TIN LIÊN QUAN | |
Paris mở cửa trung tâm đón tiếp người vô gia cư | |
Ít nhất 240 người di cư chết đuối ngoài khơi Libya |
Nỗ lực bất thành của ông Orban
Ngày 8/11, Quốc hội Hungary đã chống lại nỗ lực của Thủ tướng Viktor Orban nhằm sửa đổi Hiến pháp để ngăn cản việc tiếp nhận người tị nạn theo phân bổ của EU trong tương lai. Động thái này diễn ra sau khi đảng cấp tiến cực hữu Jobbik từ chối ủng hộ dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Mặc dù có tổng cộng 131 nghị sĩ trong liên minh cánh hữu cầm quyền của Thủ tướng Orban bỏ phiếu ủng hộ, nhưng dự thảo Hiến pháp sửa đổi vẫn cần thêm 2 phiếu nữa mới giành được đa số 2/3 trong tổng số 199 ghế của Quốc hội để được thông qua. Các đảng đối lập đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu này.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. (Nguồn: Reuters) |
Trước đó, Thủ tướng Orban khẳng định, việc thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp nói trên là cần thiết bởi đây là ý nguyện của 3 triệu người dân, thể hiện trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 2/10 vừa qua.
Nguy cơ khủng bố cao
Trong cuộc khủng hoảng người tị nạn diễn ra hơn một năm qua, Hungary đã trở thành quốc gia nằm trên đường trung chuyển từ khu vực Tây Balkan đến Đức và các nước EU khác. Để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu, vào tháng 9/2015, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch nhằm giảm tải cho Hy Lạp và Italy - nơi tập trung phần lớn người tị nạn từ Bắc Phi và Trung Đông, theo đó phân bổ 160.000 người tị nạn sang nhiều nước EU khác trong thời hạn 2 năm, trong đó có Hungary.
Theo kế hoạch được EC công bố, sau cuộc khủng hoảng người di cư, Hungary sẽ phải tiếp nhận 1.294 người xin tị nạn. Con số này được cho là quá ít so với 400.000 người đã vào châu Âu qua lãnh thổ Hungary vào năm 2015. Nhưng đối với Thủ tướng Viktor Orban, vấn đề không phải ở số lượng mà là ở sự áp đặt của EU đối với nước này.
Lực lượng an ninh Hungary ngăn chặn người tị nạn tại biên giới nước này với Serbia. (Nguồn: Reuters) |
Ngoài ra, nguyên nhân khiến Thủ tướng Hungary Orban kiên quyết phản đối và chống lại kế hoạch phân bổ người tị nạn của EU là vì ông Orban cho rằng, vấn đề di cư là không thể kiểm soát, không có luật lệ và không thể kiểm tra, kéo theo đó là hàng loạt vi phạm biên giới các nước. Điều này tạo ra một nguy cơ mất an ninh lớn, tạo cơ hội cho các nhóm khủng bố đưa các tay súng đi khắp nơi trên thế giới. Với Hungary, việc tiếp nhận người di cư sẽ kéo theo nguy cơ khủng bố rất cao, gia tăng các hoạt động của tội phạm và làm xói mòn nền văn hóa truyền thống.
Vì vậy, tháng 12/2015, Hungary đã nộp đơn lên Tòa án châu Âu kiện kế hoạch phân bổ người tị nạn của EU. Trong nỗ lực ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép, Hungary đã đóng cửa biên giới với Serbia và Croatia, thậm chí sử dụng các biện pháp trấn áp cứng rắn đối với những người nước ngoài xâm nhập trái phép vào nước này.
Khai thác tâm lý bất bình của người dân
Nhằm phản đối việc áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư đối với Hungary, Thủ tướng Viktor Orban đã cho tiến hành cuộc trưng cầu ý dân ngày 2/10. Tuy nhiên, kết quả này không có giá trị pháp lý, do số người đi bỏ phiếu chưa đạt mức tối thiểu 50%.
Mặc dù kết quả cuộc trưng cầu không có giá trị pháp lý, song nó vẫn thể hiện sự ủng hộ của một bộ phận khá lớn cử tri dành cho quan điểm của Thủ tướng Orban. Đây được xem là một thắng lợi chính trị đối với ông Orban và tăng vị thế của ông trong EU, ít nhất là trong những khía cạnh liên quan đến vấn đề người tị nạn.
Poster về cuộc trưng cầu dân ý ngày 2/10 trên đường phố Hungary. (Nguồn: Reuters) |
Các nhà phân tích cho rằng, ông Orban đã dùng cuộc trưng cầu để khai thác triệt để tâm lý chung của người dân Hungary là lo ngại và không muốn tiếp nhận người tị nạn, cũng như bất bình với các chính sách của EU về vấn đề này. Cứ nhấn mạnh vào vấn đề người tị nạn, ông Orban vừa giữ cho vấn đề này luôn thời sự trong EU, vừa tạo nên được vai trò quan trọng của mình trong những chương trình nghị sự chung của Liên minh.
Giảm áp lực cho EU
Trong khi đó, chiến dịch phản đối chính sách EU của Hungary đã vấp phải sự chỉ trích của một số nước thành viên liên minh. 5 nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển đã kêu gọi EU áp đặt biện pháp cần thiết với Hungary khi quốc gia này vi phạm quy định của EU trong vấn đề tiếp nhận người di cư.
Hai quốc gia châu Âu khác là Áo và Luxembourg cũng chỉ trích gay gắt Hungary. Gần đây, Vienna đe dọa sẽ chính thức kiện Budapest lên các tòa án EU vì vấn đề người di cư. Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn thậm chí còn cho rằng, Hungary nên bị loại trừ khỏi liên minh với chính sách chống người di cư, hủy hoại các giá trị của châu Âu.
Những người tị nạn trên đường phố thủ đô Vienna, Áo. (Nguồn: The Local) |
Rõ ràng, những vấn đề liên quan đến chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng di cư không chỉ phơi bày sự rạn nứt và chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên trong Liên minh, mà còn báo hiệu tương lai không sáng sủa cho EU, vốn đã lung lay sau khi Anh quyết định trưng cầu dân ý để rời khỏi khối.
Chính vì vậy, việc Quốc hội Hungary bác bỏ nỗ lực của Thủ tướng về sửa đổi Hiến pháp nhằm ngăn cản việc tiếp nhận người tị nạn theo phân bổ của EU, được coi là sẽ giảm áp lực đối với EU trước những nhận định cho rằng, nội bộ liên minh này có nguy cơ bị phân hóa do cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Chủ nghĩa dân tộc - mối đe dọa của châu Âu Đó là quan điểm của ông Joschka Fischer* trong một bài viết trên mạng Project Syndicate ngày 2/11. TG&VN xin giới thiệu cùng bạn đọc. |
CETA thoát hiểm vào phút chót Sau nhiều ngày gặp bế tắc do sự phản đối của vùng Wallonia (Bỉ), ngày 30/10, Liên minh châu Âu (EU) và Canada đã chính ... |
EC kiến nghị gia hạn kiểm soát biên giới Schengen Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/10 đã có bước đi nhằm kéo dài việc kiểm soát biên giới tạm thời trong khu vực đi ... |