Cho đến nay, lai lịch của phi công này vẫn là một dấu hỏi lớn và anh được truyền thông đặt cho cái tên “Bóng ma của Kiev” (Ghost of Kiev).
Câu chuyện này chủ yếu được lan truyền trên mạng xã hội. Cụ thể, một số tài khoản của người dân Kiev, thậm chí là cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Bộ Quốc phòng Ukraine cùng nhau chia sẻ các video và hình ảnh cho thấy “Bóng ma của Kiev” đuổi theo và bắn hạ một chiếc máy bay Nga.
Hình ảnh trong đoạn video được cho là quay 'Bóng ma Kiev' thực chất được lấy từ một trò chơi điện tử. |
Tuy nhiên, những hình ảnh trong video đó được lấy trong trò chơi điện tử Digital Combat Simulator World. Nhà phát triển của game này cũng đã xác nhận thông tin này với hãng tin Reuters.
Bên cạnh đó, cựu Tổng thống Ukraine Poroshenko đã đăng trên Twitter bức ảnh chụp một phi công đội mũ bảo hiểm che kín mặt bên trong buồng lái của một chiếc tiêm kích và xác nhận rằng đây chính là “Bóng ma Kiev”.
Ông Poroshenko viết: “Với những người bảo vệ mạnh mẽ như vậy, Ukraine chắc chắn sẽ giành chiến thắng”.
Bài đăng của cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trên Twitter về 'Bóng ma Kiev'. (Ảnh chụp màn hình) |
Tuy nhiên, bức ảnh này vốn đã được Bộ Quốc phòng Ukraine đăng cách đây gần 3 năm. Phi công trong ảnh đang thực hiện chuyến bay thử nghiệm với chiếc mũ bảo hiểm mới. Vì vậy, ngay cả khi đó thực tế là phi công bí ẩn, thì bức ảnh vẫn là một bức ảnh cũ.
Cũng có những thông tin cho rằng, “Bóng ma Kiev” là một phi công có tên Vladimir Abdonov. Những bức hình được cho là của phi công Abdonov cũng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Bài đăng trên Twitter khẳng định 'Bóng ma Kiev' là một phi công có tên Vladimir Abdonov. |
Tuy nhiên, tờ DW đã chỉ ra, tất cả những bức ảnh này đều đã qua chỉnh sửa. DW đã phát hiện ra điều này thông qua quá trình được gọi là “phân tích nhiễu ảnh”. Cụ thể, khi một hình ảnh bị chỉnh sửa thường để lại một số dấu vết nhiễu ảnh.
Trong bức hình cụ thể này, DW đã chỉ ra được những nhiễu ảnh ở vị trí đầu của phi công, phù hiệu trên cánh tay của anh ta và lá cờ Ukraine ở phía sau.
DW cũng đã tìm kiếm được bức ảnh gốc và khẳng định tấm hình đã được đăng trên mạng vài năm trước, nhưng với một khuôn mặt khác, một phù hiệu khác và không có chiếc cờ nào ở phía sau. Ngoài ra, nếu nhìn kỹ vào chiếc máy bay ở phía sau, chúng ta có thể thấy hình một chiếc lá phong màu xám trên thân máy bay. Đây là biểu tượng của Không quân Hoàng gia Canada.
Có thể thấy rõ những điểm nhiễu trên bức ảnh này. |
Dường như, hình của chiếc lá phong đã bị bỏ sót trong quá trình chỉnh sửa ảnh. Qua đó, có thể thấy, bức hình này chụp phi công Canada chứ không phải của Ukraine.
Bức ảnh này cũng được DW khẳng định đã qua chỉnh sửa. Hình gốc được đăng tải bởi Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine và là ảnh của lính thủy đánh bộ Vitaliy Skakun. Người lính này được cho là đã hy sinh để phá nổ một cây cầu nhằm ngăn chặn một đoàn xe tăng Nga và được Tổng thống Volodymyr Zelensky truy tặng danh hiệu “Anh hùng của Ukraine”.
So sánh hai bức ảnh, có thể thấy rõ bức bên phải là ảnh đã qua chỉnh sửa. |
Không những vậy, gương mặt của phi công Vladimir Abdonov thực chất là của một luật sư đến từ Buenos Aires (Argentina). Ông hiện đang khá thích thú vì bỗng dưng được trở thành người hùng của Ukraine và thậm chí khoe câu chuyện này trên Twitter.
Gương mặt của Vladimir Abdonov thực chất là của một luật sư người Argentina. (Ảnh chụp màn hình) |
Ngày 25/2, Bộ Quốc phòng Ukraine đã có một bài đang trên Twitter rằng: "Hàng chục phi công quân sự giàu kinh nghiệm, từ đại úy đến trung tướng, trước đây đã xuất ngũ từ lực lượng dự bị, đang quay trở lại phục vụ cho Không quân. Ai biết được, có thể một trong số họ là phi công của chiếc MiG-29, điều mà người dân Kiev thường thấy! "
Tạp chí Military Watch nhận định, tin tức về viên phi công xuất sắc người Ukraine này giống như một câu chuyện thần thoại hơn là thực tế.
Trên thực tế, không quân Ukraine có biên chế tiêm kích MiG-29, nhưng chủ yếu trong huấn luyện là chính. Máy bay chiến đấu mạnh nhất của Ukraine hiện nay là Su-27.
"Không quân Ukraine có sử dụng máy bay chiến đấu MiG-29 trong những ngày qua, nhưng đây là thông tin duy nhất có thể kết nối huyền thoại về phi công xuất sắc có biệt danh là Bóng ma của Kiev", tờ Military Watch viết.
Những chiếc MiG-29 của Ukraine được kế thừa từ Liên Xô và hầu như không được hiện đại hóa kể từ đó. Không thể tin, những phương tiện như vậy lại có thể tham chiến với các máy bay hiện đại và năng suất hơn của Nga.
Tờ DW nhận định, sự thật về “Bóng ma Kiev”, phi công tài ba một mình bắn hạ 6 máy bay Nga vẫn chưa thể được xác nhận. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, những video và hình ảnh về người phi công bí ẩn hiện đang lan truyền trên mạng xã hội đều không phải sự thật.