📞

Nước Mỹ hậu bầu cử

19:30 | 27/10/2016
Tình hình nước Mỹ sẽ ra sao sau cuộc bầu cử ngày 8/11? Đó là câu hỏi mà ông Richard Haass* nêu ra trong một bài viết trên Project Syndicate ngày 25/10. TG&VN xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết này.

Chiến dịch tranh cử Tổng thống đang diễn ra ở Mỹ cho thấy sự khác biệt “một trời một vực” giữa các ứng viên. Trong khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump có quan điểm trái ngược với những nguyên tắc truyền thống, bà Hillary Clinton - ứng viên đại diện cho đảng Dân chủ lại là một chính khách mẫu mực.

Có thể nói, cuộc cạnh tranh giữa Clinton - Trump đã tạo nên những chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ, đồng thời phần nào làm ảnh hưởng đến hình ảnh của siêu cường này trên trường quốc tế. Có lẽ một điều mà chắc ai cũng đều đồng ý là chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay kéo dài quá lâu. Tuy nhiên, chỉ khoảng 2 tuần nữa, mọi việc sẽ kết thúc khi vào ngày 8/11, người dân Mỹ sẽ đi bỏ phiếu trên phạm vi toàn quốc để chọn ra nhà lãnh đạo mới của đất nước. Trong bối cảnh đó, tôi muốn đặt ra một câu hỏi rằng: sau ngày 8/11, tình hình nước Mỹ sẽ ra sao?

Đất nước bị chia rẽ

Hiện nay, các cuộc điều tra dư luận cho thấy bà Clinton có nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng chung cuộc trước ông Trump. Thế nhưng, các cuộc thăm dò chưa hẳn đã chính xác. Cũng giống như cuộc trưng cầu ý dân về “Brexit” ở Anh quốc, hầu hết các nhà quan sát đều tin rằng người dân “xứ sở sương mù” sẽ chọn phương án “Ở lại”. Kết quả sau đó thì ai cũng đã rõ. Mới đây, cử tri Colombia cũng bác bỏ thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ và lực lượng FARC, vốn được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới cho đất nước Mỹ Latinh sau hơn nửa thế kỷ xung đột.

Những dẫn chứng ở trên nói lên một điều rằng, bà Clinton rất có khả năng trở thành Tổng thống Mỹ, song khả năng đó không phải là 100%. Cuộc “thăm dò dư luận” có ý nghĩa nhất là vào ngày 8/11 tới. Còn từ nay cho đến lúc đó, chúng ta chỉ có thể đưa ra những dự đoán mà thôi.

Những người ủng hộ bà Clinton tập trung ở cầu Brooklyn, New York. (Nguồn: Reuters)

Trên thực tế, người ta vẫn đưa ra một số dự đoán với khả năng xảy ra cao. Chẳng hạn, nhiều người nghi ngờ rằng sau cuộc bầu cử năm nay, nước Mỹ chắc chắn sẽ bị chia rẽ, bất chấp ai là tân Tổng thống và đảng nào chiếm đa số trong lưỡng viện Quốc hội. Kịch bản này rất đáng lo ngại, bởi phe Cộng hòa hay phe Dân chủ sẽ không thể đạt được những mục tiêu của họ nếu như không có sự hỗ trợ của phe kia.

Sự chia rẽ giữa hai chính đảng chủ chốt của Mỹ dường như ngày càng sâu sắc, khi các phe nhóm trong nội bộ của hai đảng này đang thúc đẩy những quan điểm cực đoan hơn: phe Dân chủ ngày càng thiên tả, trong khi phe Cộng hòa ngày càng thiên hữu. Điều này khiến hai đảng khó đạt đồng thuận trong các vấn đề chung của đất nước.

Trong trường hợp bà Clinton giành chiến thắng, nhiều thành viên Cộng hòa sẽ cho rằng đó là bởi vì những sai lầm của ông Trump. Thậm chí nhiều người có thể sẽ chỉ ủng hộ bà Clinton trong 1 nhiệm kỳ với lập luận rằng, ở một quốc gia luôn đề cao sự thay đổi như Mỹ, đảng Dân chủ không thể điều hành chính phủ trong 4 nhiệm kỳ liên tiếp.

