📞

Tăng cường kết nối – điểm nhấn chính sách của Nhật Bản với ASEAN

12:30 | 04/05/2016
Nhật Bản mong muốn hợp tác với các nước khu vực sông Mekong nhằm tạo ra một khuôn khổ để hỗ trợ một cách thiết thực tới các nước trong khu vực. 

Đó là nội dung bài phát biểu mang tên: “Đa dạng và Kết nối – Vai trò của Nhật Bản với tư cách là một đối tác” của Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tại Thái Lan về chính sách của Nhật Bản đối với ASEAN.

Ông Fumio Kishida phát biểu tại Thái Lan. (Nguồn: Reuters)

Đối tác quan trọng và giá trị

Ông nhấn mạnh, ASEAN có vị trí địa lý nằm ở trung tâm châu Á, kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và là một thị trường lớn với dân số hơn 600 triệu người. ASEAN giờ đây đã trở thành trung tâm của các hoạt động sản xuất chế tạo và tiêu thụ, một động lực chủ đạo của kinh tế thế giới.

Tầm quan trọng của ASEAN không chỉ dừng lại ở kinh tế mà còn thể hiện ở việc khu vực này giữ vai trò trung tâm đối với hòa bình và thịnh vượng tại châu Á. ASEAN đã trở thành hạt nhân tại các diễn đàn chính trị ở Đông Á như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Vì thế, ông Kishida khẳng định, Nhật Bản xem ASEAN là một đối tác quan trọng và hết sức giá trị. Nhật Bản cam kết trở thành đối tác không thể thay thế của ASEAN trong nỗ lực khai thác hết các tiềm năng to lớn thông qua việc tận dụng “tính đa dạng” về chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội và tăng cường “sự kết nối” trong khu vực.

Ngoại trưởng Kishida cho biết, quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây với việc kể từ năm 2013 ASEAN đã trở thành điểm đến quan trọng nhất của vốn đầu tư Nhật Bản tại châu Á. Trong khi đó, lượng khách du lịch từ ASEAN đến Nhật Bản đã tăng gấp đôi chỉ trong 2 năm qua, từ 1,17 triệu người năm 2013 lên 2,1 triệu người năm 2015.

Ngoại trưởng Nhật Bản nói rằng sự ra đời của Cộng đồng ASEAN cuối năm 2015 là một dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử phát triển của khu vực và Tokyo kiên định ủng hộ ASEAN nỗ lực xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN cũng như đẩy mạnh việc thu hẹp các khoảng cách phát triển giữa các thành viên. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh Tokyo tôn trọng “tính đa dạng” của ASEAN cũng như các nguyên tắc cơ bản của tổ chức là đoàn kết và giữ vai trò trung tâm.

Ông Kishda khẳng định, để khai thác triệt để tiềm năng trong khi tận dụng “tính đa dạng” của khu vực và tăng cường đoàn kết giữa các nước ASEAN, cần phải đẩy mạnh “sự kết nối”, sáng kiến đã được vạch ra trong văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2025 mà tổ chức này đã công bố hồi năm 2015 như là một định hướng xây dựng cộng đồng trong tương lai.

Tăng cường kết nối

Để thúc đẩy sự hội nhập ASEAN, các nước khu vực sông Mekong vốn giàu tiềm năng, cần phải tăng cường kết nối để có thể đảm bảo sự phát triển trong toàn khu vực. Điều đó chỉ có thể thực hiện bằng việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và Nhật Bản sẽ hỗ trợ không chỉ trong các dự án xây dựng đường sá mà còn giúp các nước cải thiện khả năng vận chuyển hàng hóa và thủ tục hải quan.

Hội nghị Mekong-Nhật Bản lần thứ 7 tại Tokyo, Nhật Bản tháng 7/2015. (Nguồn: VGP)

Ngoại trưởng Nhật Bản tuyên bố, nước này cam kết hỗ trợ các nước Tiểu vùng sông Mekong cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển với khoản viện trợ trị giá 7 tỷ USD trong 3 năm thông qua “Sáng kiến Kết nối Nhật Bản – Mekong” bắt đầu thực hiện từ năm 2016. Sáng kiến này cũng bao gồm các đóng góp tự nguyện của các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong.

Bên cạnh việc cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực tại các nước cũng là một nội dung được ông Kishida nhấn mạnh. Ông cho biết, trong khuôn khổ Sáng kiến Hợp tác phát triển nguồn nhân lực công nghiệp được Thủ tướng Shizo Abe công bố hồi tháng 11/2015, Nhật Bản sẽ xác định các nhu cầu nhân lực và tiến hành các hoạt động hỗ trợ đặc thù dành cho các nước ASEAN thông qua việc hợp tác với các công ty và cơ sở giáo dục, đào tạo Nhật Bản.

Trong bối cảnh các nước Tiểu vùng sông Mekong luôn phải đối mặt với tình trạng hạn hán và lụt lội nghiêm trọng trên diện rộng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khiến các nước này không thể khai thác hết tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và xã hội, Ngoại trưởng Nhật Bản cho biết, nước này sẽ tham gia hỗ trợ các nước trong khu vực giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai thông qua nhiều chương trình, trong đó có việc hợp tác tăng cường năng lực và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm.

Để tăng cường kết nối liên khu vực, Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối hai khu vực phát triển năng động là các nước xung quanh Vịnh Bengal thuộc Ấn Độ Dương, vốn đang có đà phát triển mạnh mẽ và các nước khu vực sông Mekong. Bên cạnh đó, các liên kết khu vực như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng có ý nghĩa hết sức lớn, tạo ra sự kết nối kinh tế trên một khu vực rộng lớn nối liền hai đại dương. Nhật Bản hoan nghênh các nước ASEAN tham gia TPP và sẵn sàng hỗ trợ các nước thực hiện thỏa thuận kinh tế này.

Nguyên tắc pháp quyền

Nhấn mạnh vai trò tiên quyết của hòa bình và ổn định đối với sự thịnh vượng về kinh tế, Ngoại trưởng Nhật Bản nhìn nhận rằng, ASEAN và các đối tác, trong đó có Nhật Bản đang phải đối mặt với một loạt thách thức an ninh như chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và an ninh hàng hải. Ông cho rằng, để vượt qua các thách thức này cần phải khẳng định tầm quan trọng của “tính đa dạng” và nguyên tắc pháp quyền, tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhật Bản tôn trọng sự khác biệt về hoàn cảnh chính trị, xã hội, văn hóa của các nước ASEAN, đồng thời ủng hộ việc theo đuổi con đường ôn hòa, bài trừ chủ nghĩa cực đoan bạo lực để chống lại các nguy cơ khủng bố trong khu vực.

Ngoại trưởng Nhật Bản cho rằng, nguyên tắc pháp quyền đang bị thách thức khi có những nguy cơ đối với an ninh hàng hải trong khu vực. Tokyo khẳng định giá trị của ba nguyên tắc trong Luật Biển quốc tế là: Các nước phải tuyên bố rõ ràng chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế; Các nước không được phép sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong các đòi hỏi chủ quyền; Các nước phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Nhật Bản phản đối các mưu toan đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông đồng thời kêu gọi các bên sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

Để đảm bảo nguyên tắc pháp quyền được tôn trọng, Nhật Bản cũng đề xuất tăng cường vai trò của diễn đàn Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), trong đó một ASEAN đoàn kết đóng vai trò trung tâm có ý nghĩa sống còn cho mục tiêu này và Nhật Bản sẽ toàn tâm hợp tác để thực hiện điều đó.

(tổng hợp)