Nga, và Liên Xô trước đây, là điểm tựa vững chắc cho chính sách an ninh của Ấn Độ. Các đợt chuyển giao vũ khí của Moscow giúp New Delhi xây dựng một lực lượng quân sự hùng hậu và được trang bị đầy đủ với chi phí tương đối thấp, và nói chung đường lối của Nga phù hợp với chính sách của Ấn Độ trong khu vực. Tất nhiên, các mối quan hệ mang tính đối kháng giữa Nga với Trung Quốc và Pakistan trong quá khứ góp phần tạo nên cục diện này.
Gần đây, Ấn Độ đã tìm cách xích lại gần với Mỹ, một tiến trình có phần gấp gáp hơn khi cách biệt về sức mạnh quốc gia tổng hợp giữa Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng. Tuy nhiên, Mỹ đã cho thấy họ là những khách hàng khó tính hơn. Dựa vào sức mạnh và tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình, mà một số người cho là ngạo mạn, Washington muốn những cường quốc khu vực gắn họ với các lợi ích của Mỹ. Trái ngược với quan điểm của Nga ở Nam Á, người Mỹ khăng khăng đòi Ấn Độ "theo đuôi họ" và phớt lờ các lợi ích của New Delhi.
Trong thập niên 1980, khi Mỹ tìm cách lôi kéo Ấn Độ ra khỏi vòng tay Liên Xô, họ thể hiện một giọng điệu khác. Họ đề xuất hợp tác với Ấn Độ để phát triển các công nghệ quân sự nhằm giúp New Delhi "tự cung tự cấp". Hai bên đã ký một bản ghi nhớ vào năm 1984 về việc chuyển giao công nghệ. Trong ba thập kỷ sau đó, Mỹ bán nhiều vũ khí cho Ấn Độ, song New Delhi hầu như không đạt được nhiều tiến bộ về năng lực công nghệ quân sự dưới sự hỗ trợ của Mỹ. Washington quá bận tâm với các vấn đề toàn cầu nên chẳng có thời gian để mắt tới những chính sách như vậy, và họ lại đang "hống hách" yêu cầu Ấn Độ ngừng theo đuổi quan hệ với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp tại Sochi (Nga), tháng 5/2018. (Ảnh: Kremlin.ru) |
Tháng 8/2017, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA) nhằm răn đe những quốc gia muốn mua các hệ thống vũ khí của Nga. Ấn Độ phải quyết định đi theo con đường nào? Đó không phải là sự lựa chọn dễ dàng. Thật dễ để một quốc gia tìm cách thắt chặt quan hệ với một cường quốc toàn cầu như Mỹ thay vì một đất nước có tổng lượng kinh tế nhỏ hơn Ấn Độ và quy mô dân số đang thu nhỏ. Tuy nhiên, có những lý do để điều đó không xảy ra.
Thứ nhất, Nga vẫn là nước sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, khả năng lớn về công nghệ và quân sự.
Thứ hai, Nga có xu hướng dung hòa với các lợi ích khu vực của Ấn Độ hơn so với Mỹ.
Thứ ba, cô lập Nga để Moscow tăng cường hơn nữa quan hệ với Bắc Kinh là điều New Delhi không mong muốn.
Thứ tư, nếu Ấn Độ muốn có tiếng nói lớn hơn ở lục địa Á-Âu, quan hệ mật thiết với Nga sẽ đóng vai trò quan trọng.
Ngoài việc cung cấp cho Ấn Độ hàng loạt khí tài và trang thiết bị từ xe tăng tới máy bay chiến đấu và tàu khu trục, người Nga còn giúp Ấn Độ hoàn thiện các tên lửa đạn đạo và đóng tàu ngầm tên lửa. Moscow cho New Delhi thuê tàu ngầm hạt nhân tấn công và là đối tác quan trọng trong chương trình tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos.
Trong thập kỷ tới, Ấn Độ cần những khả năng chiến lược để duy trì thế răn đe hiệu quả và độc lập, chí ít là các tàu ngầm hạt nhân tấn công và công nghệ siêu thanh. Ấn Độ không thể đợi đến khi "Chú Sam" hài lòng với sự chân thành của New Delhi và thực sự giải phóng công nghệ. Với nhu cầu cấp bách hiện nay, sự lựa chọn tốt nhất của Ấn Độ chắc chắn là Nga.
Thêm nữa, thế đối đầu giữa Mỹ và Nga chưa chắc sẽ kéo dài. Tổng thống Trump đang đi đầu trong việc kêu gọi bình thường hóa quan hệ với Nga. Nếu có một thỏa thuận về vấn đề Ukraine, mọi thứ có thể thay đổi. Nếu người Mỹ nghiêm túc về việc đối chọi với Trung Quốc, họ sẽ muốn tách Moscow khỏi Bắc Kinh. Với Ấn Độ, New Delhi cần thúc đẩy hợp tác với cả Mỹ và Nga ở các khu vực Á-Âu giống như ở Trung và Tây Á, và không chỉ tập trung vào các vùng biển quanh Đông Nam Á.