📞

Tầm nhìn Ấn Độ về Ấn Độ - Thái Bình Dương: Dấu ấn của Thủ tướng Modi (Kỳ II)

08:57 | 03/07/2018
Trong kỳ cuối của bài viết, Giáo sư Baladas Ghoshal (*) sẽ đi sâu vào phân tích tầm nhìn của New Delhi về khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương” và vị thế của khái niệm này trong chính sách đối ngoại của một số quốc gia trong khu vực.

Ấn Độ - Thái Bình Dương: Hợp tác bình đẳng, chặt chẽ và cởi mở

Đằng sau cách sử dụng cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Mỹ là hy vọng về sự tham dự tích cực hơn của Ấn Độ trong việc chống lại ảnh hưởng ngày cảng lớn của Trung Quốc. Điều này được phản ánh trong tuyên bố của ông Kori Schake, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu (IISS). Ông nhận định rằng tuy “Ấn Độ - Thái Bình Dương chưa được đưa vào từ điển”, song ý đồ của cụm từ này là rất rõ ràng: “Ấn Độ là một cường quốc châu Á. Những nước theo đuổi cụm từ này đang khích lệ Ấn Độ tham gia hợp tác mạnh mẽ hơn trong việc bảo đảm những giá trị chung tại Ấn Độ và Thái Bình Dương”.

Nhận định này đưa chúng ta đến với tầm nhìn của Ấn Độ về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong khi lãnh đạo và quan chức Ấn Độ đã sử dụng cụm từ Ấn Độ - Thái Bình Dương từ trước đó, Thủ tướng Narendra Modi mới là người định hình tầm nhìn này một cách chính xác hơn cả. Trình bày bài phát biểu then chốt tại Đối thoại Shangri-La tại Singapore, ông Modi cho rằng Ấn Độ - Thái Bình Dương là “trái tim” trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ. Sự tham dự của Ấn Độ vào khu vực này, bao gồm những nền kinh tế năng động nhất trên thế giới hiện nay, sẽ được duy trì bởi động lực thúc đẩy thương mại và hợp tác.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La 2018. (Nguồn: IISS)

Theo ông Modi, Ấn Độ - Thái Bình Dương kéo dài từ bờ biển châu Phi đến châu Mỹ, bao gồm cả khu vực vùng Vịnh và các hòn đảo Ấn Độ Dương, khác với định nghĩa thông thường. Nhà lãnh đạo này tin rằng đây sẽ là một khu vực “tự do, cởi mở và bao quát”, hướng tới sự tiến bộ và thịnh vượng. Quan trọng hơn, việc sử dụng cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” là “không nhắm tới bất kỳ một quốc gia nào” hay “thành lập liên minh để thống trị”. Cùng lúc đó, ông kêu gọi thiết lập trật tự thượng tôn luật lệ trong khu vực, duy trì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, bảo đảm sự bình đẳng giữa các nước, không phân biệt lớn nhỏ mạnh yếu. Những luật lệ và giá trị này cần được thông qua bởi tất cả các nước, thay vì chỉ một số cường quốc chủ chốt.

Một yếu tố nữa trong khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương của ông Modi là quyền tự do hàng hải, giao thương không bị gián đoạn, với các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế: “Khi chúng ta đồng ý chung sống với bộ luật này, các tuyến giao thương biển của chúng ta sẽ là con đường dẫn đến sự thịnh vượng và hòa bình. Chúng ta sẽ có thể cùng nhau ngăn chặn tội phạm trên biển, gìn giữ hệ sinh thái biển, phòng chống thiên tai và trở nên thịnh vượng từ nền kinh tế xanh”.

Không ngạc nhiên khi ông Modi, trong bài phát biểu của mình, đã cố tình không sử dụng cụm từ “Bộ Tứ”, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Đối với New Delhi, trọng tâm của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ là Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, ngay cả khi Ấn Độ Dương là nơi nắm giữ chìa khóa tới “tương lai của Ấn Độ”. Quốc gia này cho rằng sự đoàn kết của ASEAN là nhân tố chủ chốt trong việc đảm bảo một tương lai ổn định trong khu vực này. Ông Modi tuyên bố: “Tôi tin rằng ASEAN có thể hội nhập vào một khu vực rộng lớn hơn. Theo nhiều cách, ASEAN đã và đang dẫn đầu quá trình đó. Tổ chức này đã đặt nền móng cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thông qua hai sáng kiến quan trọng là Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Hiệp định Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)”.

