Bầu cử Mỹ 2020
Nga, Trung Quốc đề cập kết quả bầu cử Mỹ 2020
Ngày 9/11, Điện Kremlin cho biết sẽ đợi kết quả chính thức của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước khi bình luận về sự kiện này, đồng thời lưu ý tuyên bố của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump về những thách thức pháp lý liên quan đến cuộc bỏ phiếu.
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ, tốt hơn là chờ đợi kết quả cuối cùng trước khi đưa ra bình luận.
Theo ông Peskov, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại tuyên bố rằng, ông sẵn sàng làm việc với bất cứ nhà lãnh đạo nào của Mỹ và Nga hy vọng có thể thiết lập đối thoại với chính quyền mới ở Washington cũng như tìm cách bình thường hóa quan hệ.
Ông Putin chờ đợi khi nào có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ chính thức mới chúc mừng người thắng cuộc, trong bối cảnh truyền thông đưa tin, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đạt dư số phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng.
Trong khi đó, cùng ngày, khi được hỏi liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chúc mừng ông Biden hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ, Bắc Kinh hiểu rằng kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ được xác định theo luật pháp Mỹ. (Reuters, AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Mỹ 2020: Chính sách của ông Biden có ý nghĩa như thế nào đối với ngành công nghệ? |
Thủ tướng Đức chính thức gửi lời chúc mừng tới ông Biden
Ngày 9/11, trong một tuyên bố ngắn từ Berlin, nhấn mạnh cuộc bầu cử ở Mỹ đã thu hút sự quan tâm theo dõi của cả thế giới, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chính thức gửi lời chúc mừng tới ông Biden và bà Kamala Harris "được bầu làm Tổng thống và Phó Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ", đồng minh quan trọng nhất của Đức.
Thủ tướng Đức cũng bày tỏ trân trọng các cuộc gặp và thảo luận trước đây với ông Biden, người biết rất rõ về châu Âu và Đức cũng như giàu kinh nghiệm về đối nội và đối ngoại.
Bà Merkel nhấn mạnh, Mỹ và Đức, một thành viên của Liên minh châu Âu (EU), cần phải sát cánh cùng nhau giải quyết các thách thức lớn của thời đại, như đại dịch Covid-19, sự nóng lên toàn cầu, cuộc chiến chống khủng bố và một nền kinh tế mở và tự do.
Theo bà Merkel, đây chính là nền tảng cho sự thịnh vượng ở hai bờ Đại Tây Dương. Nhà lãnh đạo Đức cũng bày tỏ vui mừng về sự hợp tác với ông Binden và bà Harris trong thời gian tới. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Lịch sử bầu cử Mỹ 20 năm trước liệu có lặp lại? |
Hàn Quốc hối thúc Triều Tiên khôn ngoan trong thời gian chuyển giao quyền lực tại Mỹ
Ngày 9/11, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young kêu gọi Triều Tiên tránh khiêu khích trong thời gian chuyển giao quyền lực tại Mỹ nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Lee nói: "Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cách đây vài ngày là một bước ngoặt dẫn tới những thay đổi lớn trong nhiều vấn đề. Tôi hy vọng Triều Tiên sẽ hành động thận trọng, khôn ngoan và linh hoạt trong giai đoạn chuyển giao".
"Triều Tiên nên thực thi các thỏa thuận với Mỹ và Hàn Quốc và thể hiện thiện chí trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Điều này không chỉ giúp thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên mà còn mở rộng không gian hòa bình giữa hai miền Triều Tiên", ông Lee lưu ý.
