📞

Phương án B giải quyết vấn đề người di cư

16:42 | 09/08/2016
Những bất đồng gần đây giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến thỏa thuận về vấn đề di cư giữa hai nước "lung lay". Vậy phương án thay thế của EU là gì?

Sau khi cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ thất bại, chính quyền Ankara đã trực tiếp công kích phương Tây đứng sau nỗ lực bất thành này, đồng thời dọa sẽ xé bỏ thỏa thuận về di cư đã kí kết hồi tháng 3/2016 nếu Liên minh châu Âu (EU) không thông qua việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu.

Khó khăn này buộc EU phải tính tới các "phương án B" nhằm đối phó với khả năng làn sóng người di cư sẽ tràn vào châu Âu nếu như thỏa thuận sụp đổ.

Hình minh họa. (Nguồn: Law Global)

Phương án A bế tắc

Theo thỏa thuận được kí kết giữa Brussels và Ankara vào cuối tháng 3/2016, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận lại người di cư bằng đường biển từ nước họ sang Hy Lạp nếu như những người này không đăng kí xin quy chế tị nạn hoặc đơn xin quy chế của họ bị bác. Ngoài ra, với mỗi công dân Syria bị trả lại phía Thổ Nhĩ Kỳ, EU cũng sẽ nhận một công dân Syria đang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Để đổi lại, EU sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỉ Euro.

Kể từ khi thỏa thuận này có hiệu lực, dòng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp, để rồi từ đó họ di chuyển theo con đường Balkan để lên Bắc Âu, đã giảm đáng kể.

Trong tháng 3/2016, trước khi thỏa thuận được kí kết, có tổng cộng 1.740 người vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp, trong khi trong tháng 6/2016, con số này chỉ là 47 người. Sau khi thỏa thuận có hiệu lực và tuyến đường Balkan bị đóng lại, bọn buôn người đã sử dụng trở lại tuyến Địa Trung Hải, đưa người vượt biển sang Italy.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ phá vỡ thỏa thuận, làn sóng người sẽ lại ồ ạt từ các bờ biển nước này sang các đảo của Hy Lạp. Tuần trước, Bộ trưởng về các vấn đề nhập cư của Hy Lạp Yannis Mouzalas đã nói: "Nếu dòng người di cư lại bắt đầu diễn ra, chúng tôi không thể đối phó một mình được. Chúng tôi rất lo ngại và đã chuẩn bị cho tình huống xấu xảy ra".

Nhóm người tị nạn Syria cập bến bờ biển Lesvos (Hy Lạp) sau khi rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: The New Yorker)

Theo nhật báo Corriere della Sera (Italy), nguy cơ là thực tế và không thể coi thường. Hiện tại, thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đang mắc kẹt ở 5 điểm còn lại trong 72 điểm thỏa thuận đã kí, trong đó có điểm mà Ankara chưa phê chuẩn là chống khủng bố. Vụ đảo chính hụt đã làm thay đổi đáng kể cục diện quan hệ Ankara-Brussels, khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tố cáo phương Tây đứng sau và được cho là đang "được thể" đưa ra thêm nhiều yêu sách nữa, buộc châu Âu phải tuân theo.

Ông Erdogan có vẻ đang được lợi "trong mọi hoàn cảnh", khi sử dụng người tị nạn Syria như là con tin chính trị của ông. Ngay cả trong trường hợp thỏa thuận bị phá vỡ, 3 triệu người Syria tị nạn trên đất Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể là một quân bài chính trị quan trọng đối với ông Erdogan trong các cuộc bầu cử tiếp theo, một khi ông cho phép những người này nhập tịch.

Nếu thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ đổ bể, Brussels sẽ quay sang nâng cấp các lều trại tạm ở Hy Lạp. (Nguồn: Vice)

Chuyển hướng sang Hy Lạp

Corriere della Sera nhận định, EU đã tính đến "phương án B", coi như đó là phương án duy nhất khả thi lúc này. Đó là nâng cấp các trại tiếp nhận người tị nạn ở Hy Lạp, đóng chặt cửa biên giới Hy Lạp với đất liền châu Âu, ngăn chặn các dòng người từ các đảo của Hy Lạp sang các nước khác bằng đường biển, đồng thời chuyển số tiền hỗ trợ lẽ ra phải dành cho Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận sang phía Chính phủ Athens.

Hiện tại, số người di cư đang tạm trú trong các trại của Hy Lạp là 160.000 người. Con số này chắc chắn sẽ tăng mạnh nếu thỏa thuận bị phá vỡ và có thể biến Hy Lạp thành một "cái hộp đen", một nhà tù của người tị nạn, như Thủ tướng nước này Alexis Tsipras đã từng lo ngại.

Tuy nhiên, việc ép Hy Lạp đóng cửa biên giới với Macedonia, từ đó chặt đứt con đường cuối cùng của người di cư sang châu Âu bằng đường bộ cũng có thể gây ra nhiều hậu quả chính trị, không chỉ ở Hy Lạp mà còn ở Đức, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Thủ tướng Đức Angela Merkel, với chính sách tiếp nhận người tị nạn của mình. 

Mục tiêu của EU là duy trì thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và tìm cách thuyết phục ông Erdogan "hạ nhiệt". Tuy nhiên, nếu quan hệ giữa hai bên không thể được duy trì ở mức tốt nhất có thể, Brussels sẽ phải chuyển sang các phương án khác. Chỉ có điều, những phương án thay thế không nhiều, và sau một thời gian yên ắng hơn, một làn sóng di cư mới sẽ tràn vào châu Âu.

(theo Corriere della Sera)