Trật tự bốn cực sẽ tốt hơn cho thế giới? (Nguồn: Project Syndicate) |
Với việc làm giảm vai trò toàn cầu của nước Mỹ và từ chối chấp nhận tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump chính là thời khắc cuối cùng của một kỷ nguyên đơn cực.
Mặc dù nhiều người cho rằng thế giới đơn cực hậu Chiến tranh Lạnh đang nhường đường cho một trật tự quốc tế hai cực do Mỹ và Trung Quốc thống trị, song hệ quả đó không phải là điều chắc chắn sẽ xảy ra và cũng không phải là điều mọi người mong muốn.
Thay vào đó, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng và tiến hành xây dựng một thế giới trong đó châu Âu và những nền kinh tế mới nổi chiếm một vai trò rõ nét hơn.
Ba thách thức bị lãng quên
Do những quốc gia không muốn tuân theo “luật chơi” của Mỹ thường dựa vào Trung Quốc để tìm đường phát triển và sự hỗ trợ vật chất, điều này khiến Trung Quốc đương nhiên nổi lên trở thành một trong hai cực của quyền lực toàn cầu. |
Trên thực tế, một thế giới hai cực thường rất không ổn định. Sự xuất hiện của trật tự hai cực sẽ làm tăng nguy cơ xung đột bạo lực (theo logic của thuyết Bẫy Thucydides, trong đó hai nước sẽ đương nhiên coi nhau là mối đe dọa) và khiến các vấn đề toàn cầu hoàn toàn trở nên phụ thuộc vào lợi ích của hai cường quốc lãnh đạo.
Ba thách thức lớn nhất mà nhân loại đang đối mặt có thể sẽ bị phớt lờ hoặc làm cho trầm trọng hơn.
Thách thức đầu tiên là sự tập trung quyền lực của các tập đoàn công nghệ khổng lồ (Big Tech). Mặc dù công nghệ thường được coi là mặt trận chủ chốt trong xung đột Mỹ-Trung, song vẫn có sự tương đồng giữa hai quốc gia trong lĩnh vực này. Cả hai quốc gia đang nỗ lực để theo đuổi mục tiêu sử dụng thuật toán để thống trị con người, trong đó các nền tảng số và trí tuệ nhân tạo (AI) được chính phủ và các tập đoàn sử dụng để giám sát và kiểm soát công dân.
Hiển nhiên, giữa hai nước vẫn có sự khác biệt trong vấn đề này. Trong khi Mỹ chấp nhận tầm nhìn của các tập đoàn công nghệ lớn và hỗ trợ ngành công nghiệp này, những công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc lại nằm trong tầm kiểm soát và phải tuân theo mục tiêu của chính phủ.
Chẳng hạn, nghiên cứu gần đây cho thấy nhu cầu của chính phủ về công nghệ giám sát đã định hình quá trình nghiên cứu và phát triển của những người sáng tạo AI ở Trung Quốc. Dù trong trường hợp nào, cả hai chính phủ đều sẽ không tăng cường tiêu chuẩn về quyền riêng tư và những hình thức bảo vệ khác đối với người dân, và chắc chắn cũng sẽ không tái định hình chiều hướng nghiên cứu AI để lợi ích của nó trở nên rõ ràng và được chia sẻ rộng rãi.
Thách thức thứ hai là sự ủng hộ về các giá trị dân chủ và nhân quyền sẽ ít được ưu tiên trong thế giới hai cực. Khi sự đàn áp ở Trung Quốc ngày càng tăng, nước Mỹ dường như là một ví dụ tốt về các giá trị này. Tuy nhiên, những cam kết về mặt nguyên tắc của Mỹ đối với dân chủ và nhân quyền thường yếu và không được coi trọng ở bên ngoài nước Mỹ.
Rốt cuộc, chính Mỹ lại là nước đi lật đổ các chế độ được bầu cử dân chủ nhưng không thân thiện ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi. Việc Mỹ ủng hộ các nền dân chủ như ở Ukraine cũng chỉ vì những động cơ mờ ám, chẳng hạn để chống lại hoặc làm suy yếu nước Nga.
Thách thức thứ ba ít được quan tâm trong một thế giới hai cực Mỹ-Trung là vấn đề biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, Trung Quốc tỏ ra ủng hộ các thỏa thuận quốc tế về giảm khí thải nhà kính nhiều hơn so với Mỹ.
