Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại
Những tuyên bố trong và sau bầu cử cùng những dòng tweet của ông Trump không chỉ tác động mạnh đến tính toán của các nhóm lợi ích, các quốc gia mà còn làm chuyển động cả thị trường. Hiện còn rất nhiều tranh luận, dự báo về những chính sách và hành động mà ông Trump sẽ thực hiện sau khi chính thức nhậm chức ngày 20/1. Tuy nhiên, tất cả đều dựa vào bản “Kế hoạch 100 ngày đầu làm Tổng thống” của ông Trump.
Với mục tiêu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Kế hoạch 100 ngày tập trung vào 3 nhóm giải pháp lớn: làm “trong sạch nền chính trị ở Washington D.C”, bảo vệ người lao động Mỹ và “phục hồi” pháp quyền.
Tổng thống đắc cử Donald Trump. (Nguồn: AP). |
Để làm trong sạch nền chính trị ở thủ đô nước Mỹ, ông Trump đề cao chống nạn tham nhũng và sự câu kết với các nhóm lợi ích. Theo đó, ông đề ra 6 biện pháp, bao gồm giới hạn nhiệm kỳ của các nghị sỹ, dừng tuyển nhân viên cho chính quyền liên bang, giảm số lượng các quy định bằng cách cứ ra một quy định mới phải bãi bỏ hai quy định cũ, cấm các quan chức Nhà Trắng và Quốc hội không được vận động hành lang trong vòng 5 năm sau khi rời nhiệm sở, cấm các nhà vận động hành lang nước ngoài không được gây quỹ cho bầu cử ở Mỹ.
Để bảo vệ người lao động Mỹ, ông đề ra 7 việc. Cụ thể, Trump tuyên bố ý định đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hoặc rút khỏi Hiệp định này; tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); chấm dứt thương mại không công bằng gây thiệt hại cho người lao động Mỹ; bãi bỏ hạn chế đối với khai thác các dạng năng lượng như đá phiến, dầu, khí, than sạch; thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng; dừng trả hàng tỷ USD cho các chương trình biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc và sử dụng khoản tiền này để sửa chữa hạ tầng về môi trường và nước của Mỹ.
Nhóm giải pháp “khôi phục an ninh và pháp quyền” gồm 5 hành động: bãi bỏ các quyết định hành pháp “vi hiến”; lựa chọn người có thể bảo vệ hiến pháp Mỹ để thay thế thẩm phán Tòa án Tối cao Antonin Scalia; dừng cấp tiền cho các thành phố có chính sách không truy tố những người nhập cư không có giấy tờ; trục xuất hơn 2 triệu người nhập cư bất hợp pháp; và ngừng cho phép nhập cư từ khu vực có khủng bố.
Ông Trump nêu rõ mục tiêu thúc đẩy kinh tế tăng trưởng 4% và tạo ít nhất 25 triệu việc làm mới thông qua đơn giản hóa và giảm thuế mạnh cùng cải cách thương mại, áp đặt thuế nhằm hạn chế các công ty di chuyển sản xuất ra nước ngoài, trong đó sẽ thúc đẩy đối tác công tư và đầu tư tư nhân để kích thích 1.000 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng đề ra kế hoạch làm việc với Quốc hội để thông qua Luật đơn giản hóa và giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, Luật cơ sở hạ tầng và năng lượng, Luật về cơ hội giáo dục và lựa chọn trường học; hủy bỏ và thay thế Luật bảo hiểm y tế Obama; chấm dứt Luật nhập cư trái phép; phục hồi Luật an toàn cộng đồng, Luật chống tham nhũng…
Sự chia rẽ sẽ lớn dần lên
Khi bước vào Nhà Trắng, ông Trump phải đối mặt với thực tế chính trị mới. Trước hết, ông cần cụ thể hóa những chủ trương, chính sách lớn mà ông đã đề ra, một việc hoàn toàn không dễ dàng. Chẳng hạn đối với việc chấm dứt chương trình bảo hiểm y tế Obama, ông Trump phải đưa ra đề xuất mới về vấn đề này. Đây là điều mà hiện giờ ông chưa có. Nhiều nghi ngại đang nổi lên liên quan đến Chương trình cải cách và giảm thuế trước rủi ro làm mất nguồn thu lớn của chính phủ Mỹ trong bối cảnh thâm hụt ngân sách ngày càng tăng. Cũng không có nhiều người tin về khả năng thông qua một gói chi tiêu khổng lồ cho cơ sở hạ tầng của nước Mỹ trong vòng 100 ngày đầu.
