Nhỏ Bình thường Lớn

Tin thế giới 18/1: Nga tuyên bố chẳng đe dọa ai; Kiev nói 'nếu Ukraine thất bại, châu Âu sẽ thất bại'; Tổng thống Iran công du Nga

Căng thẳng Nga với Ukraine, NATO, quan hệ Nga-Đức, xung quanh vấn đề Kiev muốn gia nhập NATO, Tổng thống Iran công du Nga, Nga-Belarus tập trận, tình hình Bán đảo Triều Tiên, ASEAN là một số tin quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tin thế giới 18/1: Siêu 'hung thần' của Nga thay thế được cả căn cứ quân sự; Nga tuyên bố chẳng đe dọa ai;
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi sẽ có chuyến thăm tới Nga vào ngày 19/1 và hội đàm cùng người đồng cấp Nga Putin. (Nguồn: Shafaq)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật:

Nga tuyên bố không đe dọa ai

Ngày 17/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoàn toàn biết rõ Moscow có thể thực hiện các biện pháp quân sự-kỹ thuật nào nếu liên minh quân sự này các đề xuất an ninh.

Nhà ngoại giao Nga nêu rõ: "Chúng tôi không đe dọa ai cả mà là đang cảnh báo. Lập trường của chúng tôi là hoàn toàn rõ ràng và có thể dự đoán được".

Theo ông Grushko, các biện pháp cụ thể của Nga sẽ phụ thuộc vào tiềm lực quân sự mà đối phương có thể được sử dụng để chống lại lợi ích của Moscow.

Nga cũng sẽ đưa ra quyết định về việc có tiếp tục đối thoại về các đề xuất đảm bảo an ninh với NATO và Mỹ hay không sau khi nhận được "câu trả lời bằng văn bản cho các đề xuất".

Quan chức ngoại giao Nga nói thêm, Nga đã nói khá rõ ràng và hiện đang chờ phản hồi trung thực tương tự từ phía Mỹ và NATO. (TASS)

TIN LIÊN QUAN
Giải pháp ngoại giao 'không còn hy vọng', Nga-NATO 'bên miệng hố chiến tranh'?

Thực hư tin đồn Nga rút dần nhân viên ngoại giao ở Ukraine?

Ngày 17/1, New York Times dẫn lời một quan chức an ninh cấp cao của Ukraine cho biết, vào ngày 5/1, 18 người trong đại sứ quán Nga ở Kiev, chủ yếu là vợ và con của các nhà ngoại giao Nga, đã lên xe trở về Moscow.

Vài ngày sau đó, khoảng 30 người trong Đại sứ quán Nga ở Kiev và Lãnh sự quán Nga ở Lviv, Tây Ukraine cũng rời đi.

Quan chức này cũng cho biết, các nhà ngoại giao tại 2 lãnh sự quán khác của Nga ở Ukraine cũng được thông báo chuẩn bị rời quốc gia Đông Âu.

Trước thông tin trên, ngày 18/1, Đại sứ quán Nga tại Ukraine thông báo, cơ quan này đang làm việc bình thường.

Liên quan quan hệ Moscow-Kiev giữa bối cảnh căng thẳng và lo ngại của phương Tây về một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Sergei Naryshkin tuyên bố, nước này quan tâm nhiều nhất tới mối quan hệ láng giềng tốt đẹp song phương.

Tư lệnh ngành tình báo Nga còn nhấn mạnh, nước Nga đương thời đã làm rất nhiều điều để Ukraine được thành lập như một quốc gia độc lập. (TASS, New York Times)

TIN LIÊN QUAN
Đàm phán giữa Nga-NATO: Tâm thế lùi bước hay tiến lên?

Ukraine: "Nếu Kiev thất bại, châu Âu sẽ thất bại"

Ngày 17/1, Phó Thủ tướng Ukraine phụ trách Hội nhập châu Âu và châu Âu-Đại Tây Dương Olha Stefanishyna cho hay, nước này đang kỳ vọng NATO sẽ có những bước cụ thể để quốc gia Đông Âu có thể gia nhập liên minh quân sự trong 10 năm tới.

Theo bà Stefanishyna, Nga được cho là sẽ tiến hành một chính sách “gây hấn hơn” qua đó đe dọa không chỉ Ukraine, đồng thời kết luận: “Nếu Ukraine thất bại, châu Âu cũng sẽ thất bại”.

Trước đó, ngày 10/1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, việc Ukraine có trở thành thành viên của liên minh quân sự này hay không và vào khi nào là tùy thuộc vào Kiev và các nước thành viên NATO quyết định.

