẽ không sa lầy vào một cuộc chiến mới, bên cạnh những “vũng bùn” Syria, Iraq, Afghanistan và điểm nóng Triều Tiên.
Cuối cùng, Tổng thống Donald Trump có thể cân nhắc việc thay đổi ý kiến và tiếp tục duy trì thỏa thuận JCPOA, đồng thời đối thoại với lãnh đạo Iran nhằm xóa bỏ những bất đồng. Tuy đây được coi là biện pháp tối ưu, bảo đảm được lợi ích của Mỹ và an ninh của các đồng minh trong khu vực, nhưng khó có thể biết được liệu ông Trump có “ngậm bồ hòn làm ngọt” với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani hay không.
Bất chấp những suy đoán, phân tích hay giả định được đặt ra, cộng đồng quốc tế và giới chuyên gia vẫn “nín thở” dõi theo bước đi của người đứng đầu Nhà Trắng trong quyết định mang tính bước ngoặt với nước Mỹ nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung.