Xung đột Armenia-Azerbaijan
Ngoại trưởng Mỹ ủng hộ Armenia 'tự vệ'
Bất chấp việc các cường quốc và Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) liên tục kêu gọi hai bên tuân thủ lệnh ngừng bắn ngày 10/10, giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra khốc liệt giữa các lực lượng của Armenia và Azerbaijan tại khu vực xung đột Nagorno-Karabakh.
Ngày 15/10, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình WSB Atlanta, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, cáo buộc Ankara đang "khuếch đại rủi ro" của xung đột bằng cách cung cấp vũ khí cho Azerbaijan.
Ông Pompeo nhấn mạnh, cuộc xung đột chỉ nên được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán hòa bình, chứ không phải hoạt động quân sự "và chắc chắn không phải bằng việc các bên thứ ba tiếp thêm sức mạnh cho tình huống vốn đã 'vón cục'".
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ nói: "Chúng tôi hy vọng phía Armenia sẽ có thể tự vệ trước những gì phía Azerbaijan đang làm và cả 2 phía sẽ thực hiện đúng lệnh ngừng bắn, sau đó ngồi xuống bàn và cố gắng giải quyết vấn đề phức tạp của lịch sử". (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Aliyev: Cuộc chiến với Armenia là cuộc chiến giải phóng Azerbaijan |
Tình hình Kyrgyzstan
Thủ tướng nắm quyền Tổng thống, Kyrgyzstan kết thúc tình trạng khẩn cấp
Ngày 15/10, ngay sau khi Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbay Jeenbekov tuyên bố từ chức nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị sau cuộc bầu cử Quốc hội ở nước này, tân Thủ tướng Kyrgyzstan Sadyr Japarov tuyên bố nắm giữ các quyền hạn của Tổng thống.
Ngày 16/10, Quốc hội Kyrgyzstan bỏ phiếu để chấm dứt tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Bishkek được ông Jeenbekov áp đặt vào cuối tuần qua giữa lúc bạo động nổ ra do cuộc bầu cử Quốc hội ngày 4/10
Ông Japarov, được những người ủng hộ phóng thích khỏi nhà tù cũng như được Quốc hội nhanh chóng bầu làm Thủ tướng, đã trở thành Tổng thống lâm thời sau khi Chủ tịch Quốc hội Kanatbek Isayev, người có quyền nhất theo hiến pháp, từ chối đảm nhận vị trí này trong phiên họp Quốc hội ngày 16/10.
Ông Japarov cho biết sẽ tuyên bố nhậm chức với đất nước 6,5 triệu dân trong vài giờ tới. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Biểu tình ở Kyrgyzstan: Đâu chỉ là can qua phút chốc ! |
Bầu cử Mỹ 2020
Hai đối thủ 'so găng' bằng hình thức trả lời chất vấn của cử tri
Tối 15/10, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump và ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đã bắt đầu cuộc "so găng" trên sóng truyền hình trong phiên hỏi - đáp riêng rẽ với cử tri. Hình thức này được lựa chọn nhằm thay thế cho buổi tranh luận trực tiếp thứ hai dự kiến diễn ra cùng ngày đã bị hủy trước đó.
Tại hai sự kiện riêng rẽ này, các ứng cử viên đã trả lời các câu hỏi của cử tri từ khắp bang Florida và Pennsylvania. Ngoài ra, hai người điều hành chương trình, bà Savannath Guthrie của đài NBC News và người dẫn chương trình George Stephanopoulos của ABC News cũng đưa ra các hướng dẫn thảo luận và tập hợp thêm các câu hỏi của cử tri.
Các câu hỏi trong sự kiện lần này chủ yếu tập trung vào đại dịch Covid-19. Ông Biden cho biết sẽ yêu cầu Tổng thống Trump thực hiện việc xét nghiệm Covid-19 và cần có kết quả âm tính trước khi tham gia vào cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng sẽ diễn ra vào ngày 23/10 tới.
Trong khi đó, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ chấp nhận chuyển giao quyền lực một cách hòa bình nếu thất bại trong cuộc đua tái cử, song cảnh báo rằng ông muốn đó là một "cuộc bầu cử trung thực". (NBC News, ABC News)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Mỹ 2020: Hai đối thủ bắt đầu 'so găng' trên truyền hình, ông Trump chấp nhận chuyển giao quyền lực 'nếu thất bại' |
Đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao: Đảng Cộng hòa thúc đẩy phê chuẩn
Ngày 15/10, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitch McConnell cho biết, đảng này sẽ thúc đẩy và hoàn tất tiến trình phê chuẩn bà Amy Coney Barrett làm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, theo đề cử của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, ngay trong tháng 10 này.
