Theo ông Jusuf Wanandi, mặc dù công dân Mỹ có quyền lựa chọn Tổng thống của họ nhưng với sự hiện diện của Mỹ trên toàn cầu, bản thân ông và mọi người trên thế giới cũng hoàn toàn có thể bày tỏ ý kiến của riêng mình khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang sắp tới một thời khắc lịch sử quan trọng.
Hiện tượng Donald Trump ở nước Mỹ
Toàn cầu hóa đã mang lại những thay đổi lớn cho thế giới. Tuy nhiên, không phải sự thay đổi nào cũng tích cực mà còn chứa đựng cả những điều tiêu cực, bao gồm khoảng cách giàu nghèo, tỷ lệ thất nghiệp tăng và tương lai không có gì hứa hẹn với nhiều người bị tụt lại phía sau toàn cầu hóa.
Bà Clinton rõ ràng là sự lựa chọn của cộng đồng quốc tế. (Nguồn: AP) |
Điều này khiến một bộ phận không ít người dân chán nản, dẫn tới nhiều sự kiện đi ngược lại quá trình toàn cầu hóa gần đây diễn ra trên thế giới như sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), sự hồi sinh cánh hữu ở Đức, Pháp và bây giờ là hiện tượng tỉ phú Donald Trump ở Mỹ. Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi còn là sản phẩm của sự bế tắc liên quan vấn đề chủng tộc, tôn giáo, gây ra hệ lụy di cư, tị nạn và khủng bố quốc tế. Khi người dân thất vọng với hệ thống kinh tế - chính trị đang tồn tại, họ mong muốn có sự thay đổi và ông Trump chính là “làn gió mới” mà họ cần. Đó là lý do vì sao ông Trump nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân Mỹ.
Ai phù hợp hơn?
Tuy nhiên, vấn đề chính đặt ra là liệu ông Donald Trump có phù hợp để trở thành Tổng thống mới của Mỹ hay không? Theo chuyên gia Jusuf Wanandi, trong suốt chiến dịch vận động tranh cử hay quá trình tranh luận, ông Donald Trump thường xuyên tỏ ra "thiếu hiểu biết", thiếu nhất quán về quan điểm và coi thường phụ nữ. Tại cuộc tranh luận lần thứ ba ở Las Vegas vừa qua, ông Trump đã gọi bà Hillary Clinton là "người phụ nữ khó chịu" và nói có thể không chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử.
Rõ ràng, Mỹ là một cường quốc hàng đầu thế giới nên có lẽ cũng cần quan tâm đến dư luận quốc tế. Với hiện tượng ủng hộ tỷ phú Trump, thế giới dường như đang đặt câu hỏi về chuyện gì đang xảy ra ở Mỹ? Nếu ông Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ, khả năng cao Mỹ sẽ đánh mất uy tín của mình trên thế giới và tình trạng hỗn loạn, xung đột có thể dễ dàng bùng nổ trong tương lai.
Theo ông Wanandi, nếu so sánh với ông Trump, dẫu có những thiếu sót riêng (vụ bê bối thư điện tử), bà Clinton vẫn vượt trội hơn trong việc thể hiện nhân cách của mình với cộng đồng quốc tế. Chính sách đối ngoại của bà Clinton rõ ràng, mạch lạc khi còn là Ngoại trưởng Mỹ. Đồng thời, bà Clinton cũng quyết đoán hơn trong quan hệ với Trung Quốc và là người ủng hộ tự do thương mại.
Sự công nhận bà Clinton ở trong và ngoài nước Mỹ, đặc biệt liên quan đến các mối quan hệ quốc tế, chính là sự chuẩn bị tốt nhất để bà Clinton có thể trở thành Tổng thống kế nhiệm của nước Mỹ.
Cá nhân ông Wanandi hy vọng rằng chiếc ghế làm chủ Nhà Trắng sẽ thuộc về bà Clinton thay vì ông Trump bởi vì nếu ông Trump đắc cử, tương lai của Mỹ nói riêng và thế giới nói chung sẽ “thật đáng thất vọng”.