Đáng chú ý, người dân Nga theo dõi chặt chẽ chiến dịch bầu cử ở Ukraine, nguyên nhân xuất phát từ mối quan hệ kinh tế-xã hội và truyền thống văn hóa bền chặt trong lịch sử giữa hai nước.
Đến lúc này, Ủy ban Bầu cử Trung ương Ukraine (SIK) đã công bố kết quả vòng sơ bộ của cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine. Diễn viên hài Volodymyr Zelensky với hơn 30% phiếu bầu và đương kim Tổng thống Petro Poroshenko - 16,6% phiếu bầu sẽ là 2 ứng cử viên bước vào vòng bầu cử tiếp theo, dự kiến diễn ra vào ngày 21/4 tới.
Volodymyr Zelensky, diễn viên hài 41 tuổi, đang là ứng cử viên với tỷ lệ ủng hộ dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine. (Nguồn: Reuters). |
Theo cuộc thăm dò mới nhất của Trung tâm nghiên cứu dư luận Nga (VTsIOM), 79% người dân Nga biết về cuộc bầu cử Ukraine và 18% số người theo dõi nó. Tuy nhiên, đến 68% người Nga tỏ ra hoài nghi về kết quả bầu cử, tin rằng nó sẽ bị làm sai lệch bởi chính quyền Ukraine; hơn một nửa số người tham gia khảo sát (59%) không tin rằng quan hệ giữa hai nước sẽ được cải thiện sau cuộc bầu cử. Thái độ của giới tinh hoa chính trị Nga đối với cuộc bầu cử cũng thay đổi từ trung lập đến hoài nghi.
Vai trò của quan hệ Nga - EU
Các cuộc thảo luận công khai của giới chuyên gia phương Tây hầu hết dự đoán Nga sẽ tìm cách tác động đến kết quả bầu cử Ukraine. Trong cuộc Cách mạng Cam năm 2004, chiến lược hỗ trợ ứng cử viên thân Nga từng được thực hiện. Trong chiến lược dài hạn, Nga chắc chắn quan tâm đến việc chuyển từ đối đầu và cực đoan với Ukraine sang đối thoại mang tính xây dựng với Tổng thống mới đắc cử của đất nước này.
Ứng cử viên Yulia Tymoshenko, lãnh đạo đảng Batkivshchina, tuyên bố tại các cuộc đàm phán đa phương: "Chúng tôi đề nghị tiến hành ngay lập tức công việc theo định dạng Budapest. Theo tôi, Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức, Tổng thống Ukraine và Tổng thống Nga nên tham gia. Đây là các quốc gia bảo lãnh cho Ukraine bằng cách ký Biên bản ghi nhớ Budapest". Biên bản Ghi nhớ Budapest quy định các bên “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Hình ảnh nữ ứng cử viên Yulia Tymoshenko tại miền ĐôngUkraine. (Nguồn: The Atlantic) |
Ứng cử viên Vladimir Zelensky cho rằng, để đạt được hòa bình ở Donbass cần phải đàm phán với Nga.
Trong khi đó, ứng cử viên tạm xếp hạng hai Petro Poroshenko vẫn giữ lập trường cương quyết với Nga, bày tỏ thái độ đối đầu với Nga trong chiến dịch tranh cử. Cuối tháng Ba, ông đã phát biểu về điều kiện để có thể đàm phán với Nga: "Có thể tiến hành các cuộc đàm phán song phương hay không? Vâng, tất nhiên là có, chúng tôi là một quốc gia độc lập có chủ quyền. Nhưng liệu Ukraine có yếu đi nếu không có sự hỗ trợ của các đối tác toàn cầu trong liên minh thân Ukraine không? Rõ ràng là sẽ yếu hơn", ông Poroshenko tỏ rõ lập trường "thân phương Tây" của mình.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, trên thực tế thái độ của Kiev với Moscow phụ thuộc chặt chẽ vào mối quan hệ giữa Nga và EU. Yếu tố cá nhân của Tổng thống sắp tới sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ Nga - Ukraine.
Kịch bản cho quan hệ Nga - Ukraine
Trong bối cảnh nói trên, Tổng Giám đốc của Hội đồng Nga về Vấn đề quốc tế Andrey Kortunov đưa ra 3 kịch bản cho triển vọng quan hệ giữa Nga - Ukraine.
Trong trường hợp ứng cử viên thân Nga đắc cử, Moscow sẽ ủng hộ ứng cử viên này. Tuy nhiên, Nga đã tuột mất cơ hội này. Trước đó, truyền thông và các chính trị gia phương Tây tin tưởng vào phương án này hơn cả, trong khi các chuyên gia Nga cho rằng nó ít khả năng xảy ra. Tại Ukraine nói chung phản ứng tiêu cực với các lời lẽ hoa mỹ về Nga. Vì vậy, ngay cả Y. Boyko - ứng cử viên thân Nga - cũng khá thận trọng với những phát ngôn của mình. Ông Boyko đã về vị trí thứ 4 trong cuộc đua tổng thống.
Kịch bản thứ hai là Nga không công nhận cuộc bầu cử ở Ukraine là hợp pháp. Vào tháng 2, Quốc hội Ukraine đã cấm công dân Nga có mặt tại các cuộc bầu cử với tư cách là quan sát viên, chính điều luật này đã cho các nghị sĩ Nga cơ sở để không công nhận kết quả của cuộc bầu cử.
Chiến lược không công nhận các cuộc bầu cử có thể cho Nga thời gian cố kết lực lượng trước cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine (dự kiến diễn ra vào tháng 10/2019). Trong quá trình này, Moscow có thể trông cậy vào một số lực lượng chính trị nhất định. Việc thực hiện kịch bản này sẽ đặt cuộc xung đột Nga - Ukraine vào trạng thái đóng băng và có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt mới từ phương Tây.
Người dân Ukraine thực hiện quyền công dân tại một điểm bầu cử ở Kiev. (Nguồn: CNN) |
Thứ ba, kịch bản thực tế nhất là Nga sẽ công nhận kết quả bầu cử. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định: "Dẫu sao chúng tôi cũng tin rằng không còn cách nào khác và dù sao thì chúng tôi vẫn phải đồng ý (kết quả bầu cử). Tôi hy vọng rằng những người lãnh đạo đất nước (Ukraine) trong tương lai, dù là ai, sẽ hiểu rằng không có con đường nào khác ngoài hòa bình. Ngoài ra, Thỏa thuận Minsk cần được thực thi".
Mức độ thành công của các cuộc đàm phán của Nga với Tổng thống Ukraine mới còn phụ thuộc vào một số điều kiện. Ví dụ, lập trường của ông Poroshenko về việc này phụ thuộc rất nhiều vào EU và Mỹ, mà bởi vậy cục diện chung của khu vực có thể trở nên thuận lợi hơn. Nếu một ứng cử viên khác ngoài Tổng thống đương nhiệm, mà hiện nay chỉ còn có thể là V. Zelensky thì Moscow sẽ có nhiều cơ hội hơn để thực thi chính sách. Hiện tại, Nga sẽ phải chờ những diễn biến tiếp theo của vòng 2 bầu cử Ukraine vào ngày 21/4 tới.