📞

Nước cờ ngoại giao khôn ngoan của Nga

07:00 | 04/06/2016
Chuyến thăm Hy Lạp hai ngày của Tổng thống Nga Vladimir Putin gây chú ý bởi nó diễn ra chỉ một tháng trước khi Liên minh châu Âu (EU) họp bàn về việc liệu có tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga.

Khoét sâu mâu thuẫn EU

Tổng thống Putin đã đến Hy Lạp hôm 27/5 trong sự tiếp đón nhiệt thành và trọng thị của chính quyền Thủ tướng Alexis Tsipras. Trong bài phát biểu trước Tổng thống Putin, ông Tsipras đã khẳng định Moscow là một trong những đối tác quan trọng nhất của Hy Lạp, đồng thời bác bỏ những lời chỉ trích rằng tại sao ông này lại đến St. Petersburg thay vì Brussels để tìm cách ký kết một thỏa thuận cấp thiết với các chủ nợ châu Âu. “Như tất cả các bạn đã biết, chúng ta đang ở thời điểm giữa cơn bão, nhưng chúng ta sống gần biển nên chúng ta không sợ những cơn bão. Chúng ta sẵn sàng đi đến vùng biển mới để có thể cập được các cảng an toàn mới”, Thủ tướng Tsipras phát biểu như vậy trong cái gật đầu đồng tình đầy ý nhị của Tổng thống Nga Putin.

Cùng thời điểm này, tại Nhật Bản đang diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7 - nơi 7 cường quốc hàng đầu thế giới tuyên bố giữ nguyên lập trường cứng rắn với Nga. Theo đó, G7 khẳng định sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt Nga cho đến khi các thỏa thuận Minsk được thực hiện nghiêm túc. Đích thân Thủ tướng Đức Angela Merkel - người đóng vai trò dẫn dắt EU trong cuộc đối đầu với Nga, đã thẳng thừng tuyên bố hiện nay chưa phải là thời điểm để nói đến việc từ bỏ chính sách trừng phạt Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras gặp nhau hôm 26/5 tại Athens. (Nguồn: Sputnik)

Trong khi đó, Hy Lạp - một nước thành viên của EU, lại “trải thảm đỏ” đón chào nhà lãnh đạo của Nga và hai nước còn ký một loạt thỏa thuận hợp tác về kinh tế. Hai tình huống đối lập này thể hiện rõ sự mâu thuẫn trong nội bộ EU liên quan đến chính sách trừng phạt Nga.

Không phải vô cớ mà Tổng thống Putin chọn đến thăm Hy Lạp vào đúng thời điểm EU sắp có cuộc bàn thảo quan trọng về vấn đề có tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga. Giới phân tích tin rằng, ông chủ quyền lực của Điện Kremlin muốn dùng “lá bài” Hy Lạp để khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ EU, từ đó hóa giải dần chính sách trừng phạt nhằm vào Nga.

Thành công trên nhiều mặt

Hy Lạp ngay từ đầu đã là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất trong EU phản đối việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Khác với các nước thành viên khác, Hy Lạp vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với Moscow thậm chí cả vào thời điểm Nga và EU rơi vào cuộc đối đầu căng thẳng nhất hồi năm 2014.

Về phần mình, Tổng thống Putin hiểu rất rõ rằng, Hy Lạp không phải là “lá bài” mạnh đến mức có thể khiến EU phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Tuy nhiên, Hy Lạp cùng với một số nước khác như Italy, Hungary.... là minh chứng cho thấy Moscow có bạn bè, đồng minh trong chính nội bộ EU. Việc các nước này phản đối chính sách trừng phạt Nga đã là một thành công ngoại giao đối với ông Putin. Hơn thế nữa, sự phản đối như vậy đang ngày càng trở nên mạnh mẽ và sẽ khiến cho EU trở nên khó theo đuổi việc thực thi các biện pháp trừng phạt Nga.

Ngoài yếu tố ngoại giao, Nga còn tìm đến Hy Lạp vì lý do kinh tế. Tăng cường mối quan hệ kinh tế là một trong những mục đích chính trong chuyến đi trở lại Hy Lạp của ông Putin sau 9 năm này. Giữa lúc đang bị các nước phương Tây o ép trên mặt trận kinh tế, Nga cần mở rộng quan hệ với càng nhiều đối tác càng tốt. Tổng thống Putin đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế quan trọng với Hy Lạp, trong đó tập trung vào hai lĩnh vực năng lượng và du lịch. Cả Nga và Hy Lạp đều quan tâm đến dự án đường ống dẫn khí đốt của Nga sang châu Âu thông qua ngả Hy Lạp. Bên cạnh đó, Tổng thống Putin còn chú trọng đến quá trình tư nhân hóa ngành đường sắt của Hy Lạp cũng như mong muốn đầu tư vào cảng Thessaloniki, một cửa ngõ quan trọng dẫn đến khu vực Balkan.

Hy Lạp tìm lối thoát

Nguyên tắc lợi ích luôn đúng trong  mối quan hệ giữa các nước. Quan hệ giữa Nga và Hy Lạp cũng không nằm ngoài khuôn khổ này. Hy Lạp sẽ không ở bên cạnh Nga và sẵn sàng mâu thuẫn với EU vì Nga, nếu Athens không có được lợi ích gì.

Hy Lạp công khai thể hiện tình thân với Nga bởi nước này đang tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng mà Athens bị mắc kẹt trong nhiều năm qua. Thủ tướng Hy Lạp Tsipras không ngần ngại cho thấy mình muốn tìm kiếm các đối tác mới để giúp Hy Lạp thoát khỏi tình hình khó khăn, bế tắc về kinh tế, tài chính và xã hội hiện nay. Hy Lạp cần thêm những đối tác bên ngoài EU, đặc biệt là các hợp đồng thương mại, đầu tư, vốn và thị trường. Nga đáp ứng được những điều này, chính vì thế, dù ngồi chung thuyền với EU nhưng Hy Lạp lại không cùng “hội chống Nga”.

Bắt tay với Nga, Hy Lạp cũng muốn dùng “lá bài” Nga để nâng vị thế của mình trong EU. Athens muốn cho EU thấy nước này có những bạn bè ngoài khu vực Tây Âu - những nước mà họ có thể trông chờ nếu bị loại ra khỏi khu vực đồng Euro.