Ảnh minh họa. |
Thế nhưng, ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, điển hình là ở vựa lúa chính của cả nước - đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng bằng này đang ngày càng bị xâm nhập mặn và lũ lụt do thủy triều dâng.
Để đảm bảo cung cấp gạo cho gần 90 triệu người Việt Nam và xuất khẩu, Việt Nam buộc phải nhanh chóng thích ứng với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
Mới đây, một dự án mang tên “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sử dụng đất ở ĐBSCL: Sự thích ứng của các hệ thống canh tác dựa vào lúa” (viết tắt là CLUES) đã đề xuất một loạt mô hình công nghệ và giải pháp thông minh ứng phó biến đổi khí hậu để giúp người nông dân trồng lúa gạo ở ĐBSCL.
Ông Reiner Wassmann, Trưởng dự án và điều phối viên cho chương trình nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cho biết: "Cách tiếp cận liên ngành được CLUES áp dụng mang lại những hiểu biết về việc đối phó với các rủi ro trong tương lai do nước biển dâng cao. Chương trình này còn cung cấp các kế hoạch ứng phó tiềm năng trong việc thích ứng và giảm thiểu thiệt hại cho hệ thống lúa gạo ở ĐBSCL”.
Trong bốn năm hoạt động (2011-2015), CLUES hướng đến việc tăng khả năng thích ứng của hệ thống sản xuất gạo ở ĐBSCL và cung cấp cho nông dân và các đơn vị quản lý các kĩ thuật và kiến thức để cải thiện an ninh lương thực.
Dự án do IRRI và Đại học Cần Thơ phối hợp thực hiện, dưới sự điều phối của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR), gồm hơn 70 thành viên đến từ Việt Nam và Australia.
Câu chuyện thành công
Sản lượng gạo của Việt Nam là một kỳ tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Một quốc gia đã trải qua nạn thiếu gạo trầm trọng và phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu cho đến khi thực thi các cải cách về thể chế và chính sách. Hai thập kỷ qua đã chứng kiến Việt Nam tăng gấp đôi năng suất gạo, trở thành một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Dựa trên thống kê năm 2015 của FAO, năng suất trung bình của quốc gia đã tăng từ 5,32 tấn/ha năm 2010 lên đến 5,89 tấn/ha năm 2015, với tổng sản lượng quốc gia là 45 triệu tấn gạo và xuất khẩu gạo đạt 7,3 triệu tấn. Trong đó, ĐBSCL đóng góp hơn nửa tổng sản lượng quốc gia hàng năm và chiếm 90% nguồn cung xuất khẩu.
Viễn cảnh khí hậu
Nỗ lực của Việt Nam để cải thiện ngành sản xuất lúa gạo đang bị đe dọa do mực nước biển dâng khiến cho tình trạng ngập lụt và xâm nhập mặn ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Dự án CLUES lập ra các bản đồ phân vùng mức độ nguy hiểm do mực nước biển dâng, đồng thời dự đoán mức độ ngập lụt và xâm nhập mặn đối với tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Ông Ngô Đặng Phong, người triển khai dự án của IRRI nói rằng: “Trong vòng 30 năm tới, hơn 60% diện tích của ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng do ngập lụt và 40% sẽ bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn”. Bản đồ cũng cho thấy rằng mực nước biển dâng sẽ làm tăng đáng kể mức độ ngập lụt sâu trên diện rộng tại một số khu vực. Các vùng cận biển là nơi chịu ảnh hưởng mạnh nhất, đặc biệt vào mùa khô, nước thường bị suy giảm ở vùng thượng nguồn. Tình trạng ngập nước do nước ngập lụt bị tù đọng (từ 0,4 đến 1m) cũng được dự đoán lan ra đến 40% khu vực hạ nguồn của ĐBSCL.
ĐBSCL được dự báo từ trước rằng sẽ xảy ra nhiều trận ngập lụt sâu và thường xuyên hơn, sự xâm nhập mặn cũng gia tăng, nông dân sẽ cần các giống lúa chống chịu được những tác động do biến đổi khí hậu gây ra. Do đó, 300 giống lúa bao gồm cả giống cũ và mới đã được thử nghiệm.
Công nghệ tiết kiệm nước
Mặc dù ĐBSCL được bao bọc bởi nước nhưng không có nghĩa khu vực này không bị hạn. Vào năm 1997 – 1998 và 2009 – 2010, vùng đất này đã trải qua hai đợt hạn hán khắc nghiệt gây ra do hiện tượng El Nino. Mùa mưa kết thúc sớm kéo dài thêm mùa khô.
Giải pháp cho vấn đề hạn hán chính là Phương pháp kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ (AWD), một công nghệ đơn giản và chi phí thấp được IRRI phát triển. Nó có thể tiết kiệm được 25% lượng nước tưới tiêu ở các cánh đồng thông qua một cơ chế cấp và rút nước, giúp luôn giữ được một lượng nước tối ưu cho sự phát triển của lúa khi cần thiết.
Phối hợp cùng với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), 100 nông dân ở tỉnh Bạc Liêu đã đánh giá khả năng sinh lợi của AWD. Những người nông dân nhận thấy rằng họ có thể tăng thêm thu nhập từ kỹ thuật tưới AWD do giảm các chi phí bơm dẫn nước tưới tiêu.
Ngoài tiềm năng thích ứng của kỹ thuật AWD, công nghệ này còn được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm thiểu tới 50% khí thải mê-tan trên các cánh đồng. Điều này đặc biệt quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu bởi vì sản xuất lúa là một trong những tác nhân chính gây ra khí nhà kính (GHG).