Mặt khác, những kế hoạch của ông Trump bị nhiều lực lượng phản đối, từ nhiều nhóm dân cư, từ các nghị sỹ đảng Dân chủ và cả những nghị sỹ đảng Cộng hòa. Hiện đã có hơn 100.000 người đăng ký tham dự cuộc tuần hành của phụ nữ tại Washington vào ngày 21/1 – sự kiện được cho là cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra một ngày sau lễ nhậm chức của Donald Trump, gửi đi thông điệp về nữ quyền đến chính quyền mới. Nhiều tổ chức xã hội cũng đang xin giấy phép để tụ tập phản đối chương trình nghị sự của Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Tại Quốc hội, ông Trump phải đối mặt với sự phản đối từ nhiều nghị sỹ trong đảng Cộng hòa. Thượng nghị sỹ McConnell, Chủ tịch Thượng viện đã bày tỏ không lạc quan về các kế hoạch của ông Trump. Ông phản đối kế hoạch đặt ra giới hạn về số nhiệm kỳ của các nghị sỹ, coi kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng không phải là ưu tiên hàng đầu, không đồng tình với đề xuất của Trump về việc cấm người Hồi giáo nhập cư và xây dựng tường chắn ở biên giới với Mexico…. Nhiều thượng nghị sỹ Cộng hòa khác cũng không nhất trí với Tổng thống đắc cử trong nhiều vấn đề chính sách. Đơn cử như Thượng nghị sỹ John McCain phản đối chính sách đối ngoại và quân sự của ông Trump hay Thượng nghị sỹ Rand Paul cho biết sẽ phản đối các dự luật chi tiêu mất cân bằng…
Người biểu tình phản đối ông Trump trước tòa nhà Trump Tower ở New York. (Nguồn: AFP) |
California, bang chiếm 13% GDP của nước Mỹ và là bang “nhà” của Hạ nghị sỹ Nancy Pelosy, thủ lĩnh của Đảng Dân chủ tại Hạ viện, đã nổi lên là một trong những bang chống chương trình nghị sự của ông Trump mạnh nhất, đặc biệt là các chương trình liên quan đến môi trường. Người ta gọi việc này là “Calexit”, tức sự tách rời bang California với ông Trump.
Có thể thấy, sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ và ngay trong bản thân chính quyền của ông Trump có thể sẽ còn lớn dần lên trong những tháng, năm sắp tới.
Chủ nghĩa thực dụng được đề cao
Mặc dù có nhiều tuyên bố gây tranh cãi về chính sách đối ngoại và thương mại quốc tế, ông Trump chưa bao giờ tuyên bố về việc thu giảm sức mạnh Mỹ trên toàn cầu. Ông càng không phải là người theo chủ nghĩa biệt lập. Ngược lại ông mong muốn quân đội Mỹ mạnh hơn và cam kết sẽ đầu tư lớn nhất cho Hải quân Mỹ kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan. Ngoài ra, ông cũng cam kết theo đuổi cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo…
Tuy nhiên, với khẩu hiệu “nước Mỹ là trên hết”, ông Trump lại tìm cách rút khỏi những thỏa thuận khu vực và toàn cầu mà Mỹ đã cam kết, đồng thời yêu cầu các đồng minh đóng góp nhiều hơn nữa. Điều này làm dấy lên những câu hỏi về sự cam kết và vai trò lãnh đạo của Mỹ đối với những vấn đề toàn cầu và khu vực.
Ông Trump đã chỉ trích những tác động tiêu cực của sự mất cân bằng thương mại. (Nguồn: Foreign Policy Blogs) |
Ông Trump cũng không phản đối thương mại quốc tế song ông nhấn mạnh thương mại phải công bằng hơn vì hiện nay thương mại đang làm mất nhiều việc làm của nước Mỹ. Lập luận này đã khiến ông Trump giành được sự ủng hộ của nhiều cử tri nhưng cũng làm cho những quốc gia có thăng dư thương mại lớn với Mỹ lo ngại, trong đó có Trung Quốc, Mexico. Lời hứa tăng thuế lên đến 45% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ làm dấy lên khả năng diễn ra một cuộc chiến về thương mại với Trung Quốc.
Có thể nói 2017 sẽ là một năm đầy bất định đối với nước Mỹ. Dù Mỹ có thể tiếp tục chiều hướng phục hồi kinh tế và có vai trò quan trọng trên toàn cầu song nước Mỹ có thể sẽ chia rẽ hơn và thực dụng hơn. Vì vậy, chúng ta cần dõi theo nước Mỹ trong một tâm thế linh hoạt và không định kiến.