Vào những năm 50 của thế kỷ trước, một nửa hàng nhập khẩu và 80% đầu tư nước ngoài của Ấn Độ đến từ Anh quốc. Ngày nay, Anh chỉ đứng thứ 13 trong số các đối tác thương mại của Ấn Độ, chiếm 2% sản lượng thương mại của quốc gia Nam Á. Các công ty của Anh vẫn có những khoản đầu tư lớn ở Ấn Độ, song những thương hiệu nổi tiếng như xe hơi Jaguar Land Rover, trà Tetley và thậm chí Công ty Đông Ấn (East India) giờ đây cũng được chuyển sang các chủ sở hữu mới là người Ấn Độ.
Chủ nhà không mấy mặn mà
Trong ba ngày (6-8/11) vừa qua, Thủ tướng Anh Theresa May có chuyến đi đến Ấn Độ, và đây cũng là chuyến công du ngoài châu Âu đầu tiên của bà chủ số 10 phố Downing. Động thái này được giới chuyên gia đánh giá là nhằm chuẩn bị cho tương lai hậu Brexit, bằng cách hồi sinh các mối quan hệ quốc tế truyền thống đồng thời nỗ lực đạt được các thỏa thuận mới. Tuy nhiên, bất chấp những thiện chí từ London, những nhà lãnh đạo chủ nhà lại tỏ ra không mấy mặn mà với những đề nghị của bà May.
Thủ tướng Anh Theresa May gặp người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi, ngày 7/11. (Nguồn: The Telegraph) |
Bà May mong muốn tập trung thảo luận hợp tác thương mại và đầu tư với các đối tác Ấn Độ. Tuy nhiên, các quan chức Chính phủ Ấn Độ cũng như giới doanh nghiệp nước này đều tỏ ra e ngại về tương lai và vị thế của Anh quốc, một khi “xứ sở sương mù” chưa thoát ra khỏi những rắc rối với Liên minh châu Âu (EU).
Trên thực tế, chính phủ Ấn Độ dường như ít quan tâm tới các thỏa thuận thương mại. Ví dụ, quá trình đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do Ấn Độ - EU bắt đầu từ năm 2007 đã bị đình trệ vào năm 2013. Năm ngoái, New Delhi cũng từ chối tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đầu năm 2016 này, Ấn Độ cũng thông báo với 57 quốc gia đối tác rằng New Delhi đang xem xét việc chấm dứt hoặc đàm phán lại các hiệp định bảo vệ đầu tư song phương. Theo quan điểm của Ấn Độ, các nhà đầu tư nước ngoài cần giải quyết tranh chấp đầu tư tại các tòa án của Ấn Độ trước khi đưa vấn đề ra các tòa trọng tài quốc tế.
Bất đồng trong chính sách visa
Thay vì mong muốn một hiệp định thương mại tự do hơn với Anh, Ấn Độ lại chú trọng hơn đến việc tự do đi lại. Trong suốt nhiệm kỳ 6 năm bà May làm Bộ trưởng Nội vụ Anh, số lượng sinh viên Ấn Độ du học tại Anh sụt giảm mạnh từ 68.000 xuống còn 12.000 người, chủ yếu là do chính sách siết chặt visa của bà May. Thậm chí, sau khi bà May lên làm Thủ tướng Anh, quy định visa lại càng bị siết chặt hơn nữa. Các công ty nước ngoài, trong đó có Ấn Độ, hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc đưa nhân sự sang làm việc tại các chi nhánh ở Anh.
Theo Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Nirmala Sitharaman: “Dường như Anh chủ yếu quan tâm đến việc đưa hàng hóa vào thị trường tiềm năng Ấn Độ cũng như thu hút đầu tư từ Ấn Độ. Trong khi đó, họ lại không muốn đón nhận những sinh viên và người lao động Ấn Độ”. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ thái độ thẳng thừng hơn khi nói với người đồng cấp Anh Theresa May rằng, giáo dục “sẽ xác định mối quan hệ của hai nước trong một tương lai chung”.
Bà May đi thăm một ngôi đền của đạo Hindu ở Bangalore, Ấn Độ. (Nguồn: Getty) |
Trong bối cảnh bà May kiên quyết với chính sách hạn chế người nhập cư, có lẽ Anh sẽ khó lòng nhượng bộ Ấn Độ trong vấn đề này. Giờ đây, người Ấn chỉ còn trông mong vào “Great Club", một hệ thống xét duyệt visa đặc biệt dành người lao động nước ngoài. Bà May cảnh báo, ngoài “Great Club”, bất cứ việc nới lỏng quy định visa nào sẽ càng khuyến khích người Ấn Độ tràn vào Anh.
Một người hóm hỉnh nào đó đã viết trên mạng Twitter rằng: “Thật là buồn cười. Bà Theresa May muốn trục xuất những người Ấn Độ có tài năng về nước, nhưng lại không làm điều này với Vijay Mallya – một người Ấn thậm chí không có hộ chiếu”. Dòng tweet này nói đến Mallya, một doanh nhân nổi tiếng ở Ấn Độ đã sang Anh xin tị nạn hồi đầu năm nay, sau khi các chủ nợ yêu cầu bà này trả khoản tiền hơn 1 tỷ USD.
Ngoài thủ đô New Delihi, trong chuyến công du lần này, bà May còn đến thăm Bangalore - “thủ đô” công nghệ của Ấn Độ. Tại Bangalore, trong trang phục saree truyền thống của Ấn Độ, bà May nhận được sự chào đón khá nồng nhiệt từ giới doanh nghiệp cũng như người dân địa phương. Dù vậy, theo một nhà quan sát ở New Delhi, triển vọng quan hệ hợp tác Anh - Ấn trong tương lai vẫn không mấy sáng sủa.