Báo Thế giới & Việt Nam điểm lại một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga thận trọng trước nguy cơ phương Tây can thiệp bầu cử
Người đứng đầu Ủy ban đặc biệt của Hội đồng Liên bang Nga Andrei Klimov lên tiếng cáo buộc phương Tây có thể can thiệp cuộc bầu cử Hạ viện Nga, dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới.
Theo ông Klimov, mục đích của các đối thủ phương Tây là gieo rắc sự phẫn nộ về tiến trình của chiến dịch bầu cử và kết quả bầu cử, kích động quần chúng về cuộc bầu cử.
Chiến dịch này được cho là không mới và từng được triển khai trước đó với các quy mô khác nhau, sự quyết liệt nhất là ở những tổ chức được phương Tây và thân phương Tây hỗ trợ.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR), ông Sergei Naryshkin từng đưa ra lời cảnh báo tương tự. Trả lời trên kênh truyền hình Rossia-1, ông Naryshkin cho biết, các phần tử đối lập ở Nga đang ráo riết chuẩn bị cho sự kiện này.
Như tình báo Nga phát hiện, các hành động khiêu khích cũng đang được chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2024. Theo ông Naryshkin, SVR đã cảnh báo tất cả cơ quan đặc biệt cần thiết và nắm rõ "những điểm nào sẽ bị tấn công". (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga 'rào đón', cảnh cáo sẽ phản ứng gay gắt nếu bị can thiệp bầu cử |
Thống đốc New York bị tố quấy rối phụ nữ
Ngày 3/8, Tổng chưởng lý New York - Letitia James công bố kết quả sơ bộ cuộc điều tra độc lập kéo dài 5 tháng cho thấy Thống đốc New York Andrew Cuomo đã có hành vi quấy rối và đưa ra những bình luận khiếm nhã với nhiều phụ nữ.
Tuy nhiên, Thống đốc Cuomo phủ nhận việc ông có hành động không phù hợp và nói rõ rằng, ông không có kế hoạch từ chức.
“Sự thật khác nhiều so với những gì được miêu tả”, ông Cuomo nói.
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden cho rằng, ông Cuomo nên từ chức. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Xuất hiện biến thể mới ở New York có thể làm giảm hiệu quả vaccine Covid-19 |
Tổng thống Mỹ kêu gọi chống ‘chủ nghĩa khủng bố’ sắc tộc
Nhân tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát tại một siêu thị Walmart ở thành phố El Paso, bang Texas cách đây hai năm, ngày 3/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi người dân chống “chủ nghĩa khủng bố trong nước xuất phát từ tư tưởng người da trắng thượng đẳng”.
Phát biểu tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo cộng đồng Hispanic (người Mỹ gốc Mỹ Latinh nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), Tổng thống Biden nhấn mạnh, mọi người dân phải cùng nhau hành động để đối phó với những phần tử khủng bố và những phần tử cực đoan ngay trong lòng nước Mỹ.
Ông nhấn mạnh mối đe dọa khủng bố lớn nhất đối với nước Mỹ trong những năm gần đây chính là chủ nghĩa khủng bố trong nước bắt nguồn từ tư tưởng người da trắng thượng đẳng.
Tổng thống Biden nêu rõ, các cộng đồng cư dân cần đoàn kết ngăn chặn bạo lực, loại bỏ các tư tưởng cực đoan ngay khi mới manh nha xuất hiện. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Sau Afghanistan và Iraq, kế hoạch của Mỹ ở Syria là gì? |
Mỹ sẽ không chấp nhận Triều Tiên có vũ khí hạt nhân
Sydney Seiler, quan chức tình báo về Triều Tiên tại Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ khẳng định, Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận một Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân bất chấp tham vọng rõ ràng của nước này là trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân.
"Chúng tôi đã nói rõ trong tất cả các cuộc đàm phán của mình - chúng tôi mong đợi điều gì từ Triều Tiên... và CHDCND Triều Tiên sẽ có được những lợi ích nào. Nhưng cho đến nay, chế độ ở nước này chỉ đơn giản là không muốn thực hiện những giải pháp này".
