Tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ tuyên bố lệnh thiết quân luật vào đêm 3/12. (Nguồn: Yonhap) |
Hành động lợi bất cập hại
Lý giải việc phải đưa ra sắc lệnh đột ngột này, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho rằng Đảng Dân chủ (DP), đảng đối lập chính tại Quốc hội đang có những động thái có thể có lợi cho Triều Tiên và có các hoạt động chống lại nhà nước. Để ngăn chặn tình trạng có thể vượt tầm kiểm soát, sắc lệnh của Tổng thống cấm các cuộc biểu tình và hoạt động của các đảng phái chính trị, yêu cầu đặt tất cả phương tiện truyền thông dưới sự kiểm soát của quân đội.
Ngay sau khi sắc lệnh được ban bố, quân đội, cảnh sát được triển khai quanh tòa nhà Quốc hội, trên các đường phố ở Seoul và những địa điểm trọng yếu. Một bầu không khí ngột ngạt đã bao phủ thủ đô. Nhiều người Hàn Quốc đã liên tưởng đến một thời kỳ ảm đạm đang đến...
Tuy nhiên, vào rạng sáng ngày 4/12, đích thân Tổng thống Yoon đã phải tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật theo yêu cầu của Quốc hội mà DP đang kiểm soát quá bán số ghế. Trong số những người phản đối lệnh thiết quân luật và ngả về phe đối lập, còn có cả các nghị sĩ thuộc Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) của Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Phát biểu tối 3/12 khi ban bố thiết quân luật, ông Yoon Suk Yeol đã "kể tội" phe đối lập tại Quốc hội, cáo buộc họ thiết lập "chế độ độc tài lập pháp" khi ngăn chặn và cắt giảm đề xuất ngân sách của Chính phủ. Những việc này, theo ông chủ Nhà Xanh, đã làm tê liệt ngành tư pháp Hàn Quốc, làm suy yếu các chức năng thiết yếu của nhà nước, biến đất nước này thành thiên đường của tội phạm ma túy trong khi người dân đối mặt với khủng hoảng sinh kế.
Xung đột âm ỉ
Tuyên bố của ông Yoon Suk Yeol phản ánh sự căng thẳng giữa chính quyền của ông với DP. Trên thực tế, ngọn lửa đối đầu giữa DP với PPP đã âm ỉ từ lâu, đặc biệt từ sau cuộc bầu cử năm 2022. Trong cuộc bầu cử này, ông Yoon Suk Yeol đã thắng đối thủ Lee Jae Myung của DP khoảng 240.000 phiếu bầu. Chiến thắng này là một trái đắng cho DP, khiến họ từ vị thế đảng cầm quyền (Tổng thống Moon Jae In của DP nắm quyền từ tháng 5/2017 đến tháng 5/2022) trở thành đảng đối lập.
Tuy nhiên, dù là phe đối lập nhưng DP lại chiếm đa số ghế tại Quốc hội. Sự chênh lệch ghế tại Quốc hội càng được nới rộng khi DP giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử tháng 4/2024 với 161/254 ghế trong khi PPP chỉ nắm được 90 ghế. Vì điều này, chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã phải đối mặt hết trở ngại này tới rào cản khác tại Quốc hội trong các vấn đề về ngân sách, quản lý nhà nước, luật pháp, cải cách thuế… khiến ông không thể thực hiện thực hóa các cam kết trong chiến dịch tranh cử.
Quan trọng hơn, DP cũng chủ trương mềm dẻo với Bình Nhưỡng trong khi vị tổng thống thứ 13 của Hàn Quốc lại có quan điểm cứng rắn với người láng giềng phía Bắc và xích lại gần hơn với Washington.
Thế nhưng, việc DP kiểm soát Quốc hội và luôn có những động thái cản bước đảng cầm quyền cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Sâu xa hơn, đó là sự cạnh tranh chính trị giữa các đảng phái để củng cố vị thế, mở đường cho người của đảng tiếp tục ở lại Nhà Xanh.
