Tại Mỹ, người dân phải chịu đựng một tháng Năm nóng nhất kể từ năm 1895 và nhiệt độ tháng Sáu cao thứ ba lịch sử. Ở Nhật Bản, ít nhất 86 người thiệt mạng do đợt nắng nóng dữ dội mà truyền thông Nhật gọi là “thảm họa thiên nhiên”. Và các trạm thời tiết ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trên rìa sa mạc Sahara và Bắc Cực.
Liệu hiện tượng này có phải là hậu quả của biến đổi khí hậu? Trong khi vẫn chưa có thêm nghiên cứu về đợt sóng nhiệt kỷ lục năm nay, các nhà khoa học vẫn giữ vững ý kiến các đợt sóng nhiệt sẽ xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn do ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính ngày một nghiêm trọng.
Tờ New York Times đã ghi lại cuộc sống tại các thành phố thuộc bốn châu lục khác nhau trong những ngày nắng nóng kỷ lục năm nay.
Nhiệt kế ngoài trời tại thành phố Kumagaya, phía bắc Tokyo ghi nhận nhiệt độ ngày 23/7 lên tới 41oC. (Nguồn: CNN) |
Ouargla, Algeria: 51oC
Vào 3 giờ chiều một ngày đầu tháng Bảy, tại thị trấn dầu mỏ Ouargla thuộc Algeria, nằm ở rìa của sa mạc Sahara đã ghi nhận mức nhiệt lên tới 51oC. Ngay cả đối với đất nước châu Phi nóng nực này, nó vẫn là một kỷ lục.
Abdelmalek Ibek Ag Sahli đang làm việc trong một nhà máy dầu ở ngoại ô Ouargla ngày hôm đó. Anh và các công nhân khác biết tin rằng trời hôm đó sẽ rất nóng. Họ phải bắt đầu làm việc từ 7 giờ sáng và theo ca kéo dài 12 tiếng. Abdelmalek nhớ lại: “Chúng tôi không thể tiếp tục làm việc được. Trời nóng như đổ lửa vậy”. Và tới 11 giờ sáng, họ đành phải nghỉ làm do không thể chịu được cái nóng dữ dội.
Nhưng khi họ trở lại nơi ở, mọi chuyện cũng không khá khẩm hơn. Mất điện, không điều hòa, không quạt. Anh đành phải nhúng chiếc khăn bông vào nước và cuốn lên đầu. Anh phải uống nhiều nước và dội nước vào người. Cuối hôm đó, anh đã bị ốm. Những người tại Ouargla nói rằng, họ chưa từng trải qua một ngày nóng đến như vậy trong đời.
Nawabshah, Pakistan: ngày tháng Tư kinh hoàng
Thành phố Nawabshah nằm ở trung tâm đất nước nổi tiếng với ngành sản xuất bông. Nhưng không có lượng bông nào có thể khiến người dân ở đây cảm thấy thoải mái vào ngày 30/4 vừa qua, khi nhiệt độ lên tới 50oC, một kỷ lục ở quốc gia Nam Á này. Người dân không dám xuống phố. Các cửa hàng không mở cửa. Tài xế taxi cũng nghỉ làm để tránh ánh nắng “thiêu đốt”. Tình trạng này kéo dài nhiều ngày, trong tuần đó, không ngày nào nhiệt độ xuống dưới 45oC.
Các bệnh viện và phòng khám quanh Nawabshah chật cứng bệnh nhân bị say nắng, những người lao động buộc phải ra ngoài đường để kiếm sống. Giường bệnh thì thiếu, lượng y bác sỹ cũng bị quá tải. Chưa hết, điện cũng bị mất liên tục, khiến sự hỗn loạn ngày càng trầm trọng. “Chúng tôi đã cố hết sức để giúp đỡ các bệnh nhân, nhưng vì đợt nóng quá nghiêm trọng, lượng bệnh nhân tăng đột ngột nên rất khó để chúng tôi có thể chăm sóc đầy đủ cho họ” - Raees Jamali, một nhân viên y tế ở Daur, ngôi làng ở ngoại ô Nawabshah cho biết.
Oslo: 30oC suốt 19 ngày
Vào một buổi chiều tháng Sáu, người dân tại Oslo, Na Uy đều nhận được tin nhắn từ chính quyền về việc cấm lửa, cấm nướng thịt gần rừng và trên các đảo. Tháng 5/2018 là tháng nóng nhất trong 100 năm trở lại đây ở Oslo. Đến giữa tháng Bảy, một ngôi làng phía Nam Oslo ghi nhận được nhiệt độ cao trên 30oC kéo dài suốt 19 ngày.
Mùa Xuân không có mưa nhiều, khiến các bãi cỏ đã biến thành màu nâu và nông dân gặp khó khăn trong việc nuôi gia súc. Các khu rừng khô ráo mang lại nguy cơ hỏa hoạn rất cao. Và chính quyền thành phố đành phải cấm một trong những hoạt động yêu thích nhất trong mùa Hè của người dân Na Uy: là tổ chức các buổi nướng thịt ngoài rừng.
Per Evenson, một người gác cháy rừng ở Oslo cho biết, có 11 vụ cháy rừng xảy ra trong một ngày vào tháng Bảy. Vào ngày 19 tháng 7, chính quyền tại đây đã kiểm soát được 1.551 vụ cháy rừng, nhiều hơn tổng số vụ cháy xảy ra các năm 2016 và 2017.
Los Angeles: 42oC vào buổi tối
Marina Zurkow là một nghệ sĩ. Từ lâu cô đã đưa chủ đề biến đổi khí hậu vào những tác phẩm của mình. Nhưng cô vẫn không khỏi bất ngờ khi thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng lớn đến dự án “Making the Best of It” (tạm dịch: Hãy làm điều tốt nhất cho thiên nhiên) được thiết kế để mọi người nghĩ về tác động của biến đổi khí hậu lên bữa ăn hàng ngày của con người.
Lần này, Marina tổ chức một bữa tối miêu tả cuộc sống tương lai ở nơi khí hậu khô nóng và thiếu lương thực. Bữa ăn ngoài trời được Marina tổ chức tại một khu vườn nằm ở trung tâm thành phố Los Angeles. Nhưng ngày hôm đó, gió quá nóng làm nhiệt độ buổi tối lên tới 42oC, khiến việc tổ chức ăn ở ngoài trời là không thể. “Ngay cả khi bạn đang nói về biến đổi khí hậu, bạn vẫn không thể tra tấn khách mời”, cô Zurkow một khách mời nói. Do đó, Marina đã phải hủy bỏ kế hoạch và “phải chuyển bữa tối vào bếp, nơi có điều hòa.”