Bà Seiler cũng cho biết, Triều Tiên có nhiều cơ hội phi hạt nhân hóa để đổi lấy các lợi ích mà họ được cho là đang tìm kiếm, chẳng hạn như cải thiện quan hệ với Mỹ hay đảm bảo an ninh. (Washington Times)
TIN LIÊN QUAN | |
Hé lộ sự chủ động của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Bình Nhưỡng nêu điều kiện nối lại đàm phán với Mỹ? |
Hàn Quốc kêu gọi ủng hộ nỗ lực hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên
Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong đã đề nghị Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ủng hộ nỗ lực của nước này trong việc thúc đẩy hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên sau khi các đường dây liên lạc liên Triều được khôi phục gần đây.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 4/8, Ngoại trưởng Chung Eui-yong nhấn mạnh rằng, để đạt được tiến bộ thực chất trong nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình vĩnh viễn, hoạt động ngoại giao và đối thoại là điều cần thiết dựa trên các thỏa thuận hiện có giữa hai miền Triều Tiên và giữa Triều Tiên với Mỹ.
Ngoại trưởng Chung Eui-yong mong đợi sự hỗ trợ của ASEAN cũng như Trung Quốc và Nhật Bản đối với các nỗ lực của Hàn Quốc trong việc tiếp tục tiến trình hòa bình trên bán đảo. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Đề nghị Hàn Quốc tiếp tục nâng cao năng lực y tế và bảo đảm cung ứng vaccine Covid-19 cho các nước ASEAN |
Anh ‘nghi ngờ’ Iran tấn công tàu chở dầu ngoài khơi UAE
Ngày 3/8, Cơ quan Thương mại hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO) ra thông báo cho biết, đã xảy ra một sự cố "có khả năng là cướp biển" ngoài khơi bờ biển thành phố Fujairah của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Tờ Times cũng khẳng định, các nguồn tin của Anh cho biết, tàu Asphalt Princess treo cờ Panama đã bị cướp và "đang xem xét giả định quân đội hoặc các lực lượng ủy nhiệm của Iran đã lên tàu".
Trước đó, các nguồn tin an ninh hàng hải cho biết, các lực lượng được Iran hậu thuẫn được cho là đã chiếm một tàu chở dầu tại vùng Vịnh, ngoài khơi bờ biển UAE.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố, Bộ này đang "điều tra khẩn cấp" sự cố xảy ra với tàu này.
Tuy nhiên, theo đài truyền hình nhà nước Iran, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã phủ nhận dính líu đến bất kỳ hành động nào ở ngoài khơi UAE ngày 3/8.
IRGC cho rằng, vụ việc này là một động thái của Israel và các nước phương Tây "nhằm chuẩn bị cho dư luận cộng đồng quốc tế về hành động thù địch chống lại Iran". (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Vụ tấn công tàu chở dầu ngoài khơi Oman: Anh đưa ra HĐBA, nguy cơ bùng phát đụng độ, Israel cảnh báo tự trả đũa Iran |
Biển Đông:
Tàu chiến Đức lần đầu tiên đi qua Biển Đông kể từ năm 2002
Một tàu chiến của Đức đã khởi hành cho một sứ mệnh kéo dài 6 tháng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và dự kiến đi qua Biển Đông vào giữa tháng 12, trở thành tàu chiến Đức đầu tiên đi qua Biển Đông kể từ năm 2002.
Lần đầu tiên trong gần 20 năm, Đức điều một tàu chiến lên đường tới biển Đông, gia nhập các quốc gia phương Tây khác như Anh và Mỹ trong việc mở rộng sự hiện diện quân sự tại vùng biển này.
Tàu chiến Bayern dự kiến không đi qua eo biển Đài Loan, nhưng Berlin nêu rõ hoạt động của tàu chiến trên nhằm nhấn mạnh Đức không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. (SCMP)
Ấn Độ điều 4 chiến hạm đến Biển Đông
Bộ Quốc phòng Ấn Độ xác nhận đã cử 4 chiến hạm đến Biển Đông trong một nhiệm vụ kéo dài 2 tháng bao gồm tham gia các cuộc tập trận.
Bốn chiến hạm bao gồm một tàu khu trục tên lửa dẫn đường, tàu hộ tống tên lửa dẫn đường, hộ vệ hạm chống tàu ngầm và tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường. Những chiến hạm của Ấn Độ sẽ tham dự nhiều cuộc tập trận trong 2 tháng triển khai, bao gồm tập trận Malabar 2021 với Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Ngoài ra, chiến hạm nước này sẽ hợp tác cùng đơn vị Hải quân của Singapore, Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo: “Những sáng kiến hàng hải tăng cường phối hợp, hợp tác giữa Hải quân Ấn Độ và các nước khác dựa trên lợi ích hàng hải chung cũng như cam kết về tự do hàng hải.