Các nhà lãnh đạo tại Phiên họp đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP). (Nguồn: AFP)

Thêm vào đó, đây là lần đầu tiên ông Modi khẳng định tầm nhìn Ấn Độ Dương về An ninh và Tăng trưởng cho Tất cả trong Khu vực (SAGAR), được tiết lộ vào năm 2015, sẽ được áp dụng vào “phía Đông”. Mối quan hệ giữa New Delhi và Washington sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện mục tiêu này. Ông Modi nhấn mạnh Ấn Độ và Mỹ chia sẻ một tầm nhìn về “một Ấn Độ - Thái Bình Dương cởi mở, ổn định, an toàn và phát triển… thuận theo tự nhiên”.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ấn Độ cũng dành nhiều lời khen cho Trung Quốc, bất chấp những xung đột biên giới giữa hai nước và quan hệ kinh tế ngày một gần gũi giữa Bắc Kinh và Islamabad, hàng xóm và đối thủ hạt nhân của New Delhi: “Hợp tác hai bên đang được mở rộng. Giao thương đang phát triển. Việc kiểm soát các vấn đề, bảo đảm một biển giới hòa bình cũng đang được hai bên cẩn trọng tiến hành”. Theo nhà lãnh đạo Ấn Độ, quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc là chìa khóa cho một tương lai tích cực: “Tôi tin tưởng chắc chắn rằng châu Á và thế giới sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn khi Ấn Độ và Trung Quốc cùng nhau hợp tác, trong bầu không khí hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau, hiểu rõ những vấn đề nhạy cảm liên quan đến lợi ích quốc gia”. Tiềm năng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những năm qua, đã bị chậm lại bởi một số hành động của Trung Quốc.

Ông Modi mô tả quan hệ của Ấn Độ với Trung Quốc là bao gồm nhiều tầng lớp khác nhau. Bắc Kinh tiếp tục là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của New Delhi. Cùng lúc đó, một số hành động của Trung Quốc nhằm mở rộng thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng có thể dẫn tới xung đột. Chính sách tiếp cận của Trung Quốc với Ấn Độ cần được thực hiện trên cơ sở đối tác bình đẳng, giữa hai quốc gia có chủ quyền, thay vì suy nghĩ mang tính vụ lợi. Thời gian qua, hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu tới Trung Quốc của Ấn Độ đã bị ảnh hưởng ít nhiều bởi rào cản phi thuế quan. Trong khi đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Đông Á như là một phần của chiến lược "Vành đai Con đường" khiến những khoản nợ không thể chi trả dần tích tự lại và có thể ảnh hưởng tới chủ quyền quốc gia đối tác của Trung Quốc. Một cách tiếp cận thay thế là sử dụng việc xây dựng cơ sở vật chất như một sân chơi để xây dựng “kết nối lòng tin”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: DNA India)

Cuối cùng, ông Modi tập trung vào tầm quan trọng của ngoại giao hải quân, khen ngợi hải quân Ấn Độ đã xây dựng quan hệ đối tác trong khu vực thông qua hoạt động huấn luyện, tập trận, thực hiện phái đoàn hòa giải, bên cạnh hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tại. Ông chỉ ra Singapore là quốc gia đã duy trì tập trận hải quân liên tục với Ấn Độ trong 25 năm vừa qua và nhắc đến việc mở rộng tập trận này với một quốc gia khác.

Thêm vào đó, trong một động thái ít được quan tâm và khá bất thường trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ, ông Modi đã thăm quân cảng Changi ở Singapore, ghé thăm một tàu hộ tống của Singapore và một tàu hộ tống của Ấn Độ, nhấn mạnh kết nối quốc phòng của New Delhi trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong chuyến thăm gần đây của ông Modi tới Indonesia, Ấn Độ đã ký kết Đối tác Chiến lược Toàn diện và đạt được một tầm nhìn chung về hợp tác hàng hải với Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ấn Độ cũng có quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam nhằm cải thiện năng lực song phương và nâng cấp hợp tác quốc phòng, công tác huấn luyện và tập trận. Tương tự, New Delhi đã tiến hành Tập trận chung Malabar với Nhật Bản và Mỹ, tham gia Tập trận Milan cùng một số quốc gia tại Ấn Độ Dương và RIMPAC tại Thái Bình Dương.

