Thủ tướng Abe lên đường thăm Mỹ ngày 9/2 và có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ D. Trump ngày 10/2. Theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, chuyến thăm là “cơ hội để lãnh đạo hai nước trao đổi thẳng thắn quan điểm về một loạt vấn đề và thể hiện cho thế giới biết rằng mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật luôn vững chắc”.
Quan hệ cá nhân tốt đẹp
Ông Trump từng khiến chính quyền Tokyo hoang mang khi tuyên bố Nhật Bản phải chi nhiều tiền hơn nếu muốn Mỹ tiếp tục duy trì lực lượng đảm bảo an ninh cho nước này. Đặc biệt, ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã nhanh chóng tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận được xem là “vũ khí” đối trọng với Trung Quốc và được Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Abe được cho là để thuyết phục Tổng thống Trump về tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật đối với mỗi nước nói riêng, với châu Á và thế giới nói chung.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại New York, ngày 17/11/2016. (Nguồn: Reuters) |
Trái ngược với một số động thái đe dọa làm sứt mẻ quan hệ đồng minh truyền thống của ông Trump, có nhiều dấu hiệu để người ta tin rằng, liên minh này có tiềm năng phát triển mạnh mẽ một cách bất ngờ hơn cả dưới thời cựu Tổng thống Obama. Thủ tướng Abe dường như đang muốn xây dựng một mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Trump. Ông Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên hội kiến ông Trump sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.
Với cá tính đặc biệt, ông Trump không được thế giới yêu thích như người tiền nhiệm Obama, nhưng có vẻ như Thủ tướng Nhật Bản lại cảm thấy gần gũi với nhà lãnh đạo mới của Mỹ. Ông Trump thích những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, theo chủ nghĩa dân tộc, và ông Abe đích thực là một người như vậy.
Trong khi cứng rắn và thậm chí có phần thô lỗ với lãnh đạo của một số nước khác, Tổng thống Trump lại tỏ ra rất “thân thiện” với Thủ tướng Nhật Bản. Ông chủ Nhà Trắng sẽ đón tiếp vị khách quý Abe tại khu nghỉ dưỡng sang trọng Mar-A-Lago ở Florida và hai nhà lãnh đạo sẽ chơi golf cùng nhau.
Lợi cho cả hai nước
Mối liên kết cá nhân giữa Thủ tướng Nhật và Tổng thống Mỹ sẽ là chất xúc tác thúc đẩy sự phát triển của quan hệ hai nước. Tuy nhiên, chỉ quan hệ cá nhân thôi chưa đủ, yếu tố quan trọng nhất chính là vấn đề lợi ích. Quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật sở dĩ được cho là sẽ tiếp tục bền chặt là do hai nước này cần đến nhau cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn an ninh. Đây là hai lĩnh vực mà ông Abe sẽ tập trung bàn thảo với ông chủ Nhà Trắng ở thủ đô Washington.
Thủ tướng Abe cho biết, ông sẽ đem theo những lời đề nghị về việc các công ty của Nhật Bản sẽ tạo hàng ngàn việc làm cũng như đầu tư hàng trăm tỷ USD vào Mỹ. Nhà lãnh đạo của Nhật Bản rất khéo léo khi đánh trúng tâm lý muốn phát triển kinh tế của vị Tổng thống Mỹ vốn xuất thân từ một doanh nhân. Ông Abe cũng muốn ông Trump thấy rằng, làm ăn với Nhật Bản sẽ có lợi cho cả đôi bên chứ không phải là giao dịch “không công bằng, bất lợi cho Mỹ”, như ông Trump than phiền bấy lâu nay về mối quan hệ thương mại Mỹ - Nhật và Mỹ -Trung.
Bản thân Tổng thống Trump sau khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận TPP cũng muốn phát triển quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Nhật Bản. Thủ tướng Abe sẽ đưa ra kế hoạch có tên “Sáng kiến việc làm và phát triển Mỹ-Nhật”, đặt ra năm lĩnh vực hợp tác kinh tế mà hai nước có thể thúc đẩy bao gồm cơ sở hạ tầng, robot, trí thông minh nhân tạo, Internet và vũ trụ.
Không chỉ cần nhau trong kinh tế, Mỹ và Nhật Bản còn cần nhau trong an ninh. Tokyo đã không giấu nổi tâm lý bất an về quan hệ đồng minh với Mỹ sau khi ông Trump lên cầm quyền. Nhật Bản đang trên con đường tìm kiếm một vai trò lớn hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy một cách đáng lo ngại. Vì thế, trong chuyến thăm đến Mỹ lần này, Thủ tướng Nhật muốn thuyết phục ông Trump rằng Mỹ cần duy trì ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương và cách duy nhất để đối mặt với những thách thức an ninh là tiếp tục hợp tác cùng nhau.
Về phần mình, chính quyền của Tổng thống Trump rất coi trọng khu vực châu Á. Điều này được thể hiện qua việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chọn châu Á là điểm đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức. Qua những phát biểu của ông Mattis, có thể thấy, Mỹ coi những thách thức an ninh nghiêm trọng nhất mà họ phải đối mặt là từ châu Á: Trung Quốc ngày càng táo bạo; Triều Tiên liên tục đẩy mạnh chương trình tên lửa, hạt nhân. Trong bối cảnh đó, quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh truyền thống trong khu vực như Hàn Quốc, Australia, Philippines, lại đang trở nên lỏng lẻo. Như vậy, Nhật Bản có thể là đối tác “đáng trông chờ nhất, đáng tin cậy nhất” của Washington ở châu Á - Thái Bình Dương vào thời điểm này.