Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số thành viên của đội “Con Nai”, tháng 4/1945. (Nguồn: Cục Quản lý Hồ sơ và Văn khố quốc gia, Mỹ) |
Ngày 19/5/1941, tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (Khóa I), Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Chương trình Việt Minh với mục tiêu tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới… huy động sức mạnh toàn thể quần chúng nhân dân cùng đánh đuổi Nhật - Pháp. Dù chưa có nhà nước chính thức, nhưng Bác đã lãnh đạo Việt Minh thành công trên mọi mặt, bao gồm cả hoạt động đối ngoại.
Dưới tầm nhìn và sự lãnh đạo tài tình của Bác, trong giai đoạn 1941-1945, các hoạt động của Việt Minh đã để lại một số bài học quý báu đối với việc xây dựng quan hệ Việt - Mỹ nói riêng cũng như công tác đối ngoại nói chung của nước ta sau này.
Trong giai đoạn này, Bác tiếp xúc nhiều với Cơ quan các hoạt động chiến lược Mỹ (OSS) - được thành lập dưới thời Tổng thống Franklin Roosevelt với mục đích phối hợp các hoạt động với lực lượng vũ trang Mỹ để chống lại phe Trục trong Thế chiến II. Nhìn lại, chúng ta có thể thấy, hoạt động này thể hiện tư tưởng của Bác về xây dựng quan hệ Việt - Mỹ trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Tìm thông tin, nắm cơ hội
Trước Cách mạng tháng Tám, Bác nhận định, Mỹ rất coi trọng Đông Dương, thấy Việt Nam gần căn cứ OSS của họ ở Trung Quốc, thuận tiện để tiếp nhận thông tin toàn khu vực châu Á và có cùng mục tiêu chống phát xít Nhật. Tranh thủ điểm tương đồng này, Bác kiên trì xây dựng quan hệ và tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ đối với Việt Minh, ủng hộ cuộc cách mạng chính nghĩa của Việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo của Bác, Việt Minh tìm cách tiếp cận người Mỹ trong nhiều năm, song chưa thành công. Đến tháng 11/1944, Việt Minh cứu sống Trung uý Wiliams Shaw bị Nhật bắn rơi tại Cao Bằng, mở ra cơ hội xây dựng quan hệ với OSS, với Trung uý Hải quân Charles Fenn và Tướng Claire Lee Chennault, Tư lệnh không đoàn số 14 của Mỹ, đại diện cao nhất của đồng minh ở vùng Hoa Nam (Trung Quốc). Giai đoạn hợp tác giữa Việt Minh với OSS chống phát xít Nhật bắt đầu.
Sau nửa năm tìm hiểu lẫn nhau, Đội “Con Nai” thuộc OSS đã đến Tân Trào để huấn luyện, cung cấp hậu cần và y tế cho lực lượng Việt Minh từ tháng 4-8/1945.
Sau Cách mạng tháng Tám, để bảo vệ nền độc lập non trẻ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phải chớp cơ hội, tranh thủ những kết quả ngoại giao ban đầu để thúc đẩy Mỹ chính thức công nhận nền độc lập của Việt Nam. Ngày 29/8/1945, Thiếu tá Archimedes Patti - người đứng đầu phái đoàn OSS - đến Hà Nội với nhiệm vụ giải cứu tù binh Đồng minh. Thiếu tá Patti là người nước ngoài duy nhất được Bác mời đến ngôi nhà số 48 Hàng Ngang để nghe dự thảo Tuyên ngôn Độc lập và cũng là một trong số ít khách nước ngoài có mặt tại Quảng trường Ba Đình khi Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945.
Khẩu hiệu “Hoan nghênh phái đoàn Mỹ” cũng đã được treo trong buổi Lễ trang trọng và thiêng liêng nhất của quốc gia. Theo đà đó, Bác chủ động chuyển thông điệp của chính phủ Việt Nam mong muốn nhận sự ủng hộ, giúp đỡ của Tổng thống Truman và các quan chức ngoại giao Mỹ trong những năm tiếp theo.
Xây lòng tin, tăng điểm đồng
Cảm hóa, xây dựng lòng tin bằng sự chân thành và khai thác, phát huy điểm tương đồng là nét đặc sắc trong phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Trong suốt thời gian hợp tác với OSS, Bác coi trọng việc hiểu đối tác để xác định cách thức trao đổi thông tin phù hợp, hiệu quả. Bác đánh giá đây là tổ chức với những thành viên có hiểu biết sâu về tình hình khu vực, nhiều kinh nghiệm... Do đó, Bác chỉ đạo Việt Minh ứng xử chân thành, thẳng thắn để phía bạn hiểu bản chất của Việt Minh, sẵn sàng chia sẻ sứ mệnh một cách chi tiết và đầy thuyết phục. Nhờ thế, từ định kiến ban đầu về Việt Minh, các sĩ quan OSS Mỹ đã thay đổi cách nhìn nhận, thấy rằng Việt Minh là lực lượng với lý tưởng cách mạng trong sáng, vì dân, sẵn sàng chống lại ách áp bức của phát xít Nhật.
