Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Mỹ thêm 10 công ty Trung Quốc vào "danh sách đen"
Ngày 9/7, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ bổ sung ít nhất 10 công ty Trung Quốc vào "danh sách đen" và đưa ra các lệnh trừng phạt kinh tế với các thực thể này.
Bộ này còn có kế hoạch trừng phạt thêm 14 công ty Trung Quốc khác, nhưng chưa tiết lộ đích danh tên công ty hay ngày đưa ra lệnh trừng phạt.
Thông thường, các công ty bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" sẽ buộc phải xin giấy phép từ Bộ Thương mại và chịu sự giám sát gắt gao khi xin phép nhận hàng từ các nhà cung cấp Mỹ.
Phản ứng về động thái này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các công ty của mình.
Việc bổ sung vào Danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ là một phần trong nỗ lực đang triển khai của chính quyền Tổng thống Biden nhằm buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các vụ vi phạm nhân quyền. (Reuters/THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Bị đưa vào danh sách đen kinh tế, doanh nghiệp dệt may Trung Quốc kiện chính phủ Mỹ |
Mỹ ra hạn chót rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết quân đội Afghanistan có khả năng đẩy lùi Taliban, lực lượng mà những động thái gần đây đã làm dấy lên lo ngại rằng Afghanistan có thể rơi vào cuộc nội chiến.
Ông Biden đã đặt mục tiêu là ngày 31/8 cho đợt rút quân cuối cùng của lực lượng Mỹ.
“Chúng ta đã đạt được những mục tiêu đó và đây là lý do tại sao chúng ta rút đi. Chúng ta không đến Afghanistan để xây dựng đất nước. Người dân Afghanistan có quyền và trách nhiệm quyết định tương lai của họ và cách họ muốn điều hành đất nước của mình”, Tổng thống Biden nhấn mạnh.
TIN LIÊN QUAN | |
Bất ổn ở Afghanistan: Nga tuyên bố sẵn sàng huy động mọi năng lực quân sự, Taliban chiếm cửa khẩu lớn nhất sang Iran |
Taliban mời Trung Quốc vào đầu tư ở Afghanistan
Ngày 7/7, người phát ngôn của Taliban Suhail Shaheen khẳng định rằng, tổ chức này coi Trung Quốc là một người bạn của Afghanistan và hy vọng sẽ tổ chức đàm phám với Bắc Kinh về đầu tư trong thời gian sớm nhất.
Ông Suhail cũng nói rằng Taliban hiện kiểm soát 85% diện tích Afghanistan và điều này sẽ bảo đảm sự an toàn cho các nhà đầu tư và công nhân Trung Quốc nếu họ trở lại.
Cùng ngày, Taliban tuyên bố đã kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan, cũng như đang thảo luận với chính phủ và sẽ ngừng tiến hành các cuộc tấn công nếu tiến trình đàm phán giữa hai bên ở Doha diễn ra thành công. (SCMP)
TIN LIÊN QUAN | |
Taliban phát động tấn công, tỉnh miền Tây Afghanistan thất thủ, Nga sẵn sàng vào cuộc |
Quan hệ Nga-Mỹ: Đặc phái viên Mỹ sẽ thăm Nga
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Khí hậu John Kerry sẽ đến thăm Moscow, Nga từ ngày 12-15/7 tới, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Cụ thể, ông Kerry gặp các quan chức trong chính phủ Nga để thảo luận về các biện pháp nhằm thúc đẩy tham vọng khí hậu toàn cầu.
Bộ Ngoại giao Nga cũng xác nhận, Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ có một cuộc gặp với ông Kerry trong tuần tới. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Tàu kéo vũ trụ hạt nhân của Nga có thể vô hiệu hóa vệ tinh đối phương |
Mỹ đưa tàu tấn công đổ bộ vào Biển Đen
Mỹ đã điều một tàu vận tải đổ bộ tới Biển Đen để tham gia tập trận cùng các đồng minh NATO, Hạm đội 6 của Mỹ thông báo hôm 8/7, giữa bối cảnh mối lo ngại về một cuộc xung đột khu vực ngày càng gia tăng.