Trong một tin liên quan tình hình Ukraine, ngày 18/1, trang ZN.ua dẫn các nguồn tin cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ đến thủ đô Kiev vào ngày 20/1, song chưa rõ nội dung chương trình nghị sự trong chuyến công du này. (Sputnik)

TIN LIÊN QUAN
Ngoại trưởng Pháp: Chưa đủ điều kiện để Ukraine gia nhập NATO

Tổng thống Iran thăm Nga

Ngày 18/1, Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi vào ngày 19/1 và thảo luận về "toàn bộ các vấn đề hợp tác song phương", bao gồm cả vấn đề về thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Chuyến công du Nga sẽ là chuyến thăm chính thức quan trọng nhất của ông Raisi kể từ khi nhậm chức Tổng thống Iran vào tháng 8/2021 và là chuyến công du đầu tiên của một tổng thống Iran tới Nga kể từ năm 2017.

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Hossein Amir Abdollahian bàn về JCPOA cũng như mối quan hệ song phương và các vấn đề khu vực.

Liên quan cuộc đàm phán khôi phục JCPOA, ngày 17/1, Iran cho rằng, đã đến lúc Mỹ đưa ra các quyết định chính trị để giải quyết những vấn đề chính còn lại trong đàm phán.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh: "Các vấn đề còn lại rất quan trọng và cần có quyết định chính trị cụ thể. Đặc biệt là Washington phải tuyên bố quyết định dỡ bỏ các lệnh cấm vận và những vấn đề khác. Nếu điều này xảy ra, chúng ta sẽ kịp thời đạt được một thỏa thuận lâu dài, đáng tin cậy".(AFP, IRNA)

TIN LIÊN QUAN
Thỏa thuận hạt nhân Iran: Ngày về còn xa

Đức không có lựa chọn thay thế cho quan hệ tốt đẹp với Nga

Ngày 18/1, phát biểu trước cuộc hội đàm lần đầu tiên với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại thủ đô Moscow, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh, mối quan hệ với Nga là rất quan trọng với chính phủ mới ở Đức cũng như với cá nhân bà.

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Đức, "không có sự thay thế nào cho mối quan hệ tốt đẹp và ổn định giữa Moscow và Berlin".

Về phần mình, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, Nga quan tâm đến mối quan hệ mang tính xây dựng hơn với Đức và khắc phục các vấn đề cấp bách với chính phủ Đức của Thủ tướng Olaf Scholz.

Quan chức ngoại giao cấp cao Nga khẳng định, Moscow luôn quan tâm đến quan hệ tốt đẹp với Đức trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cân nhắc các lợi ích chung.

Ngoại trưởng Nga cũng lưu ý rằng, ông đánh giá cao cơ hội tiến hành cuộc đàm phán song phương chỉ vài tuần sau khi chính phủ mới của Đức được thành lập và bắt đầu hoạt động. (TASS, Sputnik)

TIN LIÊN QUAN
Quan hệ Đức-Nga dưới thời ông Scholz sẽ đi về đâu?

Nga-Belarus sắp tập trận, không quan tâm NATO "lảng vảng" gần biên giới Belarus

Ngày 17/1, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thông báo, vào tháng tới, quân đội nước này sẽ tham gia cuộc tập trận với lực lượng của Nga mang tên “Quyết tâm của Liên bang 2022”, với nội dung giả định quân đội Belarus phải “kháng cự lực lượng đến từ phía Tây”.

Ông cũng cho biết, cuộc diễn tập nhằm vào việc các nước tập trung quân đội dọc biên giới giữa Belarus với Ba Lan, Ukraine và các nước Baltic.

Ngày 18/1, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin cho biết, nước này và Belarus đang cân nhắc những tình huống mà họ sẽ phải sử dụng toàn bộ tiềm lực quân sự của cả hai nước để đảm bảo cho Nhà nước Liên minh.

Quan chức Nga nêu rõ: "Tình huống này có thể xuất hiện khi các lực lượng và các biện pháp của Nhóm Khu vực không đủ để đảm bảo an ninh cho Nhà nước Liên minh và chúng tôi phải sẵn sàng để củng cố nó".

Theo ông Fomin, Nga định triển khai một số đơn vị cho Quân Khu miền Đông trong các cuộc tập trận cho lực lượng phản ứng của Nhà nước Liên minh ở Belarus vào tháng tới.

Trong khi đó, tân Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov tuyên bố, việc NATO thiết lập các lực lượng gần biên giới Belarus, bao gồm cả việc triển khai vũ khí hạng nặng, sẽ không khiến Moscow phải để ý.

Theo ông Gryzlov: "Nga-Belarus rất kỹ lưỡng trong cách tiếp cận với các vấn đề an ninh biên giới, với các cuộc tuần tra chung thường kỳ trên không, trong đó có sử dụng cá máy bay chiến đấu...". (Reuters, Sputnik)

TIN LIÊN QUAN
Nhà nước Liên minh Nga-Belarus, cột mốc trên chặng đường dài

Triều Tiên thử tên lửa: Hàn Quốc kêu gọi quân đội sẵn sàng, Nhật Bản đánh giá

Ngày 18/1, sau một loạt các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook có chuyến thăm tới các đơn vị lục quân và bộ binh nước này.