Tuy nhiên, hai siêu cường không chỉ là hai quốc gia xả thải lớn nhất thế giới, mà cả hai đều dựa vào những mô hình kinh tế thâm dụng năng lượng. Trung Quốc sẽ tiếp tục phụ thuộc vào tăng trưởng dựa trên sản xuất công nghiệp, trong khi tiêu dùng và công nghiệp tăng trưởng (như điện toán đám mây) sẽ tiếp tục tiêu thụ nhiều năng lượng tại Mỹ.
Có thể dự báo rằng mục tiêu trở nên vượt trội về kinh tế trong ngắn hạn của cả hai quốc gia sẽ được ưu tiên cao hơn mục tiêu bảo vệ môi trường của tất cả các quốc gia khác.
Sự bổ sung cần thiết
Tất cả những thách thức này sẽ có thể được giải quyết trong một thế giới được bổ sung hai cực nữa: Liên minh châu Âu (EU) và một hiệp hội gồm các quốc gia mới nổi. Hiệp hội những quốc gia mới nổi này có thể là một tổ chức quốc tế mới có tên gọi “E10”, bao gồm Mexico, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và một số quốc gia khác.
Một thế giới bốn cực như vậy sẽ ít có khả năng tạo ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, và nó đem lại tiếng nói đa chiều hơn trong quản trị toàn cầu.
Giáo sư Daron Acemoglu cho rằng chúng ta hy vọng và tiến hành xây dựng một thế giới trong đó châu Âu và những nền kinh tế mới nổi chiếm một vai trò rõ nét hơn. (Nguồn: CC0) |
Trên thực tế, EU đã nổi lên đi tiên phong trong việc bảo vệ quyền riêng tư và đặt ra các quy định đối với các tập đoàn công nghệ khổng lồ. EU cũng có quan điểm rõ ràng về việc chống lại quá trình tự động hóa sử dụng thuật toán.
Ngay cả khi các công ty của Trung Quốc và Mỹ tạo ra nhiều quan ngại về vấn đề quyền riêng tư, thao túng tiêu dùng và sử dụng trí thông minh nhân tạo thay thế lao động, thị trường châu Âu vẫn đủ lớn và quan trọng để tác động đến sân chơi toàn cầu.
Tuy nhiên, cực đại diện cho các nền kinh tế mới nổi thậm chí còn đóng vai trò quan trọng hơn. Nếu AI tiếp tục thay thế công việc của con người, các nền kinh tế mới nổi sẽ là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do lợi thế tương đối của các quốc gia này nằm ở nguồn nhân công dồi dào.
Với việc tự động hóa làm giảm nguồn cung việc làm, những quốc gia này cần phải có tiếng nói trong các cuộc tranh luận toàn cầu về định hướng thiết kế và sử dụng các công nghệ mới.
EU và các nền kinh tế mới nổi cũng có thể hình thành một khối quyền lực để chống lại phát thải do sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù EU đã dẫn đầu thế giới trong quá trình giảm khí thải các-bon, các nền kinh tế mới nổi cũng có lợi ích cấp thiết trong việc chống biến đổi khí hậu do các quốc gia này chịu tác động lớn từ sự ấm lên toàn cầu.
Một thế giới bốn cực sẽ đem lại nhiều hy vọng hơn thế giới hai cực song không phải là “liều thuốc trị bách bệnh”. Với những tiếng nói đa chiều hơn và khả năng hình thành nhiều liên minh “cơ hội chủ nghĩa” hơn, thế giới bốn cực sẽ khó quản lý hơn so với thế giới đơn cực như trong thời gian qua.
| Châu Âu tìm kiếm trật tự thế giới mới thời 'hậu Mỹ' TGVN. Để đối phó với sự suy giảm của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đang tìm kiếm các chính sách thúc đẩy đoàn kết nội ... |
| Chuyên gia quốc tế: Động thái của Trung Quốc ở Biển Đông 'đang dần hủy hoại' trật tự thế giới TGVN. Các chuyên gia quốc tế cho rằng Trung Quốc sẽ không dễ dàng trong việc tuyên bố ADIZ ở Biển Đông và những hành ... |
| Hậu dịch Covid-19, một trật tự thế giới khó đổ vỡ nhưng 'khó mà như xưa' TGVN. Câu hỏi mấu chốt ở đây là, đại dịch Covid-19 có làm đảo lộn ít nhất một trong hai yếu tố cấu thành nên ... |