Theo các chỉ huy, Tàu Hải quân Mỹ Yuma, một tàu vận tải viễn chinh lớp Spearhead "bắt đầu lộ trình theo hướng bắc vào Biển Đen để phối hợp cùng các đồng minh NATO và đối tác của chúng tôi". Tàu này có thể vận chuyển cả một đại đội Thủy quân Lục chiến Mỹ và được trang bị đầy đủ để triển khai máy bay và cho phép các phương tiện sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.
Theo đó, tàu Yuma sẽ tham gia vào cuộc tập trận Sea Breeze 2021, dự kiến kết thúc vào ngày 10/7 tới. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga phản pháo 'cứng' sau tuyên bố thách thức từ Anh: Sẽ đáp trả thích đáng! |
Máy bay Mỹ theo dõi thử tên lửa S-500
Theo các tài liệu trên cổng thông tin quân sự, lực lượng Không quân Mỹ có thể đã cố gắng theo dõi các vụ thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không S-500 của Nga từ Biển Đen.
Cổng thông tin Avia.pro viết rằng, trong khoảng thời gian S-500 được đang thử nghiệm, các chuyến bay thường xuyên của máy bay trinh sát Mỹ đã xuất hiện ở khu vực Đông Bắc của Biển Đen.
Gần đây, một máy bay chiến đấu Su-30 của Nga cũng đã buộc một máy bay tuần tra của Mỹ phải bỏ chạy trên Biển Đen, đây rất có thể là phương tiện trinh sát mà Mỹ đã điều động để theo dõi Nga thử vũ khí. (Reuters/Avia.pro)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa phòng không S-500 |
Hết Mỹ, Nga lại phải "đuổi" máy bay Pháp
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, ngày 8/7, không quân nước này đã gửi một máy bay chiến đấu Su-27 thuộc biên chế Hạm đội Baltic nhằm hộ tống một máy bay trinh sát Atlantic-2 của Không quân Pháp rời khỏi vùng trời Biển Baltic.
Theo Bộ trên, máy bay Su-27 trong quá trình "hộ tống" trinh sát cơ Atlantic-2 đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế về việc sử dụng không phận.
Vụ việc xảy ra chỉ hai ngày sau khi máy bay tuần tra Boeing P-8 Poseidon của Mỹ có ý định tiến gần không phận Nga trên Biển Đen, buộc hạm đội Nga đóng ở khu vực này phải điều hai tiêm kích Su-30SM lên đánh chặn. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga nổi nóng, phản pháo cực gắt sau vụ quan chức Pháp kêu gọi EU không công nhận vaccine Covid-19 Nga |
Ukraine kêu gọi ngăn chặn Dòng chảy phương Bắc 2
Phát biểu tại Diễn đàn “Chính trị quốc tế Ukraine 30”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Liên minh châu Âu và Mỹ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn việc hoàn thành dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).
Tổng thống Ukraine cho rằng, đường ống này sẽ trở thành vũ khí năng lượng chính để Nga có thể chống lại Kiev và EU.
Đồng thời, ông cũng nêu ra tình trạng hệ thống đường ống dẫn khí ở Ukraine đang rất tồi tệ do đã xuống cấp và thiếu kinh phí để nâng cấp, sửa chữa và tối ưu hóa chúng. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Thông điệp thẳng thừng của Tổng thống Nga Putin dành cho Đức: Hãy quên Ukraine đi! |
Haiti rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị
Vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise đã khiến cả đất nước Haiti choáng váng. Trầm trọng hơn, tình trạng rối loạn trong giới lãnh đạo đang đẩy người dân vào tương lai bất định.
Tổng thống Moise bị ám sát trong bối cảnh Haiti đang rơi vào tình trạng bất ổn khi nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ đang bị để trống. Quốc hội nước này cũng đã bị giải tán.
Thủ tướng lâm thời Claude Joseph cho biết ông đã chỉ huy cảnh sát và quân đội. Tuy nhiên, hai ngày trước khi bị ám sát, Tổng thống Moise đã bổ nhiệm tiến sĩ thần kinh học Ariel Henry làm thủ tướng mới.
