Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trình bày Thông điệp Quốc gia năm 2019. (Nguồn: AFP) |
Ngày 22/7, Tổng thống Philippines đã đọc Thông điệp Quốc gia thường niên trước Quốc hội. Đây là dịp để nhà lãnh đạo Philippines truyền tải tới Quốc hội và người dân về những thành tựu đã đạt được, hạn chế còn tồn tại và định hướng phát triển của quốc gia trong 12 tháng tới.
Bài phát biểu lần này được ông thực hiện trong 93 phút, gần gấp đôi so với năm ngoái (50 phút). Do vậy, nó cũng bao hàm nhiều nội dung hơn, từ chính sách kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, cuộc chiến chống ma túy tới phương châm đối ngoại. Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế chủ yếu dành nhiều sự chú ý tới quan điểm của Tổng thống Rodrigo Duterte với cuộc chiến chống ma túy và động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cứng rắn với ma túy
Như thường lệ, ngay phần mở đầu, nhà lãnh đạo Philippines dành thời gian để liệt kê những thành tựu trong thời gian qua. Đương kim Tổng thống khẳng định chỉ 3% số người được hỏi không tán thành với chính sách của Manila. Đảng cầm quyền cùng đồng minh cũng đang áp đảo tại Thượng viện.
Một phần lớn thành công của ông Duterte đến từ chiến dịch chống ma túy không khoan nhượng. Kể từ khi nắm quyền tháng 5/2016, nhà lãnh đạo này đã tiến hành các cuộc truy quét quy mô lớn, cho phép cảnh sát bắn chết tại chỗ các nghi phạm ma túy mà không cần qua xét xử. Số người thiệt mạng trong những chiến dịch này được Cảnh sát Quốc gia Philippines công bố là hơn 6.600 người, song theo nguồn tin không chính thức, con số này có thể lên tới 27.000 người.
Tuy nhiên, các chiến dịch này cũng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, trong đó có Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (UN HRC). Ngày 12/7, cơ quan này đã thông qua nghị quyết yêu cầu điều tra cái chết của những người vô tội thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy tại Philippines, kêu gọi Manila “ngăn chặn việc giết hại không qua xét xử và điều tra các vụ mất tích”.
Phía Philippines đã kịch liệt phản đối nghị quyết này. Ngoại trưởng Teodoro Locsin tuyên bố Manila sẽ không “chấp nhận một nghị quyết đơn phương, với động cơ chính trị và không phản ánh thực tế”. Bộ trưởng Nội vụ Eduardo Ano khẳng định động thái của UN HRC là “xâm phạm chủ quyền quốc gia”. Người Phát ngôn Tổng thống Salvador Panelo cho biết ông Rodrigo Duterte đã cân nhắc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iceland, quốc gia đề xuất dự thảo Nghị quyết này tại UN HRC.
Thông điệp Quốc gia năm 2019 của nhà lãnh đạo Philippines một lần nữa khẳng định thái độ cứng rắn đó. Tổng thống Rodrigo Duterte kêu gọi Quốc hội khôi phục hình phạt tử hình “cho các tội danh liên quan tới ma túy và cướp bóc”. Ông cam kết sẽ đẩy mạnh các chiến dịch truy quét và tiêu diệt phần tử buôn bán ma túy, bất chấp sự phản đối của UN HRC và nhiều nhà hoạt động thuộc xã hội dân sự.
Song, đối đầu với cộng đồng quốc tế chưa bao giờ là ý tưởng tốt và một mình ông Duterte khó ngăn cơn sóng dữ. Theo thăm dò mới nhất của cơ quan khảo sát Social Weather Stations, cứ 5 người Philippines được hỏi thì 3 người cho biết Manila không nên ngăn cản Liên hợp quốc (LHQ) tiến hành điều tra. Một khi Quốc hội, hiện do đảng cầm quyền nắm đa số, khôi phục án tử hình dành cho tội phạm ma túy, Manila có thể sẽ mắc kẹt trong những cuộc khẩu chiến mới, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của ông Duterte, khi chỉ còn một năm nữa là tới thời điểm bầu cử Tổng thống.
“Khéo cân bằng” về chủ quyền
Tuy nhiên, cứng rắn trong cuộc chiến chống ma túy bao nhiêu thì ông Duterte lại “mềm” trong quan hệ với Trung Quốc bấy nhiêu, đặc biệt là liên quan tới khu vực vùng Biển Tây Philippines thuộc Biển Đông. Nhà lãnh đạo này khẳng định việc “tránh xung đột – xung đột vũ trang, bảo vệ chủ quyền biển và tài nguyên thiên nhiên buộc chúng ta phải có hành động cân bằng khéo léo”.
Theo ông, “hành động cân bằng khéo léo” nhằm bảo vệ lòng tự hào dân tộc và chủ quyền lãnh thổ này sẽ được thực hiện một cách hòa bình, “trong khuôn khổ kín tại các phòng hội đàm, thay vì cãi lộn trước công chúng”. Đây là một tuyên bố không giống với phong cách thường thấy của Tổng thống Duterte, người mà trước đây đã hơn một lần công khai quan điểm về vấn đề đối ngoại trước giới truyền thông.
Sở dĩ có sự mềm mỏng hiếm thấy này bởi trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo này đã thừa nhận rằng “Philippines sở hữu, song Trung Quốc lại là quốc gia kiểm soát Biển Tây Philippines”. Theo ông, tên lửa dẫn đường tại các đảo do Bắc Kinh kiểm soát “có thể bắn trúng Phillipines trong 7 phút”.
Xa hơn, ông khẳng định đã thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình để “xin phép” được đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), nơi thường xuyên chứng kiến sự xuất hiện của ngư dân Trung Quốc. Một tháng trước, ông Duterte cho rằng việc tàu Philippines bị đâm chìm trong EEZ chỉ là “va chạm” đơn thuần.
Ngay sau đó, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ca ngợi chính sách biển của ông Duterte. Báo này khẳng định mong muốn tránh xung đột vũ trang trên biển của nhà lãnh đạo Philippines, hợp tác với Trung Quốc là đúng đắn.
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân Philippines không nghĩ vậy. Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio phủ nhận tuyên bố của Tổng thống Duterte về việc thừa nhận sự hiện diện của Trung Quốc tại EEZ của Philippines. Theo ông, sự xuất hiện thường xuyên của các tàu chiến từ Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Australia, Nhật Bản… trên Biển Đông, bao gồm vùng Biển Tây Philippines, cho thấy Trung Quốc không kiểm soát vùng biển này.
Chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và những đặc quyền kinh tế xuất phát từ chủ quyền quốc gia là những điều thiêng liêng. “Hành động cân bằng”, như cách thức mà Tổng thống Rodrigo Duterte trình bày trước mắt chưa biết là “khéo” hay “vụng”, nhưng không thể không mang tới hậu quả khó lường cho Philippines nói riêng và khu vực nói chung, nơi đang dậy sóng bởi những cơn sóng ngầm nay đã biến thành sóng dữ.
Minh Quân