Việc triển khai các tàu Hải quân Ấn Độ nhằm nhấn mạnh phạm vi hoạt động, sự hiện diện hòa bình và tình đoàn kết với các quốc gia bằng hữu nhằm đảm bảo trật tự trong lĩnh vực hàng hải và củng cố mối quan hệ hiện có giữa Ấn Độ và các nước ở Ấn Độ Dương”. (CNN)
New Zealand gửi công hàm lên Liên hợp quốc, lên tiếng về Biển Đông
Hôm 3/8, Phái đoàn Thường trực New Zealand tại Liên hợp quốc đã gửi Công hàm số 08/21/02 lên Tổng thư ký Liên hợp quốc để khẳng định lập trường pháp lý của New Zealand về một số khía cạnh của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) liên quan đến Biển Đông.
Nội dung công hàm nhấn mạnh tính phổ quát và nhất quán của UNCLOS - khuôn khổ pháp lý để thực hiện tất cả các hoạt động trên biển và đại dương; việc xác lập các vùng biển do đó phải được thực hiện phù hợp với UNCLOS.
Công hàm của New Zealand cho rằng, không có cơ sở pháp lý nào để các quốc gia yêu sách “quyền lịch sử” liên quan đến các vùng biển ở Biển Đông, như phán quyết Tòa Trọng tài (PCA) về Biển Đông 2016 đã kết luận. Đồng thời khẳng định, không có cơ sở pháp lý nào để vẽ đường cơ sở thẳng của quần đảo ở Biển Đông, cũng như để vẽ đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo ở Biển Đông.
Công hàm nhấn mạnh, phán quyết của PCA là cuối cùng và ràng buộc với cả hai bên. (LHQ)
TIN LIÊN QUAN | |
Hoa Kỳ ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông |
ASEAN bổ nhiệm đặc phái viên tại Myanmar, thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm
ASEAN đã nhất tri và bổ nhiệm Ngoại trưởng (thứ hai) của Brunei, ông Erywan Yusof làm đặc phái viên của khối tại Myanmar.
Thông cáo báo chí ra ngày 4/8 nhấn mạnh vai trò của đặc phái viên ASEAN tại Myanmar sẽ là gây dựng lòng tin và uy tín giữa các bên, đồng thời cung cấp một lịch trình rõ ràng nhằm thực thi Đồng thuận 5 điểm để giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này.
TIN LIÊN QUAN | |
Myanmar thành lập chính phủ tạm quyền và sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới |
Nhà riêng quyền Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan bị tấn công
Ngày 4/8, Taliban thừa nhận gây ra vụ tấn công vào dinh thự của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Bismillah Khan Mohammadi ở thủ đô Kabul.
Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid tuyên bố, nhóm này đã tấn công dinh thự trên vào tối 3/8, thời điểm đang diễn ra một cuộc họp quan trọng.
Mặc dù ông Mohammadi sống sót, nhưng vụ tấn công đánh dấu một bước leo thang lớn trong chiến dịch của Taliban khi nhắm vào một khu vực được canh gác nghiêm ngặt ở thủ đô. (Reuters)
| Tin thế giới 3/8: Nga hạ lệnh 'đuổi người' cảnh cáo láng giềng; nín thở chờ 'đòn' của Mỹ và đồng minh với Iran; 'trò chơi lâu dài' Ấn-Trung Căng thẳng Nga với Estonia và Mỹ, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc, Mỹ-Philippines, vụ tấn công tàu chở dầu ngoài khơi Oman, tình hình Afghanistan, ... |
| Tin thế giới 2/8: Nga nói bị phương Tây 'ma quỷ hóa'; Tổng thống Afghanistan đổ lỗi cho Mỹ; Philippines tuyên bố về vấn đề nguồn gốc Covid-19 Quan hệ Nga với Mỹ, NATO, Azerbaijan, tình hình Afghanistan, vụ tấn công tàu chở dầu ngoài khơi Oman, bán đảo Triều Tiên, cuộc điều ... |