Hội nghị thượng đỉnh SCO 2022 diễn ra tại thành phố lịch sử Samarkand, Uzbekistan. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Chính xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn trong định hình trật tự thế giới mới cùng hợp tác ngày càng thực chất và sâu rộng trong khuôn khổ SCO đã đem lại vị thế và tầm vóc mới cho SCO trên “bàn cờ” địa-chính trị quốc tế.
Khởi thủy từ “Nhóm Thượng Hải 5” gồm Trung Quốc, Nga và ba quốc gia Trung Á, hình thành năm 1996, SCO chính thức ra đời năm 2001. Sau 21 năm tồn tại và phát triển, SCO hiện là tổ chức khu vực lớn nhất thế giới với 8 quốc gia thành viên gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, Ấn Độ và Pakistan.
Hiện SCO chiếm tới 60% diện tích lục địa Á-Âu, 40% dân số và 30% tổng GDP toàn cầu. Với vị thế quan trọng như vậy nên bất kỳ dàn xếp mới nào liên quan đến các vấn đề an ninh, chính trị toàn cầu đều không thể không tính đến SCO.
Những quyết định quan trọng
Tại Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới, SCO sẽ thông qua nhiều quyết định quan trọng không chỉ liên quan đến sự phát triển lâu dài của tổ chức này, mà còn đến vai trò và vị thế của SCO trong trật tự toàn cầu mới.
Thứ nhất, về mở rộng thành viên. Tại Hội nghị thượng đỉnh Samarkarnd, SCO sẽ chính thức quyết định kết nạp Iran là thành viên của tổ chức. Đây được xem là sự thách thức trực tiếp của SCO đối với Mỹ và phương Tây. Bên cạnh đó, SCO dự kiến sẽ chấp thuận và đồng ý tiến hành các thủ tục để Belarus-quốc gia thân Nga và hiện đang bị phương Tây coi là “thù địch”, sớm gia nhập SCO.
Ngoài ra, SCO dự kiến chính thức chấp thuận đề nghị trở thành đối tác đối thoại của một số quốc gia Trung Đông, vốn được xem là đồng minh thân cận của Mỹ như Ai Cập, Qatar, Saudi Arabia và nâng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thành viên NATO lên quy chế quan sát viên.
Thứ hai, về nâng tầm ảnh hưởng của SCO trên trường quốc tế. Do đại dịch Covid-19 nên kể từ năm 2019 đến nay, SCO mới tổ chức được cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên.
Cuộc họp năm nay là cuộc họp lớn nhất trong lịch sử của tổ chức này với sự tham dự của 15 nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ thành viên, quan sát viên, đối tác đối thoại và người đứng đầu các tổ chức quốc tế.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và phương Tây với Nga và Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng thì SCO, với tiếng nói độc lập của mình cộng với vai trò và ảnh hưởng vượt trội của Nga và Trung Quốc trong tổ chức, đang được xem là công cụ đối trọng quan trọng với trật tự thế giới hiện hành do Mỹ và phương Tây chi phối.
Thứ ba, về các sáng kiến và biện pháp thúc đẩy hợp tác và liên kết trong SCO. Khi mới ra đời, nhiệm vụ chính của SCO là bàn thảo các biện pháp tăng cường hợp tác an ninh biên giới giữa Trung Quốc, Nga với một số nước láng giềng Trung Á. Tuy nhiên, sự hợp tác này đã mau chóng mở rộng sang hàng loạt lĩnh vực khác.
Theo dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh SCO năm nay sẽ thông qua Tuyên bố Samarkand cùng khoảng 30 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, số hóa, giao thông, truyền thông, phát triển công nghệ tiên tiến, văn hóa và thể thao.
Đáng chú ý, SCO dự kiến sẽ thông qua bản lộ trình “phi USD hóa”, theo đó, các quốc gia thành viên tăng cường sử dụng đồng nội tệ của mình và giảm dần sự phụ thuộc vào đồng USD trong thanh toán với nhau.
Tâm điểm cuộc họp
Mặc dù thông qua nhiều quyết định quan trọng như vậy, nhưng dư luận lại dành sự quan tâm đặc biệt cho cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình.Đây được xem là cuộc gặp quan trọng nhất trong số 39 lần gặp giữa hai ông kể từ năm 2013.
Hai nước đã đạt nhận thức chung trong việc thiết lập “quan hệ đối tác không giới hạn” đầu tháng Hai năm nay. Hơn bao giờ hết, Nga và Trung Quốc cần thể hiện quan hệ đối tác này bằng hành động cụ thể, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đang tìm mọi cách kiềm chế, đẩy sự đối đầu với Nga và Trung Quốc lên mức cao nhất kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay.
Ngoài ra, với việc “kéo” Iran cũng như một loạt đồng minh thân cận của Mỹ và phương Tây ở Trung Đông vào các khuôn khổ đối thoại, hợp tác của SCO, Nga và Trung Quốc muốn cho phương Tây và thế giới thấy rằng, họ đã và sẽ tiếp tục là những thế lực quan trọng trên thế giới, có nhiều đồng minh, đối tác, bạn bè và đủ sức để đối trọng với Mỹ và phương Tây.
Nhìn tổng thể, SCO mới chỉ là một trong nhiều quân bài mà Nga và Trung Quốc cần và sẽ sử dụng trong “cuộc đối đầu định mệnh” với Mỹ và phương Tây.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.