Hiến pháp Hàn Quốc hiện hành quy định mỗi tổng thống đắc cử chỉ được có một nhiệm kỳ và không quá năm năm. Bởi thế, để duy trì quyền lực cầm quyền của đảng, các tổng thống luôn tìm cách củng cố uy tín và dọn đường cho các ứng viên cùng đảng trong khi tìm sơ hở để chỉ trích đối phương nhằm chiếm ưu thế, nhất là khi sắp tổ chức bầu cử.
Người dân Hàn Quốc biểu tình tại thủ đô Seoul, ngày 4/12. (Nguồn: Yonhap) |
Kịch bản không mong muốn
Sự cạnh tranh khốc liệt này đã được Giáo sư Cho Youngho ở Đại học Sogang ví von rằng chính trường Hàn Quốc “là một vũ đài của những võ sĩ giác đấu”. Trong khi đó, các nhà quan sát cho rằng, việc Tổng thống Yoon Suk Yeol phải ban bố tình trạng thiết quân luật là “giọt nước tràn ly” sau những căng thẳng giữa chính quyền của ông với phe đối lập. Việc làm “bất đắc dĩ” này của Tổng thống lại là một cơ hội thuận lợi để phe đối lập và ngay cả một số nghị sĩ thuộc PPP chỉ trích và nhân cơ hội này thể hiện với cử tri rằng họ luôn lắng nghe nhằm giữ được ghế cho kỳ bầu cử tới.
Theo Yonhap, không chỉ buộc bãi bỏ giới nghiêm, phe DP còn yêu cầu đương kim Tổng thống phải từ chức ngay lập tức bởi hành động “vi hiến” trong đêm 3/12 của ông là cơ sở để khởi động tiến trình luận tội tiến tới bãi nhiệm. Căng thẳng tiếp tục leo thang khi chiều 4/12, DP cùng năm đảng đối lập nhỏ đã trình bản kiến nghị có chữ ký của 192 nghị sĩ đối lập đề nghị luận tội Tổng thống lên Quốc hội nhưng không có được sự ủng hộ nào từ các thành viên PPP.
Theo Hiến pháp, để luận tội một tổng thống đương nhiệm cần phải được đa số Quốc hội đề xuất và có 2/3 trong số 300 nhà lập pháp chấp thuận. Hiện DP và các đảng đối lập khác có 192 ghế. Do đó, cần ít nhất 8 nghị sĩ PPP để bản kiến nghị được thông qua. Mặc dù một số thành viên PPP bỏ phiếu ủng hộ dỡ bỏ thiết quân luật của Tổng thống, nhưng chưa chắc chắn liệu họ có đứng về phía đối lập để ủng hộ luận tội hay không. Bản kiến nghị được đối lập đệ trình lên Quốc hội vào ngày 5/12 và biểu quyết vào ngày 6/12 hoặc 7/12. Nếu bản kiến nghị được thông qua, đề xuất phế truất sẽ được chuyển lên Tòa án Hiến pháp để quyết định liệu có phế truất Tổng thống hay không. Trong quá trình này, Tổng thống sẽ bị đình chỉ thực thi quyền lực và Thủ tướng sẽ tạm thời đảm nhận trách nhiệm của Tổng thống.
Với những gì đang diễn ra, có thể thấy rằng Tổng thống Yoon Suk Yeol đang đối mặt với áp lực rất lớn và phải đứng trước 2 lựa chọn nghiệt ngã mà phe đối lập đặt ra cho ông: Từ chức hoặc đối mặt với luận tội. Liệu vị đương kim Tổng thống và những người ủng hộ ông sẽ hoá giải bài toán hóc búa thế nào là câu hỏi không dễ gì trả lời lúc này.
Cả hai kịch bản mà phe đối lập đang gây áp lực lên Tổng thống Yoon Suk Yeon và hướng tới là buộc ông phải rời khỏi ghế ông chủ Nhà Xanh. Hãy xem ông Yoon Suk Yeol và đồng minh hóa giải bài toán hóc búa này thế nào!