Bộ trưởng Lee đồng thời khẳng định, Hàn Quốc sẽ làm hết sức để duy trì phối hợp chặt chẽ với chính quyền sắp tới của Mỹ qua nhiều kênh, nhằm thuyết phục Washington hợp tác với Bình Nhưỡng, góp phần xây dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Đệ nhị phu quân đầu tiên của nước Mỹ là ai? |
Phe ông Trump tuyên bố xác định 450.000 phiếu bầu khả nghi, quyết chiến đấu đến cùng
Ngày 8/11, trong cuộc phỏng vấn với đài Fox News, cựu công tố viên liên bang Sidney Powell đã cáo buộc phe Dân chủ lợi dụng các "lỗi phần mềm" để chuyển phiếu bầu của đương kim Tổng thống Donald Trump sang ứng viên Joe Biden và khẳng định bà sẽ "chiến đấu tới cùng tại tòa án liên bang để vạch trần chiêu trò gian lận này".
"Chúng tôi đã xác định được ít nhất 450.000 phiếu bầu tại các bang chiến địa quan trọng, điều kì lạ là những phiếu bầu này chỉ đánh một dấu duy nhất cho ông Joe Biden, còn các mục khác đều bị bỏ trống", bà Powell nói.
Bà Powell là một thành viên trong nhóm pháp lý thuộc ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump. Hiện nhóm này đang đẩy nhanh tiến độ của cuộc chiến pháp lý tại các bang tuyên bố ông Biden chiến thắng, đồng thời đệ đơn kiện phe Dân chủ gian lận lên Tòa án Tối cao.
Luật sư riêng của ông Trump, ông Rudy Giuliani, cũng thể hiện quyết tâm sẽ tìm ra hành vi gian lận của phe Dân chủ và kiện cáo đến cùng.
Theo ông Giuliani, nhóm pháp lý của Tổng thống Trump hiện đã thu thập đủ bằng chứng để lật ngược chiến thắng sít sao của ông Biden tại 2 bang Pennsylvania và Michigan. (Fox News, RT)
TIN LIÊN QUAN | |
PHÂN TÍCH. Kết quả bầu cử Mỹ 2020: ông Joe Biden thắng, vì sao? |
Xung đột Armenia-Azerbaijan
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mời Nga thành lập nhóm làm việc song phương về Karabakh
Ngày 9/11, hãng CNN dẫn một nguồn tin ngoại giao đưa tin, trong một cuộc điện đàm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã mời người đồng cấp Nga Putin thành lập một nhóm làm việc song phương về giải quyết khủng hoảng Karabakh, ngoài nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Theo Điện Kremlin, các nhà lãnh đạo đã khẳng định cam kết hợp tác để tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan. Ông Putin đã hoan nghênh đề nghị của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và các cuộc đàm phán song phương về giải quyết khủng hoảng Karabakh có thể được khởi xướng trong những ngày tới.
Nhóm làm việc mới được cho tập trung vào các biện pháp đã được công bố sau một lệnh ngừng bắn.(Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Armenia-Azerbaijan: Baku tuyên bố làm chủ hoàn toàn thủ đô văn hóa, Yerevan 'cầu viện' ông Biden |
Tình hình Belarus
Nga trông đợi Belarus trả đũa EU, Tổng thống Lukashenko cam kết tổ chức lại tổng tuyển cử
Một nguồn tin cho biết, Mocow đang trông đợi Belarus đưa ra những biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko khẳng định, ông đảm bảo tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới nếu được người dân chấp thuận.
Kênh Telegram “Pool 1” của Văn phòng báo chí Phủ Tổng thống Belarus dẫn lời ông Lukashenko nói: “Một số người yêu cầu chúng tôi tổ chức cuộc bầu cử mới. Tôi đảm bảo với các bạn sẽ có cuộc bầu cử mới khi các bạn đưa ra quyết định. Tôi đảm bảo”. (Interfax, TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga vào vai ‘anh cả’ trong câu chuyện Belarus và Armenia-Azerbaijan ? |
Nhật Bản-Hàn Quốc
Nhật Bản đánh giá cao chuyến thăm của Giám đốc Tình báo Quốc gia Hàn Quốc
Ngày 9/11, Đài truyền hình KBS của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin chính phủ cho biết, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) Park Jie-won đang thăm Nhật Bản để thảo luận về vụ kiện của các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến và vấn đề Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu với Hàn Quốc.