Do đó, có thể nói tầm nhìn của Ấn Độ, dưới sự định hình của Thủ tướng Modi, đã hình thành một khuôn mẫu chắc chắn về “luật chơi” tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nếu như khu vực này muốn phát huy hết tiềm năng của mình, nó cần theo đuổi các điều khoản dựa trên sự minh bạch, với những người chơi lớn sẵn lòng thiết lập quan hệ dựa trên sự bình đẳng. Nếu thiếu đi điều này, các liên minh sẽ chỉ được hình thành dựa trên chính sách ngăn chặn, qua đó “triệt tiêu” khát vọng về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương dành cho tất cả mọi người.

Ấn Độ - Thái Bình Dương trong mắt cường quốc tầm trung

Trong khi tầm nhìn của Mỹ và Ấn Độ về cấu trúc của Ấn Độ - Thái Bình Dương có tầm quan trọng đặc biệt, góc nhìn của các quốc gia khác về Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng quan trọng không kém để có cái nhìn bao quát, rõ ràng hơn về bức tranh địa chính trị sống động trong khu vực này.

Australia là một trong những người đề xuất ý tưởng về Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo Canberra, khu vực này bao gồm cả hai đại dương xung quanh lục địa, với Đông Nam Á là chốt chặn giữa hai vùng biển này. Từ ngữ đề cập đến Ấn Độ - Thái Bình Dương đã xuất hiện trong tuyên bố chính thức trước đó của Australia trước khi những nhà lãnh đạo khác bắt đầu sử dụng chúng. Ý tưởng này giờ đã được cả bốn đời Thủ tướng, từ ông Gillard, Rudd, Abbott và Turnbull, ủng hộ.

Đối với Nhật Bản, ý nghĩa của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương lại nằm nhiều ở ảnh hưởng của nó tới Trung Quốc. Thủ tướng Shinzo Abe muốn bảo đảm rằng mạng lưới cơ sở hạ tầng khắp châu Á tới châu Phi không bị “thống trị” bởi Trung Quốc và tiêu chuẩn Trung Hoa. Bên cạnh những quốc gia lớn hơn như Mỹ và Ấn Độ, các nước nhỏ ở Đông Nam Á nói chung và ASEAN nói riêng đóng vai trò quan trọng trong tầm nhìn của Nhật Bản về Chiến lược xây dựng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở. Nhật Bản hiện mới chỉ bắt đầu thực hiện chiến lược của mình, đặc biệt là tại Đông Nam Á, nơi còn tồn tại nhiều suy nghĩ khác nhau về ý nghĩa thực sự của chiến lược và cách nó được triển khai trong một bối cảnh rộng hơn, với sự tồn tại của “Bộ Tứ” Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ, cũng như vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực.

Thủ tướng Shinzo Abe đánh giá cao vai trò của các nước ASEAN trong Chiến lược xây dựng Ấn Độ - Thái Bình Dương Cởi mở và Tự do. (Nguồn: Reutes)

Về phần mình, Indonesia cũng mong muốn ASEAN có sự hiện diện mạnh mẽ hơn trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Phiên bản Ấn Độ - Thái Bình Dương của Paris là cách họ tái khẳng định vị thế cường quốc thông qua những hòn đảo thuộc lãnh thổ Pháp trong Ấn Độ Dương vài Thái Bình Dương. Trung Quốc thì có “Ấn Độ - Thái Bình Dương” của riêng mình với Con đường Tơ lụa trên Biển, một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Giữa những góc nhìn đối lập như vậy, với ASEAN và Ấn Độ là “xương sống” của hợp tác hàng hải, những cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC) có thể được kết hợp với Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) để “kết nối và hội nhập” Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Trong lúc đó, việc triển khai lực lượng bảo vệ các tuyến giao thương biển đã được Ấn Độ triển khai tại phía Tây Ấn Độ - Thái Bình Dương, với hơn 20 tàu chiến của Hải quân Ấn Độ hỗ tống những chuyến hàng quốc tế từ Biển Đỏ tới bờ biển Ấn Độ. Phần lớn giao thương trên biển của Ấn Độ, bao gồm cả năng lượng nhập khẩu đi qua tuyến giao thương biển này, chưa kể tới cáp quang biển kết nối Ấn Độ với Internet. Những mối quan tâm đặc biệt này đã tạo động lực cho Ấn Độ thể hiện khả năng của mình trong khu vực, với một phần không nhỏ thông qua việc điều động lực lượng tham gia chiến dịch đa quốc gia để tiêu diệt lực lượng hải tặc tại bờ biển Somalia.

*Giáo sư Baladas Ghoshal hiện đang đảm nhiệm vai trò Tổng Thư ký Cộng đồng Nghiên cứu Ấn Độ Dương. Ông từng có thời gian giảng dạy và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á của Đại học Jawaharlal Nehru (New Delhi).