Trong một thông cáo báo chí, bộ trên nêu rõ: "Bộ trưởng kêu gọi quân đội duy trì tư thế sẵn sàng vững chắc và quan tâm đầy đủ đến các hoạt động an ninh do các chỉ huy hiện trường dẫn đầu".

Theo Bộ Quốc phòng, ông Suh đã tổ chức một hội nghị truyền hình với sự tham dự của các quan chức quốc phòng cấp cao và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa quân đội, lực lượng cảnh sát biển và chính quyền các tỉnh để có một "thế trận quốc phòng thống nhất".

Về phía Nhật Bản, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo cho rằng, các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên cho thấy, Bình Nhưỡng đang nhanh chóng cải thiện công nghệ vũ khí và khả năng tác chiến của nước này.

Trước đó cùng ngày, Bình Nhưỡng xác nhận, vụ phóng hai tên lửa dẫn đường chiến thuật ở khu vực phía Tây của Triều Tiên vào ngày 17/1 đã "đánh trúng một mục tiêu trên đảo" ở vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên. (Yonhap, Sputnik)

TIN LIÊN QUAN
Triều Tiên thông tin vụ phóng thử tên lửa, Mỹ chỉ trích, LHQ ủng hộ ngoại giao

Nghị viện châu Âu có Chủ tịch mới

Ngày 18/1, Nghị viện châu Âu (EP) đã bầu nghị sĩ của Malta, bà Roberta Metsola làm tân Chủ tịch cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU).

Với 458 phiếu ủng hộ, bà Metsola, 43 tuổi, đại diện của đảng Nhân dân châu Âu (EPP) đã trở thành người phụ nữ thứ ba và là người trẻ nhất lãnh đạo EP.

Nhiệm kỳ của bà Metsola sẽ kéo dài trong hơn 2 năm. Đây sẽ là giải đoạn quan trọng trong bối cảnh EP đang phải đối mặt với những vấn đề gây nhiều bất đồng như giảm khí thải carbon, số hóa nền kinh tế, tăng cường năng lực quân sự của khối và siết chặt việc tuân thủ cơ chế pháp quyền của EU.

Trước đó, Chủ tịch EP David Sassoli đã qua đời ở tuổi 65 vào đêm 10/1 tại Trung tâm ung thư ở thành phố Aviano của Italy do một biến chứng nghiêm trọng liên quan đến rối loạn chức năng của hệ thống miễn dịch. (AFP)

TIN LIÊN QUAN
Chủ tịch Nghị viện châu Âu qua đời

ASEAN: Campuchia-Singapore cam kết tăng cường vai trò trung tâm khổi, Malaysia chú trọng hợp tác quốc phòng với các thành viên

Ngày 18/1, thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Campuchia cho biết, Ngoại trưởng nước này Prak Sokhonn và người đồng cấp Singapore Vivian Balakrishnan có cuộc điện đàm ngày 13/1.

Thông cáo có đoạn: "Hai bộ trưởng tái khẳng định cam kết hợp tác cùng nhau trong việc tăng cường vai trò trung tâm, thống nhất và khả năng phục hồi của ASEAN trong khi giải quyết các thách thức và mục tiêu chung, qua đó thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và xa hơn".

Ông Sokhonn đã thông báo cho ông Balakrishnan về kết quả chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tới Myanmar, đồng thời lưu ý rằng, chuyến thăm là bước quan trọng để mở đường cho một cuộc đối thoại toàn diện giữa tất cả các bên liên quan về vấn đề Myanmar.

Thông cáo nêu rõ: "Ông Hun Sen nhấn mạnh, Campuchia có cùng nguyện vọng với các quốc gia thành viên ASEAN khác và cộng đồng quốc tế là giúp Myanmar đạt được hòa bình và hòa giải lâu bền"

Trong một tin khác, phát biểu trong thông điệp Năm mới của Bộ Quốc phòng ngày 17/1, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein tái khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng thuộc ASEAN thông qua ngoại giao quốc phòng để bảo vệ chủ quyền.(THX)

Mỹ tuyên bố không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào về biện pháp trừng phạt Nga, Đức cảnh báo hậu quả

Mỹ tuyên bố không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào về biện pháp trừng phạt Nga, Đức cảnh báo hậu quả

Ngày 17/1, một người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết, Washington không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào ...

Tin thế giới 17/1: Ukraine gửi 'mệnh lệnh đạo đức' tới Đức? Nga nói Ukraine khó hiểu; Nhật Bản cứng rắn với Trung Quốc

Tin thế giới 17/1: Ukraine gửi 'mệnh lệnh đạo đức' tới Đức? Nga nói Ukraine khó hiểu; Nhật Bản cứng rắn với Trung Quốc

Căng thẳng Nga-Ukraine, đề xuất an ninh, quan hệ Đức với Ukraine và Nga, Nga-Mỹ, chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời gian ...