Tương tự, nếu ông Trump giành chiến thắng, hầu hết người theo đảng Dân chủ, thậm chí một số người Cộng hòa, cũng sẽ tìm mọi cách để vị tỷ phú này không thể tái đắc cử vào năm 2020. Bên cạnh đó, vì nhiều chính sách mà Trump đề ra rất gây tranh cãi, nên trong trường hợp ông trở thành chủ nhân Nhà Trắng, việc điều hành chính phủ có thể sẽ rất khó khăn.

Chờ đợi kết quả chung cuộc

Trước tình hình hiện nay, chính phủ mới nên tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm. Theo đó, chính phủ có thể ban hành một số quy định để tăng cường đầu tư vào hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, vốn là một chính sách mà cả hai ứng viên Tổng thống lẫn hai đảng Cộng hòa - Dân chủ đều ủng hộ. Bên cạnh đó, Washington nên tiến hành cải cách thuế, trong đó cân nhắc giảm thuế cho các công ty và tăng thuế đối với tầng lớp giàu có. Ngoài ra, chính phủ có thể đưa ra một số cải cách đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, vốn là một thành tựu của Tổng thống Obama.

Dù vậy, một số vấn đề đòi hỏi hợp tác giữa Quốc hội và tân Tổng thống sẽ gặp khá nhiều khó khăn, chẳng hạn như chuyện nhập cư - vốn đang gây tranh cãi không chỉ ở Mỹ mà còn ở châu Âu. Một vấn đề khác là thương mại. Hiện nay, vì nhiều yếu tố chính trị nội bộ mà bà Clinton lẫn ông Trump đều phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mặc dù việc tham gia Hiệp định này có lợi cho nền kinh tế cũng như vị thế chiến lược của Mỹ.

Bà Clinton và ông Trump tại phiên tranh luận trực tiếp lần ba, ngày 19/10. (Nguồn: AP)

Những ảnh hưởng của cuộc bầu cử năm nay đến chính sách đối ngoại của Mỹ lại phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân vị Tổng thống mới. Trong khi Quốc hội có quyền tuyên chiến hay phê chuẩn điều ước, Tổng thống lại có quyền điều động lực lượng quân sự mà không cần sự phê chuẩn tức thời của Quốc hội. Tổng thống cũng có quyền quyết định một số thỏa thuận quốc tế (ngoại trừ các điều ước), bổ nhiệm nhân sự của Nhà Trắng, thay đổi việc triển khai chính sách đối ngoại như Tổng thống Obama vừa làm với Cuba.

Nếu bà Clinton đắc cử, với quyền hành của mình, bà được dự đoán sẽ thiết lập các vùng an toàn ở Syria, cung cấp vũ khí phòng thủ cho quân đội chính phủ Ukraine đồng thời thể hiện quan điểm cứng rắn với Triều Tiên nếu nước này tiếp tục thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, các chính sách sẽ khó đoán hơn nếu ông Trump đắc cử. Thực tế, ông Trump vốn không phải là người trong giới chính trị, nên không ai biết ông sẽ biến các quan điểm tranh cử thành chính sách thực tế như thế nào. Dù vậy, nhiều người cho rằng chính quyền Trump có thể sẽ hạn chế quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các nước ở châu Âu, châu Á, đồng thời rút lui khỏi “vũng lầy” Trung Đông.

Nước Mỹ sẽ đi về đâu sau cuộc bầu cử ngày 8/11 vẫn là một câu hỏi để ngỏ. Mặc dù tới nay người ta có đưa ra một số dự đoán, song không chỉ người dân Mỹ mà cả thế giới vẫn đang hồi hộp chờ đợi kết quả chung cuộc.

* Richard Haass hiện là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR). Ông từng là Giám đốc cơ quan hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ (giai đoạn 2001-2003), nguyên đặc sứ của Tổng thống George Bush tại Bắc Ireland, nguyên điều phối viên về tương lai Afghanistan.

(theo Project Syndicate)