📞

Siết chặt “huyết mạch” Ukraine, Nga muốn chuyển thông điệp gì?

14:05 | 26/11/2018
Nga tiến hành tạm giữ ba tàu hải quân của Ukraine tại Biển Đen. Ukraine ban bố tình trạng chiến tranh, trong khi Mỹ đã triệu tập Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn cấp.

Ngày 25/11, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết, lực lượng tuần duyên của họ đã tạm giữ 3 tàu hải quân của Ukraine tại Biển Đen, bao gồm 2 tàu pháo binh loại nhỏ (Berdyansk và Nikopol) cùng tàu kéo Yana Kapa.

Những tàu này đang thực hiện kế hoạch di chuyển từ thành phố cảng Odessa ở Biển Đen tới cảng Mariupol, song ngay khi chuẩn bị đi vào biển Azov, họ đã bị lực lượng tuần duyên Nga chặn lại bằng cách đâm vào chiếc tàu kéo và sử dụng một tàu chở hàng cỡ lớn chắn tại eo biển Kerch.

Ngay sau khi đụng độ xảy ra, Nga đã điều động 2 máy bay chiến đấu và 2 trực thăng tới tăng viện, tiến hành chiếm giữ 3 tàu Ukraine. Thông tin cho biết đã có 6 thủy thủ bị thương trong vụ đụng độ này.

Hải quân Nga tuần tra tại eo biển Kerch. (Nguồn: Defence Blog)

Đáng chú ý, trước đó Ukraine cho biết đã thông báo kế hoạch di chuyển tàu chiến cho phía Nga, song Moscow lại phủ nhận tuyên bố của Kiev.

Trong một diễn biến trước đó, ngày 22/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin chỉ trích Ukraine đang có những hành động quân sự hóa biển Azov như tăng cường nhóm hải quân, xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự... trong đó có nhắc đến việc Ukraine nhận được sự hỗ trợ của Mỹ.

Trên thực tế, từ đầu năm trở lại đây, vận chuyển hàng hải trên biển Azov trở nên căng thẳng khi Ukraine bắt giữ tàu đánh cá Nord và tàu Pogodin của Nga tại cảng Kherson vào tháng 3 và 8. Moscow đã phản ứng mạnh, coi hành động của Kiev là “khủng bố hàng hải” và đáp trả bằng cách tăng cường kiểm tra biên giới bên phía lãnh thổ của mình trên biển Azov. Do đó, khó có khả năng Moscow không nhận được thông báo của Kiev về hành trình di chuyển của ba tàu trên và đây dường như là động thái trả đũa của phía Nga.

Tuy nhiên, đây còn là cách Nga khẳng định chủ quyền của mình tại biển Azov. Khu vực này là cửa ngõ liên thông giữa thành phố cảng Mariupol và biển Đen, nơi có vị trí chiến lược trọng yếu đối với Ukraine về mặt kinh tế. Theo thỏa thuận ký kết vào năm 2003, Moscow và Kiev chia sẻ chủ quyền tại khu vực này.

Biển Azov là biển kín và lối ra duy nhất nằm ở eo biển Kerch rộng chưa đầy 5 km và việc Nga đóng quân ở đây cho thấy nước này muốn siết chặt mạch máu kinh tế của Ukraine.

Nền kinh tế khởi sắc và tăng trưởng tốt sau khi nhận được các khoản vay từ Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã khiến Kiev “mạnh miệng” với Moscow. Do đó, động thái quyết liệt của Nga sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế của Ukraine và khiến chính quyền của ông Poroshenko gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì lập trường chống Nga và thu hút sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 3/2019.

Nền kinh tế của Ukraine liệu có thể duy trì đà tăng trưởng trong năm 2018 và 2019 dưới sức ép đến từ Nga? (Nguồn: BNE)

Cuối cùng, việc “độc chiếm” biển Azov sẽ là cách Nga cảnh cáo sự can thiệp của phương Tây vào vấn đề Crimea và Ukraine, đặc biệt là sau tuyên bố của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert về việc Moscow đang làm cho Kiev “chết một lần nữa”. Duy trì quyền kiểm soát eo biển Kerch, tiến tới áp đặt lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, Kremlin có thể hiện thực hóa những lo ngại từ Nhà Trắng, đồng thời giành ưu thế ngay trước thềm thượng đỉnh Nga - Mỹ tại G20 sắp tới.

Đối mặt với thực trạng này, Ukraine đã ban bố tình trạng chiến tranh, trong khi Mỹ đã triệu tập Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn. Song như nhiều lần trước, chỉ trích hay cấm vận là không đủ để cản bước Moscow tiếp tục duy trì ưu thế tuyệt đối tại biển Đen và biển Azov.