Ông Henry tuyên bố rằng mình là thủ tướng hợp pháp. “Đó không phải là một chính phủ chính thức. Nếu không cần một chính phủ khác, Tổng thống Jovenel Moise đã không tìm tôi”, ông Henry nói với tờ Le Nouvelliste.
“Claude Joseph không phải là thủ tướng. Ông ấy là một phần của chính phủ do tôi lãnh đạo”, ông khẳng định.
Trong khi đó, ngày 8/7, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố rằng ông Claude Joseph là thủ tướng đương nhiệm của Haiti vào thời điểm diễn ra tại vụ ám sát. Vì vậy, chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với ông Joseph.
Tuy nhiên, ông Price nói thêm rằng Mỹ cũng đã liên lạc với ông Henry và kêu gọi tất cả các quan chức Haiti làm việc cùng nhau để kiềm chế bạo lực. (New York Times)
TIN LIÊN QUAN | |
Vụ ám sát Tổng thống Haiti: Tiết lộ thông tin nhóm tội phạm, có cả người Mỹ; đội cận vệ bị thẩm vấn |
EU kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022
Các nghị sĩ châu Âu ngày 8/7 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết không bắt buộc, kêu gọi tẩy chay ngoại giao đối với Olympic mùa Đông 2022 tổ chức tại Bắc Kinh – Trung Quốc, với các cáo buộc rằng Trung Quốc vi phạm nhân quyền.
Nghị quyết 28 điểm kêu gọi Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu cũng như các quốc gia thành viên EU “từ chối các lời mời đại diện chính phủ cũng như các nhà ngoại giao tham dự Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh, trừ khi Trung Quốc chứng tỏ được sự cải thiện rõ ràng và được kiểm chứng về tình hình nhân quyền tại Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông cũng như các nơi khác tại Trung Quốc”.
Ngoài lời kêu gọi tẩy chay ngoại giao với Olympic Bắc Kinh 2022, nghị quyết của Nghị viện châu Âu cũng kêu gọi gia tăng trừng phạt đối với Trung Quốc, cung cấp visa khẩn cấp cho các nhà báo Hong Kong (Trung Quốc) cũng như các biện pháp ủng hộ khác giúp công dân Hong Kong (Trung Quốc) chuyển đến sinh sống tại châu Âu. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Covid-19: Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo |
Triều Tiên từ chối vaccine AstraZeneca
Ngày 9/7, theo Viện Chiến lược An ninh Quốc gia (INSS) cùng Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) của Hàn Quốc, Triều Tiên đã từ chối vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca, được cung cấp thông qua chương trình tiêm chủng COVAX, do lo ngại về những tác dụng phụ tiềm ẩn, và thay vào đó Bình Nhưỡng có thể sẽ nhắm tới vaccine do Nga chế tạo.
INSS và NIS cho biết thêm dường như Triều Tiên cũng không mấy mặn mà với vaccine do Trung Quốc sản xuất do hoài nghi mức độ hiệu quả và an toàn của loại vaccine này.
Trong một báo cáo, INSS nói: "Khi Triều Tiên từ chối tiếp nhận vaccine, theo kế hoạch được cung cấp thông qua COVAX, do lo ngại tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca, họ đã cân nhắc tới việc có được các loại vaccine thay thế".
INSS cho rằng kể cả khi Triều Tiên có được vaccine Pfizer và Moderna thì họ cũng vấp phải khó khăn trong việc bảo quản lạnh số vaccine đó, do tình trạng thiếu điện nghiêm trọng của nước này. (Yonhap)
| Ngoại giao công chúng: Câu trả lời cho chiến thuật vùng xám ở Biển Đông? Mỹ và các nước Đông Nam Á có các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh với Trung Quốc ở Biển Đông gặp khó khăn trong ... |
| Mỹ: Cứ 5 bệnh nhân Covid-19 thì có 3 trường hợp liên quan biến chủng Delta Với khả năng lây lan nhanh chóng, biến thể Delta đang trở thành mối đe dọa tại Mỹ khi chiếm phần lớn số ca mắc ... |