Theo truyền thống Việt Nam, người dân tin rằng những người đã khuất sẽ trở về trong dịp Tết Âm lịch. Để tỏ lòng kính trọng tổ tiên của họ - và để được người đã khuất phù hộ - những người sống chuẩn bị các mâm cỗ, đốt giấy tiền, vàng mã để cúng lễ.
Tưởng nhớ tổ tiên và vinh danh những người đã khuất là một phần trung tâm của văn hóa Việt. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở mọi gia đình. Hiện vẫn còn nhiều người đã hy sinh trong chiến tranh được an táng trong các ngôi mộ tập thể mà chưa xác minh được nhân thân. Do đó, nhiều gia đình vẫn hy vọng tìm được nơi người thân của họ đã được chôn cất để linh hồn của họ cuối cùng có thể yên nghỉ nơi vĩnh hằng.
Sự hỗ trợ từ Đức
Trong những năm gần đây, chính phủ Việt Nam đã nỗ lực làm việc để tìm kiếm và xác định những người đã hy sinh trong chiến tranh được chôn cất trong các ngôi mộ tập thể. "Các dự án cho thấy nỗ lực khắc phục quá khứ đau thương của chúng tôi", một viên chức về khoa học và công nghệ tại Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin nói.
Những phần còn lại của khoảng nửa triệu người đã hy sinh sẽ được thu thập để xác định ADN của họ xem có phù hợp với thân nhân còn sống. "Một dự án như vậy sẽ kéo dài nhiều năm, thậm chí có lẽ nhiều thập kỷ," ông Wolfgang Hoeppner thuộc Bioglobe, một phòng thí nghiệm di truyền có trụ sở tại Hamburg đang tham gia vào các công việc trên nói.
Bioglobe chỉ là một trong những tổ chức tham gia vào công việc này. Ngoài ra, còn có các tổ chức khác như Khoa Dược tại Đại học Hamburg và các công ty công nghệ khoa học như Qiagen và Eppendorf AG cũng đang góp sức vào đây.
Phòng thí nghiệm của ông Hoeppner đang đào tạo nhiều chuyên gia pháp y từ Việt Nam sử dụng các công nghệ mới nhất của Qiagen và Eppendorf AG để kiểm định hài cốt liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh. "Mục đích là để có một số lượng nhất định, khoảng 300.000 hài cốt được kiểm tra trong vòng năm năm", ông Hoeppner giải thích.
Những thách thức kỹ thuật
Công việc đó sẽ không dễ dàng, đó là điều chắc chắn. Chiến tranh đã kết thúc năm 1975, có nghĩa là những hài cốt đã nằm trong lòng đất tới hơn 40 năm trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, vi sinh vật và rễ cây, tất cả làm tổn hại đến ADN.
"Sẽ là tương đối khó khăn để trích xuất các dấu vết." Tuy nhiên, ông cùng các đồng nghiệp và cộng sự người Việt Nam đang cố gắng để tìm ra cách tốt nhất thực hiện công việc này trong phòng thí nghiệm ở Hamburg. Vấn đề là làm thế nào để công việc được thực hiện như dự định ở hiện trường khai quật và tại các phòng làm việc ở Việt Nam. Ông hy vọng các phòng làm việc sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn đặc biệt để không làm hư hỏng thêm các bộ hài cốt và các xét nghiệm được tiến hành thuận lợi, chính xác.
Các cơ quan chức năng cũng phối hợp trong việc tìm kiếm hài cốt. Bước đầu tiên là xác định khoảng thời gian người chiến sỹ đã hy sinh, tìm ra đơn vị quân đội người đó phục vụ, cũng như vị trí được biết cuối cùng của người đó nếu có thể. Sau đó, các mẫu ADN của những người thân còn sống được kiểm tra với các cơ sở dữ liệu của các mẫu ADN của người hy sinh. Cuối cùng, các nhà khoa học sẽ tìm cách xác định xác suất phù hợp ADN với người hy sinh. Nếu phù hợp thì sau đó sẽ bàn giao hài cốt cho thân nhân người hy sinh.
Chống nguy cơ lạm dụng
Kể từ khi dự án thành lập, các chuyên gia làm việc trong dự án tổng hợp một cơ sở dữ liệu từ hàng ngàn người Việt Nam. Nhưng có những rủi ro của việc dữ liệu bị sử dụng sai. Ông Hoeppner lấy dẫn chứng bằng sự tham gia của Ủy ban Quốc tế về người mất tích (ICMP), tổ chức thu thập dữ liệu về người mất tích do hậu quả của chiến tranh và thiên tai. "Điều quan trọng là ICMP đã chia sẻ những bài học mà họ thu thập được ở nhiều nơi, giúp Việt Nam giải quyết các thách thức, quản lý dự án này để tránh những sự lạm dụng các dữ liệu một cách sai mục đích", ông Hoeppner nhấn mạnh. Ông cho rằng, một nguyên tắc rõ ràng là mọi người sẽ không cung cấp dữ liệu của họ nếu họ nghi ngại rằng nó sẽ được sử dụng cho các mục đích khác. Dù thế nào thì đây cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận về việc khắc phục hậu quả của chiến tranh với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.