Ví dụ điển hình là cử chỉ Bác tặng Trung úy William Shaw một tấm lụa trắng thêu dòng chữ tiếng Anh “Chúc mừng khách đến” có chữ ký của nhiều hội viên Mặt trận Việt Minh ủng hộ Đồng minh chống phát xít. Bác chiếm được thiện cảm của Tướng Chennault qua việc từ chối đề nghị tặng tiền cảm ơn cho Việt Minh của phía Mỹ sau khi cứu Trung uý Shaw. Trong quá trình đi cùng đội “Con Nai” về Tân Trào, Bác cùng Thiếu tá Allison Thomas thảo luận về các mối quan tâm của Mỹ và nhận được sự ủng hộ của phía Mỹ với phương án hành động của ta.
Những câu chuyện kể lại sau này từ những sĩ quan Mỹ tại Tân Trào thường nhắc đến sự chân tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà ngoại giao Lê Tùng Sơn… bằng giọng đầy tự hào. Đây là những minh chứng rõ nét về lời dạy “biết người, biết ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sức mạnh tự thân
Bác đặc biệt chú trọng trong việc củng cố Việt Minh thành một lực lượng mạnh, đáng tin cậy trong mắt người Mỹ với quan điểm “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Sau khi thành lập, sự phát triển mạnh mẽ của Việt Minh đã thu hút chú ý của OSS, tin rằng đây là nhóm cốt lõi trong các lực lượng chống Nhật tại Đông Dương.
Tự đánh giá khi đó Việt Minh còn là một lực lượng chưa phát triển, để “khuếch đại” sức mạnh của Việt Minh, thu hút sự ủng hộ của quốc tế, Bác đưa ra nhiều sách lược để lan tỏa, chứng minh mối quan hệ giữa Việt Minh và Mỹ. Bác dùng tấm bưu thiếp có chữ ký của Thiếu tá Archimerdes Patti và dòng chữ “gửi đến Hồ Chí Minh” sau cuộc gặp tại Côn Minh, Trung Quốc và đề nghị Mỹ hỗ trợ vũ khí “made in U.S.A” cho Việt Minh.
Những chi tiết tuy nhỏ này đã giúp chứng minh mối quan hệ giữa Việt Minh và OSS, làm rõ về tuyên bố Mỹ ủng hộ Việt Minh giai đoạn này.
Trong thời gian hoạt động tại Tân Trào, hợp tác về thông tin và đào tạo kỹ năng quân sự giữa Việt Minh và Mỹ có rất nhiều sự ăn ý, giúp Việt Minh có sự trưởng thành đáng kể về mặt quân sự.
Đồng thời, OSS thường xuyên cung cấp y tế và hậu cần xuống Tân Trào, hỗ trợ điều trị các cơn sốt rét dai dẳng cho Bác, các cán bộ và những người lính Việt Minh kịp hồi phục sức khỏe để chuẩn bị khởi nghĩa. Nhờ đó, lực lượng Việt Minh đã củng cố được sức mạnh để chiến đấu với quân Nhật ở Thái Nguyên, mở đầu cho Cách mạng tháng Tám.
Nền móng cho tương lai
Từ những hỗ trợ, thông tin trao đổi với lính Mỹ về tình hình thế giới và khu vực lúc đó, kết hợp với phán đoán tài tình của Bác, đã góp phần thúc đẩy quyết định khởi nghĩa vào ngày 16/8/1945 đúng thời điểm, làm nên thành công vang dội của Cách mạng tháng Tám 1945. Đây là một trong những minh chứng cho thấy những gì Việt Nam và Mỹ có thể làm được nếu cùng hợp tác vì những mục tiêu chung: độc lập, tự do, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trong hội đàm vào ngày 10/9/2023 nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan hệ Việt Nam - Mỹ từ giai đoạn tiền Cách mạng tháng Tám và cho biết “Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và Việt Nam sẵn sàng hợp tác đầy đủ với Mỹ; nền độc lập và hợp tác đó có lợi cho toàn thế giới”.
Từ đối tác trong Thế chiến II trở thành kẻ thù, rồi từ kẻ thù hai nước lại từng bước trở thành đối tác, Đối tác toàn diện. Đến nay hai nước đã thiết lập được khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện dưới sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đặt những viên gạch đầu tiên, từ rất sớm, cho mối quan hệ giữa hai quốc gia. Việc vận dụng những bài học trong quá khứ, từ tư tưởng và phong cách ngoại giao tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ tiếp tục đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ phát triển hơn nữa, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước và đóng góp cho hoà bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
| Quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Argentina: Tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lịch sử to lớn Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những tấm gương vĩ đại trong cuộc đấu tranh của các dân tộc trên thế giới chống ... |
| Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ Việt Nam với Angola "Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ Việt Nam với Angola" là chủ đề của hội thảo diễn ra tại trụ ... |
| Khu di tích 'chứng nhân' lịch sử cho tình đồng chí anh em Việt Nam-Trung Quốc tại Quảng Châu Khu di tích Việt Nam thanh niên cách mạng Đồng chí Hội tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, được coi như ... |
| Hội thảo Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào giải phóng dân tộc tại châu Phi, quan hệ Việt Nam-Morocco Các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp rất nhiều cho ... |
| Những ký ức sâu đậm về Chủ tịch Hồ Chí Minh Mỗi khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình ảnh một vị lãnh tụ hiền từ, giản dị, chất phác lại hiện lên trong ... |