Các thành viên của đảng Cộng hòa trong ban điều trần bà Barrett đã lên lịch bỏ phiếu tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện về đề cử nhân sự Tòa án Tối cao này vào ngày 22/10 tới, mở đường cho một cuộc bỏ phiếu cuối cùng tại Thượng viện dự kiến diễn ra sau đó 4 ngày.
Do đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ (53-47), Thẩm phán Barrett chỉ cần nhận được hơn 50 số phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tại cơ quan lập pháp này để trở thành Thẩm phán tại Tòa án Tối cao. Trong trường hợp bất lợi hơn khi chỉ giành được đúng 50 phiếu tại Thượng viện, phiếu bầu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ giúp bà Barrett bước chân vào Tòa án Tối cao. (Politico)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ: Ngày điều trần ứng viên Thẩm phán Tòa án Tối cao thứ 2 có gì nổi bật? |
Tình hình Belarus
Belarus truy nã lãnh đạo đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya
Ngày 16/10, hãng tin RIA dẫn nguồn Bộ Nội vụ Nga cho biết, Belarus đã đưa lãnh đạo đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya vào danh sách truy nã vì bị cáo buộc kêu gọi thay đổi trật tự hiến pháp.
Bà Tsikhanouskaya sang Lithuania tị nạn ngay sau cuộc bầu cử gây tranh cãi vào hôm 9/8 và đã gặp gỡ lãnh đạo chính trị châu Âu, kêu gọi Tổng thống Alexander Lukashenko từ bỏ quyền lực.
Theo Bộ Nội vụ Nga, do một cơ chế của Nhà nước liên bang mà Nga và Belarus là thành viên, bà Tsikhanouskaya cũng bị đưa vào danh sách truy nã của Moscow.
Cùng ngày, các nhà điều tra của Belarus cho biết, họ có bằng chứng rằng, các thành viên của Hội đồng điều phối của phe đối lập Belarus đã tiến hành các hành động nhằm phá hoại đất nước và gây tổn hại đối với an ninh quốc gia. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Ván cờ Belarus và chuyện ‘bắt cá hai tay' |
Mỹ-Trung Quốc
Trung Quốc chỉ trích việc Mỹ bổ nhiệm đặc phái viên về vấn đề nhân quyền của Tây Tạng
Ngày 14/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo, ông Robert Destro, Trợ lý Ngoại trưởng về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Mỹ sẽ đảm nhận vị trí điều phối viên đặc biệt về các vấn đề Tây Tạng. Vị trí này đã bị bỏ trống từ khi Tổng thống Trump nhậm chức năm 2017.
Phản ứng trước động thái này, ngày 15/10, Bắc Kinh đã công kích Mỹ và cho rằng, Washington đang muốn phá bỏ sự ổn định của khu vực, đồng thời nhấn mạnh rằng, các dân tộc thiểu số ở Tây Tạng được hưởng "hoàn toàn quyền tự do tín ngưỡng". (AFP)
Lầu Năm Góc tăng tốc chiến lược đối phó Trung Quốc
Ngày 15/10, trong bài phát biểu tại quỹ Heritage ở thủ đô Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cáo buộc Trung Quốc sử dụng chiến lược kinh tế “kẻ săn mồi” và “gây hấn” ở Biển Đông và Hoa Đông.
Ông Esper tiết lộ, ông đã chỉ đạo các học giả tại Đại học Quốc phòng Mỹ dành 50% chương trình đào tạo cho các nội dung liên quan tới Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2021.
Ngoài ra, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng chỉ thị các đơn vị quân đội Mỹ coi quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là mối đe dọa gia tăng trong các trường đào tạo chuyên nghiệp, các chương trình huấn luyện nhằm "giúp quân nhân Mỹ hiểu rõ hơn về Trung Quốc để đối phó hiệu quả hơn với “sự gây hấn” của Bắc Kinh trong tương lai". (SCMP)
TIN LIÊN QUAN | |
Dưới chính quyền Tổng thống Trump, người Mỹ nghĩ như thế nào về Trung Quốc? |
Trung Quốc-Australia
Trung Quốc tiếp tục tiến thêm 1 bước trong việc 'kéo căng' quan hệ với Australia
Ngày 16/10, truyền thông địa phương đưa tin, các nhà máy bông của Trung Quốc đã được yêu cầu ngừng sử dụng hàng xuất khẩu của Australia, một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ tiếp tục xấu đi giữa hai quốc gia.