Theo KBS, ông Park dự kiến sẽ có các cuộc hội đàm với Tổng thư ký đảng cầm quyền Dân chủ Tự do Nhật Bản Nikai Toshihiro và Giám đốc Văn phòng Tình báo thuộc Văn phòng Nội các Nhật Bản, Hiroaki Takizawa.
Nhật Bản đã hoan nghênh chuyến thăm của ông Park Jie-won. Tokyo đánh giá đây là sự kiện đầy ý nghĩa, là cơ hội để thảo luận các mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Seoul và Tokyo. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Căng thẳng Nhật - Hàn: Tokyo nới lỏng hạn chế xuất khẩu, Seoul nói chưa đủ |
Phlippines-Trung Quốc
Philippines 'lệnh' bỏ phiếu cho Trung Quốc tại Tòa án Công lý Quốc tế
Ngày 8/11, Philstar đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines đã yêu cầu phái bộ của nước này tại Liên hợp quốc (LHQ) bỏ phiếu cho ứng viên Trung Quốc vào một trong 5 ghế sẽ trống vào năm sau tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin viết trên mạng Twitter: "Các vị được yêu cầu bỏ lá phiếu của Philippines cho ứng viên Trung Quốc trước Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Đó là chỉ thị rõ ràng".
4 trong 8 ứng viên cạnh tranh vào 5 ghế trống là thẩm phán ICJ tái tranh cử vì họ sẽ mãn nhiệm vào ngày 5/2/2021. Một trong 4 người là thẩm phán Trung Quốc Tiết Hãn Cầu, phó chủ tịch ICJ.
ICJ là tòa án cao nhất của LHQ về giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, gồm 15 thẩm phán được Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an bầu chọn với nhiệm kỳ 9 năm. Các thẩm phán đều được phép tái tranh cử.
Theo hãng tin Reuters, một tài liệu của LHQ hôm 29/6 cho thấy, Philippines đã đề cử một ứng viên khác là thẩm phán Nhật Bản Yuji Iwasawa thay vì bà Tiết. Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng, nước này có thể ủng hộ nhiều hơn một ứng viên tại cuộc bỏ phiếu ngày 11/11 vì sẽ có 5 vị trí trống. (Philstar, Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Philippines dừng kế hoạch đưa dân quân ra Biển Đông |
Bầu cử Myanmar
Liên minh cầm quyền tuyên bố giành đủ số ghế để thành lập chính phủ
Ngày 9/11, Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền tại Myanmar của bà Aung San Suu Kyi tuyên bố đảng này đã giành đủ số ghế tại quốc hội để thành lập chính phủ mới.
Tuyên bố được đưa ra sau khi nhận được thông tin ban đầu dựa trên kết quả kiểm phiếu không chính thức của cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11 cho thấy, đảng này đã có được 322 ghế cần thiết để giành thế đa số tuyệt đối tại quốc hội.
Đến thời điểm 15h00 ngày 9/11 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban bầu cử Myanmar vẫn chưa công bố bất kỳ kết quả chính thức. (Reuters)
| Cập nhật Covid-19 ngày 9/11: Thế giới ghi nhận kỷ lục 3,9 triệu ca nhiễm trong 1 tuần, đại dịch ở Mỹ 'đua' độ nóng với bầu cử TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận 50.731.151 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.261.980 trường hợp tử vong và ... |
| Trở thành nữ Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên của Mỹ, bà Kamala Harris nói gì? TGVN. Bà Kamala Harris, nữ Phó Tổng thống Mỹ đắc cử đã có một bài phát biểu đầy tình cảm để gửi đến người dân ... |
| Bầu cử Tổng thống Mỹ: 'Sắc xanh Dân chủ' có phải màu của hy vọng? TGVN. Nước Mỹ chia rẽ sâu sắc trong bầu cử, “trao cho thế giới một Tổng thống mới”. Thế giới đan xen giữa hy vọng ... |