📞

Nỗ lực hun đúc sự đồng thuận trong ASEAN

07:44 | 27/07/2016
Đó là nhan đề bài viết được tờ Straits Times (Singapore) đăng tải ngày 26/7, sau khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 ra Tuyên bố chung.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) tại Vientiane, Lào kết thúc ngày 24/7 với Tuyên bố chung không trực tiếp đề cập đến phán quyết ngày 12/7 của Tòa trọng tài liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

Để ra được Tuyên bố chung, các quốc gia ASEAN đã mất ít nhất hai cuộc họp cấp Ngoại trưởng, hàng chục cuộc điện đàm về nước cũng như phải giải quyết những nghi ngại về bản chất sự đồng thuận của Hiệp hội.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan chia sẻ: “Mọi việc thật khó khăn bởi vai trò trung tâm của ASEAN đang nằm ở ranh giới giữa việc chỉ là một khái niệm hay là một thực tế”.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan và Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay Jr. (Nguồn: EPA)

Trung Quốc và 4 quốc gia ASEAN (Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei) có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Gần đây Bắc Kinh ngày càng quyết liệt hơn trong việc hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, thông qua các dự án cải tạo và quân sự hóa các đảo trong vùng tranh chấp.

Căng thẳng đặc biệt tăng cao sau khi Tòa trọng tài - được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982 về tranh chấp Trung Quốc – Philippines trên Biển Đông, ngày 12/7 vừa qua đã ra phán quyết gần như hoàn toàn bất lợi cho Bắc Kinh.

Trong Tuyên bố chung lần này, các Ngoại trưởng đã nhắc lại mối quan ngại đến những diễn biến ở Biển Đông và đề cập đến việc “tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được luật pháp quốc tế thừa nhận, bao gồm UNCLOS 1982”.

Mặc dù có nhiều chỉ trích về việc Tuyên bố chung có phần “xuống nước”, Ngoại trưởng Singapore cho rằng: “Bạn không thể có được tất cả mọi thứ mình muốn. Điểm quan trọng là bản chất của vấn đề Biển Đông – luật pháp quốc tế, UNLCOS, các nước nhỏ có quyền sử dụng các biện pháp ngoại giao, pháp lý - đều đã được đề cập”.

Trước việc nhiều luồng ý kiến cho rằng, một tổ chức gần 50 năm tuổi như ASEAN nên xem xét lại sự đồng thuận của mình, ông Balakrishnan cho rằng: “Khi chúng ta có một hiệp hội rất đa dạng như vậy, thì tiến trình nỗ lực đi đến sự đồng thuận là điều quan trọng. Cho dù việc này gây khó khăn cho các nhà ngoại giao, các Bộ trưởng. Nhưng khó khăn đó thực sự giữ được tính đoàn kết của tổ chức".

(theo Straits Times)