Theo hãng ABC của Australia, các nguồn tin chính phủ giấu tên thông báo với các hãng truyền thông rằng, các mặt hàng bông xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc có thể phải chịu mức thuế lên tới 40%, vốn có thể khiến hoạt động thương mại với Trung Quốc trở nên tê liệt.
Vài ngày trước đó, truyền thông đưa tin, các nhà sản xuất thép và nhà máy điện thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc được chỉ thị ngừng nhập khẩu than của Australia. Trước đó, hoạt động xuất khẩu rượu vang, lúa mạch và thịt bò của Australia sang Trung Quốc cũng đã bị đình chỉ. (Kyodo)
TIN LIÊN QUAN | |
Mấu chốt để xoa dịu tranh chấp kinh tế Trung Quốc-Australia |
Biển Đông
Đức muốn tập trận ở Biển Đông
Trong một cuộc phỏng vấn tại Canberra, Tiến sĩ Fitschen cho rằng, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang thiếu một mô hình theo kiểu EU, mô hình có thể giúp xoa dịu căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về đại dịch Covid-19, thương mại, Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc).
Đại sứ Đức nhấn mạnh, các chiến lược ngăn chặn và tách rời đều không hiệu quả và chỉ làm sâu sắc thêm các rủi ro, kể cả rủi ro an ninh, đồng thời cho biết, Berlin sẽ thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) ban hành chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2022.
Tiến sĩ Fitschen tiết lộ, Hải quân Đức sẽ hướng tới việc tham gia các chuyến thăm cảng, tập trận ở Biển Đông và nước này sẽ mở rộng hợp tác an ninh mạng với Australia, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đức sẽ đa dạng hóa các mối quan hệ chính trị và kinh tế ở châu Á để không bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. (The Sydney Morning Herald)
TIN LIÊN QUAN | |
Báo Ấn Độ: Nhiều nước điều chỉnh cách tiếp cận về Biển Đông |
Đông Địa Trung Hải
Hy Lạp, Cyprus muốn EU quyết liệt hơn với Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 16/10, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU, Hy Lạp và Cyprus đã thúc giục EU phản ứng cứng rắn hơn đối với việc thăm dò khí tự nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng biển tranh chấp trên Địa Trung Hải sau khi Ankara nối lại hoạt động của một tàu khảo sát ngày 14/10 mà nước này đã rút vào tháng trước.
EU vẫn chưa thể thuyết phục Ankara dừng hoạt động thăm dò tại vùng biển có tranh chấp với Hy Lạp và Cyprus kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra hôm 2/10. Khi đó, các nhà lãnh đạo EU đã thống nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ thời hạn tới đầu tháng 12 trước khi cân nhắc các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Đầu tuần này, Pháp, Đức tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có vài tuần để xem xét lại lập trường của mình và dừng những hành động khiêu khích, nhưng từ chối đưa ra tối hậu thư cho nước này như Hy Lạp và Cyprus mong muốn. (Reuters)
| Cập nhật Covid-19 ngày 16/10: Kỷ lục gần 400.000 ca nhiễm mới toàn cầu, châu Âu 'sốt xình xịch', Pháp huy động hàng chục nghìn cảnh sát TGVN. Thế giới ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao kỷ lục trong ngày 15/10, tình hình ở châu Âu đáng quan ngại, Pháp ... |
| Cho rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thiếu 'mô hình theo kiểu EU', Đức thúc đẩy EU ban hành chiến lược TGVN. Đại sứ Đức tại Australia, Thomas Fitschen cho biết, Berlin sẽ thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) ban hành chiến lược Ấn Độ ... |
| Xung đột Armenia-Azerbaijan: Thủ phủ Nagorno-Karabakh bị oanh tạc, Nga muốn đem lực lượng đến khu tranh chấp? TGVN. Ngày 15/10, thủ phủ Stepanakert của vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh bị pháo kích dữ dội, chấm dứt giai đoạn tạm lắng các ... |