📞

Thỏa thuận đầu tư tại Kashmir: Nước cờ hiểm

Chính Dung 10:20 | 28/10/2021
Thỏa thuận đầu tư đầu tiên của nước ngoài liên quan đến Kashmir giữa Ấn Độ và Dubai được đưa ra vào thời điểm khu vực đang mất an ninh và ổn định. Hai bên đều nhằm tới tác động chiến lược lâu dài. Báo Thế giới & Việt Nam bình luận.
Thỏa thuận đầu tư đầu tiên của nước ngoài liên quan đến Kashmir giữa Ấn Độ và Dubai đặc biệt quan trọng đối với Ấn Độ. (Nguồn: dw)

Thoả thuận giữa Ấn Độ và Dubai - một trong 7 tiểu vương quốc của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) - về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại ở vùng Kashmir của Ấn Độ giúp Ấn Độ thu hút được nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên tới khu vực này.

Nó đặc biệt quan trọng đối với Ấn Độ sau khi vùng Kashmir được chính phủ Ấn Độ cấu trúc lại thành hai bang mới do chính phủ trực tiếp quản lý.

UAE vốn có quan hệ hợp tác tốt với Ấn Độ và là đối tác bên ngoài đầu tiên coi việc cấu trúc lại trên là chuyện nội bộ của Ấn Độ.

Đầu tư của Dubai vào phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại ở vùng lãnh thổ này góp phần quan trọng giúp chính phủ Ấn Độ chủ trương dùng hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển để hoà nhập hai bang mới vào phần còn lại của Ấn Độ.

Một khi hoà nhập thành công hai bang mới thì việc có được sự công nhận sâu rộng của thế giới bên ngoài cho chủ quyền của Ấn Độ đối với khu vực Kashmir sẽ được dễ dàng hơn.

Thực chất mục đích của chính phủ Ấn Độ ở đây là thu phục nhân tâm của người theo đạo Hồi, phân rẽ họ với Pakistan và không để cho cả Pakistan lẫn Trung Quốc sử dụng vấn đề người Hồi giáo ở vùng Kashmir làm công cụ duy trì cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Ấn Độ ở vùng Kashmir, kích động xung khắc tôn giáo và sắc tộc giữa người theo đạo Hồi ở vùng Kashmir với người theo các tôn giáo khác ở Ấn Độ, gây mất an ninh và ổn định cho Ấn Độ ở vùng lãnh thổ đặc thù này.

UAE đầu tư vào vùng lãnh thổ này của Ấn Độ nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác với Ấn Độ nhưng cũng còn nhằm để gây dựng và tăng cường ảnh hưởng tới người theo đạo Hồi ở vùng Kashmir bất kể hiện do Ấn Độ, Pakistan hay Trung Quốc quản lý trên thực tế cũng như ở khắp vùng Nam Á. Hai bên đều nhằm tới tác động chiến lược lâu dài.