Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thừa nhận khó tổ chức Olympic đúng thời hạn tại buổi họp của Thượng viện Nhật Bản ngày 23/2. (Nguồn: Kyodo) |
Ngày 23/3, phát biểu trước Thượng viện Nhật Bản, Thủ tướng Abe Shinzo cho rằng trì hoãn Olympic Tokyo có thể là phương án duy nhất để tránh khiến đại dịch Covid-19 trở nên trầm trọng hơn. Từng hy vọng tổ chức Olympic 2020 “hoàn chỉnh”, song đến thời điểm hiện tại, ông Abe đã lần đầu thừa nhận rằng đây có thể là “nhiệm vụ bất khả thi”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng đồng thuận với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) rằng “hủy bỏ không phải là phương án”.
Trước đó một ngày, IOC thông báo sẽ định đoạt số phận của Olympic sau khi thảo luận với các bên tổ chức trong 4 tuần tới. Quyết định này khiến IOC phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ chính các cơ quan thành viên của mình ở nhiều nước.
Cùng ngày 23/3, Canada và Australia khẳng định sẽ không cử vận động viên tham dự Olympic Tokyo 2020 vì lo ngại đại dịch Covid-19. Tuyên bố chung của Ủy ban Olympic và Ủy ban Paralympic Canada khẳng định: “Chúng tôi nhận thức rõ rắc rối liên quan đến trì hoãn (Olympic), song không có gì quan trọng hơn sức khỏe và an toàn của các vận động viên nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung”.
Tương tự, sau cuộc họp trực tuyến ngày 23/3, ban lãnh đạo Ủy ban Olympic Australia cũng nhất trí sẽ không gửi tuyển Olympic Australia tham dự Olympic. Giám đốc Điều hành Ủy ban Olympic Australia Matt Caroll cho rằng các vận động viên nên chuẩn bị cho Olympic Tokyo vào năm 2021: “Các vận động viên rất muốn tham gia Olympic, song họ luôn cân nhắc về sức khỏe của mình. Chúng tôi cần đảm bảo cho các vận động viên sự chắc chắn đó và đây là điều chúng tôi đã làm”.
Như vậy, bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia, đề nghị hoãn, dời Olympic sang 2021, Chính phủ Nhật Bản và IOC vẫn muốn triển khai Olympic năm 2020. Tại sao họ lại quyết tâm đến vậy?
Đầu tiên, Olympic được tổ chức 4 năm một lần và nhiệm vụ quan trọng nhất của IOC là đảm bảo sự kiện này được diễn ra suôn sẻ. Olympic không được tổ chức đúng thời hạn sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín và vai trò của IOC trong làng thể thao quốc tế, tác động tiêu cực tới các kỳ Olympic tới. Thái độ kiên quyết của IOC đối với việc tổ chức Olympic Tokyo đúng thời hạn là cách tổ chức này giữ vững vai trò nói riêng, đảm bảo vị thế đại hội thể thao toàn cầu của Olympics nói chung.
Thứ hai, Olympic là dịp để các quốc gia quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người; Nhật Bản không phải ngoại lệ. Thủ tướng Abe Shinzo mong muốn sự kiện này sẽ nâng cao vị thế quốc gia, củng cố vững chắc vai trò của đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) cầm quyền.
Quan trọng hơn, nước Nhật đã tiêu tốn 32 – 41 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng nhiều khách sạn và nơi cư trú, hy vọng gặt hái lợi ích kinh tế khổng lồ đến từ Olympic, lấy đó làm đà tăng trưởng trở lại cho nền kinh tế, với GDP giảm 7,1% quý cuối vì nhu cầu tiêu dùng suy giảm và lũ lụt.
Quyết tâm của Tokyo được thể hiện rõ khi vẫn tiến hành lễ rước đuốc từ Hy Lạp về Nhật Bản với 50.000 người tham dự, bất chấp lo ngại về sự lây lan của Covid-19 tại các sự kiện đông người.
Sở dĩ Nhật Bản có lòng tin như vậy bởi đến nay, Tokyo đã ít nhiều trì hoãn mức độ lây lan của dịch. Tính đến ngày 23/3, Nhật Bản chỉ ghi nhận 1.102 ca mắc Covid-19, trong đó có 49 ca tử vong, thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc hay Trung Quốc, dù số người cao tuổi, đối tượng dễ chịu ảnh hưởng của Covid-19 của nước này là không hề nhỏ. Do đó, Tokyo kỳ vọng có thể kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19 sớm nhất có thể, tránh làm ảnh hưởng đến Olympic.
Song tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới sẽ khiến nỗ lực của Nhật Bản khó được đền đáp và ông Abe Shinzo không muốn mạo hiểm. Vì thế, cả Tokyo và IOC sẽ tiếp tục “ném đá dò đường”, theo dõi sát sao diễn biến đại dịch, đồng thời thử phản ứng của cộng đồng quốc tế trước khi quyết định, bởi xét cho cùng, trì hoãn Olympic chưa bao giờ là điều họ muốn.