📞

Sách Trắng về thương mại Mỹ - Trung: Sư phải hay vãi hay?

DỊCH DUNG 09:47 | 06/06/2019
TGVN. Trung Quốc vừa ra Sách trắng nói vì Mỹ mà đàm phán thương mại bất thành, xung khắc thương mại gia tăng. Ai đúng và ai sai? Chỉ Mỹ và Trung Quốc biết. Người ngoài bị đẩy đến tình trạng "Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay" ! Phân tích của báo TG&VN.
Bàn về Sách Trắng Trung Quốc về thương mại Mỹ - Trung: Sư phải hay vãi hay? (Nguồn: The Brookers Academy)

Đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục bế tắc và vì thế cả hai bên hiện không có sự không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải thực hiện những tuyên bố, doạ dẫm và răn đe lẫn nhau đã được đưa ra.

Từ chiêu thức thuế quan…

Phía Mỹ nâng mức thuế quan bảo hộ thương mại từ 10% lên 25% áp cho 200 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn doạ sẽ áp mức thuế quan 25% này cho thêm 325 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nếu gộp tất cả lại sẽ là 575 tỷ USD giá trị xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

Trung Quốc đã đáp trả với biện pháp áp thuế quan bảo hộ thương mại tương tự với 50 tỷ USD giá trị hàng hoá của Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Từ ngày 1/6 vừa qua, biện pháp này được áp dụng đối với thêm 5140 dòng sản phẩm của Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với giá trị 60 tỷ USD, tổng gộp lại vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ. Nhưng Trung Quốc có thêm độc chiêu là tung ra văn kiện cũng đặc thù trong thế giới ngoại giao là Sách Trắng với tên gọi chính thức là Những quan điểm của Trung Quốc về các cuộc tham vấn kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, dày 24 trang, phát hành công khai trong 8 thứ tiếng. Năm ngoái, Trung Quốc đã chơi chiêu thức này sau khi bị phía Mỹ khuấy động cuộc xung khắc thương mại.

Sách Trắng như hiện tại được sử dụng có nguồn gốc từ thời trung cổ. Các quốc gia dùng nó để tập hợp các văn kiện chính thức, thể hiện định hướng chính sách, giải thích những biện pháp chính sách và hành động về từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt phổ biến cho chính sách đối ngoại và trong quan hệ giữa các quốc gia.

Tuỳ theo mầu sắc của bìa sách mà văn kiện này có tên gọi khác nhau như ở Anh là mầu xanh nước biển, ở Italy mầu xanh lá cây, ở Pháp mầu vàng, ở Đức mầu trắng, ở Mỹ và Áo mầu đỏ, ở Nhật Bản mầu xám hay ở Nga (cho tới năm 1917) và ở Hà Lan mầu da cam.

Người ta cho rằng, những văn kiện bìa mầu như thế này được sử dụng lần đầu tiên ở Anh năm 1624 (Sách xanh do bìa mầu xanh nước biển). Nước Đức vốn sử dụng Sách xám (bìa mầu xám) dựa trên ý tưởng này của Anh và từ năm 1884 sử dụng mầu trắng. Sách Trắng trở nên phổ cập từ đó.

… đến mục đích ra Sách Trắng

Sách Trắng thương mại mới của Trung Quốc dành phần lớn nội dung trong đó để làm cho bên ngoài thấy là phía Mỹ chủ ý làm cho chuyện đàm phán thương mại giữa hai bên không thể thành công và phía Mỹ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, chỉ ra 4 tác động "gậy ông đập lưng ông" đối với Mỹ khi dùng chủ nghĩa bảo hộ thương mại để gây xung khắc thương mại với Trung Quốc, chỉ ra cụ thể Mỹ đã 3 lần "tiền hậu bất nhất" trong cuộc đàm phán vừa qua.

Trong văn kiện này, Trung Quốc khẳng định thiện chí đàm phán với Mỹ nhưng sẽ không nhượng bộ trong những nội dung mang tính nguyên tắc, Trung Quốc thể hiện quan điểm rằng để đàm phán thành công thì hai bên phải như thế nào và xác định mối bất hoà này giữa hai bên sẽ còn dai dẳng.

Với Sách Trắng, Trung Quốc lật ngược hết những trình bày, giải thích và cáo buộc phía Mỹ đã đưa ra trước đấy để đổ lỗi và trách nhiệm về đàm phán chưa đạt kết quả cho Trung Quốc.

Ở đây, trước hết có sự khác biệt quan điểm giữa hai bên về cách tiếp cận đàm phán. Mỹ muốn thoả thuận từng nội dung trong khi Trung Quốc chủ trương thoả thuận cả gói. Một bên muốn cưa đứt đục suốt từng nội dung còn một phía cho rằng khi chưa đạt được thoả thuận cho tất cả mọi nội dung thì chưa đạt được thoả thuận nào cả.

Hai bên cáo buộc lẫn nhau là tiến hành đàm phán chỉ để làm vì chứ trong thâm tâm không thật sự sẵn sàng nhượng bộ lẫn nhau để đạt được thoả thuận. Mỹ phê trách Trung Quốc đã thoả thuận rồi lại lật ngược còn Trung Quốc chỉ trích Mỹ đưa ra những điều kiện mà biết trước là Trung Quốc sẽ không chấp nhận để đổ lỗi và trách nhiệm hết cho Trung Quốc.

Ai đúng, ai sai?

Theo Mỹ, mưu tính của Trung Quốc là kéo dài thời gian đàm phán còn Trung Quốc không tin Mỹ đàm phán để tìm giải pháp cho cuộc xung khắc thương mại mà chỉ để cho đàm phán thất bại, lấy đó làm cớ để tiếp tục gây khó dễ cho Trung Quốc, tức là dùng cuộc xung khắc thương mại để phục vụ cho cuộc cạnh tranh chiến lược.

Sự thật trong chuyện này như thế nào, ai đúng và ai sai, sai và đúng đến đâu xem ra chỉ có Mỹ và Trung Quốc biết rõ nhất. Người ngoài bị đẩy đến trước tình trạng "Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay".

Xem ra, phải đợi đến hội nghị cấp cao sắp tới của nhóm G20 ở Osaka (Nhật Bản) thì có thể sẽ biết được cụ thể hơn, nhiều hơn và chính xác hơn từ việc tổng thống Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có gặp nhau hay không và nếu hai người này gặp nhau thì kết quả cuộc gặp như thế nào.