Chưa nhiều đột phá
Ngày 25/4, phát biểu sau Thượng đỉnh Nga – Triều với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định: “Triều Tiên chỉ cần sự đảm bảo về an ninh. Tất cả chúng ta hãy cùng nghĩ về điều đó. Sự đảm bảo an ninh giữa 2 quốc gia sẽ là không đủ. Sự đảm bảo này phải đến từ cộng đồng quốc tế, có ràng buộc pháp lý và tôn trọng chủ quyền của Triều Tiên.”
Với câu nói này, người đứng đầu điện Kremlin tin rằng mấu chốt trong tìm kiếm cam kết của Triều Tiên chính là đảm bảo an ninh, chủ quyền lãnh thổ cho quốc gia Đông Bắc Á. Song điều này cần được thực hiện với sự chung tay góp sức của các quốc gia, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, với tính ràng buộc pháp lý được thiết lập thông qua một thỏa thuận, với sự tham dự của Nga và các nước từng tham gia đàm phán sáu bên, vốn bị đình trệ vào năm 2008.
Trước đó, tường thuật trực tiếp về Thượng đỉnh Nga – Triều, Reuters cho rằng cuộc gặp trực tiếp giữa ông Kim và ông Putin tại Vladivostok ngày 25/4 không mang lại nhiều đột phá và chủ yếu tập trung vào quan hệ song phương. Tuy nhiên, với tuyên bố này, Moscow đang cho thấy nỗ lực trở thành một người chơi quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong Thượng đỉnh Nga - Triều tại Vladivostok ngày 25/4. (Nguồn: KCNA) |
Về phần mình, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định an ninh và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của Mỹ trong tương lai: “Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực hiện trong tình trạng bế tắc và đã lên tới mức nghiêm trọng, có thể trở lại tình trạng ban đầu vì Mỹ có thái độ đơn phương, không chấp nhận thực tế.” Reuters cho rằng phát biểu của ông Kim được coi là tiếp tục gây áp lực lên Mỹ để Washington “linh hoạt hơn” trong việc chấp nhận các yêu cầu của Bình Nhưỡng, nới lỏng trừng phạt hơn so với với quan điểm của Mỹ ở Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn CBS News ngày 24/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng đàm phán với Triều Tiên sẽ tiếp tục khó khăn, song hy vọng rằng sẽ có thêm cơ hội để thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa. Người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ cho rằng kết quả cuối cùng phụ thuộc vào việc liệu Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có quyết định chiến lược về từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không. Ông Pompeo cũng khẳng định hai bên đã học được nhiều từ cuộc thượng đỉnh tại Hà Nội vừa qua.
Phát ngôn của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Ngoại trưởng Mike Pompeo cho thấy thực trạng “hai con dê qua cầu” tiếp tục khiến đàm phán về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên rơi vào bế tắc. Cả Mỹ và Triều Tiên đều không nhượng bộ và đẩy trách nhiệm cho bên còn lại. Đây là yếu tố khiến đàm phán Washington - Bình Nhưỡng đã và sẽ tiếp tục bế tắc thời gian tới.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thừa nhận đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn và mong Triều Tiên thực hiện cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Mỹ) |
Người lạ, người quen
Trong bối cảnh đó, nhân tố Nga và Trung Quốc có thể là chìa khóa mở lại cánh cửa đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên. Một số nguồn tin cho rằng các quan chức ngoại giao của Washington đã tham khảo ý kiến của Moscow trong quá trình chuẩn bị cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Bản thân Kremlin cũng không phải “người lạ” với tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, khi đã nhiều lần phản đối các nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng và là một trong sáu bên trong đàm phán đa phương về vấn đề này từ năm 2003 - 2008. Giống như Mỹ, Nga không mong muốn căng thẳng kéo dài tại Triều Tiên, vốn có đường biên giới rất gần với xứ Bạch Dương – một xung đột, dù là lớn hay nhỏ, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh của Moscow.
Trong khi đó, dù mối quan hệ song phương không còn nồng ấm như trước và nhiều người đã cho dần Trung Quốc đang thành “người lạ” với Triều Tiên, song chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn đóng vai trò then chốt trong tiến trình phi hạt nhân hóa tại quốc gia Đông Bắc Á. Bắc Kinh là đối tác chính trị – kinh tế quan trọng nhất của Bình Nhưỡng, với tầm ảnh hưởng lớn trong chính sách đối ngoại của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Ở thời điểm hiện tại, đàm phán phi hạt nhân hóa tiếp tục bế tắc và Tổng thống Donald Trump tiếp tục phải chịu áp lực từ chính trị nội bộ, sau khi ông chấp nhận chi trả cho Bình Nhưỡng 2 triệu USD tiền viện phí của công dân xấu số Otto Warmbier, đi ngược lại với lập trường không thương lượng với khủng bố thường thấy của Mỹ. Trong bối cảnh đó, Mỹ có thể cân nhắc “nhờ” Trung Quốc gia tăng áp lực chính trị – thương mại với Triều Tiên, đổi lại Washington sẽ nhượng bộ Bắc Kinh trong thỏa thuận thương mại, dự kiến sẽ được ký kết tại Thượng đỉnh song phương vào cuối tháng tới.
Quan hệ sâu sắc với Bình Nhưỡng khiến Bắc Kinh có thể là chìa khóa then chốt, phá thế bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên - Ảnh minh họa. (Nguồn: AP) |
Tuy nhiên, một tháng nữa mới đến thượng đỉnh giữa lãnh đạo Trung – Mỹ, Nga mới “chập chững” bước vào trò chơi hạt nhân tại Đông Bắc Á và cho đến lúc đó, khó có thể kỳ vọng đàm phán về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đạt được kết quả tích cực và thực chất.