Ở Nhật Bản vừa rồi, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không giấu diếm sự bất đồng quan điểm đánh giá về những vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên. Ông Trump tỏ ra không quan tâm nhiều trong khi ông Abe nhìn nhận sự việc rất nghiêm trọng. Dù vậy, ông Abe lại một lần nữa thể hiện ý muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một cách vô điều kiện. Ông Trump lại có vẻ thờ ơ và không hề vội vàng gì với cuộc gặp mới với ông Kim Jong-un.
Sự khác biệt này có nguyên cớ ở chỗ ông Trump và ông Abe hiện ở hai vị trí và vị thế cũng như có lợi ích khác nhau trong quan hệ của Mỹ và Nhật Bản với Triều Tiên. Ông Abe không thể không lo ngại khi Nhật Bản thời gian qua dường như bị gạt ra ngoài lề tiến trình chính trị an ninh sôi động ở khu vực Đông Bắc Á. Ông Abe không thể không quan tâm khi Nhật Bản có lợi ích chiến lược thiết thực và lâu dài trong tiến trình ấy, cụ thể là gây dựng vai trò và ảnh hưởng cho Nhật Bản trong xử lý vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như giải quyết những vấn đề mắc mớ lâu nay trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Triều Tiên.
Một khi Triều Tiên xử lý ổn thoả xong chuyện quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc thì Nhật Bản sẽ yếu thế và thất thế trong quan hệ với Triều Tiên. Triều Tiên không bặp ngay vào ước muốn của ông Abe, khác hẳn so với đáp ứng mời chào của ông Trump, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có phần vì nguyên do này, nhưng nguyên nhân chính là Triều Tiên chủ trương dùng kênh song phương chứ không phải đa phương, lấy cơ chế Trump - Kim và Kim - Moon làm chủ chốt. Triều Tiên không cần và không lệ thuộc vào Nhật Bản như cần và lệ thuộc vào Trung Quốc và Nga. Cho nên ông Abe dẫu có cần đến mấy thì Triều Tiên cũng đâu có phải vội.