Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel trong cuộc gặp tại Brussels, Bỉ ngày 14/12/2021. (Nguồn: Phủ Tổng thống Azerbaijan) |
Ngày 6/4 tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan sẽ gặp Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev trong cuộc hòa đàm mới với đại diện Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel, làm trung gian.
Trước hết, sự kiện này diễn ra trong bối cảnh bất chấp lệnh ngừng bắn giữa Azerbaijan và Armenia trước đó, các sự cố nhỏ lẻ gây thương vong tại khu vực Nagorno-Karabakh vẫn diễn ra, khiến căng thẳng song phương chưa hoàn toàn chấm dứt.
Đặc biệt, cùng lúc đó, dù đã đạt tiến triển nhất định song đàm phán Nga-Ukraine, vẫn còn chới với, đặc biệt là sau vụ việc vừa qua tại Bucha. Khi ấy, thành công của cuộc gặp giữa lãnh đạo Armenia và Azerbaijan nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho xung đột năm 2020, xây dựng và cải thiện quan hệ không chỉ mang tới bước ngoặt cho hai nước, mà còn cổ vũ các nỗ lực tương tự giữa Nga và Ukraine.
Vậy triển vọng đàm phán Armenia-Azerbaijan lần này sẽ ra sao?
Thiện chí đôi bên
Tính đến thời điểm hiện tại, hai bên đã cho thấy thiện chí về thúc đẩy đàm phán.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho rằng hai nước “cần sớm tiến tới hòa bình và ký kết, càng nhanh càng tốt, một thỏa thuận hòa bình”, khẳng định Azerbaijan đã nêu rõ các lập trường cơ bản của mình liên quan đến thỏa thuận.
Phát biểu ngày 31/3, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng hy vọng Yerevan “sớm tìm được đồng thuận liên quan về khởi động đàm phán hòa bình” với Baku.
Về nội dung thảo luận, EU cho biết quan chức cấp cao hai bên đã gặp gỡ tại Brussels ngày 30/3. Đại diện hai bên đã “xem xét về tình hình chính trị, an ninh nói riêng và tất cả các vấn đề nói chung giữa Armenia và Azerbaijan”.
Không loại trừ khả năng các nội dung này sẽ ít nhiều tương đồng với các nguyên tắc cơ bản về thiết lập quan hệ song phương Azerbaijan từng công bố ngày 14/3.
Theo đó, các bên cần công nhận tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bất khả xâm phạm của biên giới được quốc tế công nhận và độc lập chính trị của nhau.
Đồng thời, các bên cần xác nhận về việc không có yêu sách lãnh thổ chống lại nhau và chấp nhận các nghĩa vụ ràng buộc về mặt pháp lý là không đưa ra các yêu sách như vậy trong tương lai.
Ngoài ra, các bên cần kiềm chế việc phá hoại an ninh của nhau trong các mối quan hệ với các quốc gia khác, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, và theo bất kỳ cách nào khác không phù hợp với nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Cuối cùng, Azerbaijan và Armenia sẽ phân định biên giới, thiết lập quan hệ ngoại giao; mở cửa giao thông vận tải và thông tin liên lạc, xây dựng thêm kênh liên lạc khác nếu thích hợp và thiết lập hợp tác trong lĩnh vực khác cùng quan tâm.
Thành công của cuộc gặp giữa lãnh đạo Armenia và Azerbaijan về tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho xung đột năm 2020, xây dựng và cải thiện quan hệ song phương không chỉ mang tới bước ngoặt cho hai nước, mà còn cổ vũ nỗ lực tương tự giữa Nga và Ukraine. |
Về phần mình, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan cho rằng “không có điều gì quá khó chấp nhận trong các đề xuất từ phía Azerbaijan”, dù ông cũng nhận định nó chưa “đề cập tới mọi khía cạnh của nghị trình hòa bình giữa hai nước”.
Đây rõ ràng là những tín hiệu tích cực cho đàm phán Armenia-Azerbaijan ngày 6/4 nói riêng và tiến trình hòa bình nói chung.
Ba nhân tố lớn
Tuy nhiên, chừng đó liệu đã đủ? Câu trả lời là chưa chắc, khi còn đó một số yếu tố bên ngoài hai bên cần phải cân nhắc.
Trước hết, đó là vai trò hòa giải của EU. EU không có lợi ích trực tiếp trong quan hệ Armenia-Azerbaijan, do đó khối này rõ ràng có tư cách để làm trung gian. Tuy nhiên, ảnh hưởng của EU tại Trung Á và với hai nước trên không thể so với Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ. Trong trường hợp Armenia và Azerbaijan không đạt đồng thuận, EU khó có thể kéo hai bên xích lại gần nhau như cách Nga đã từng làm.
Ngoài ra, đó là lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này có quan hệ gần gũi và đã duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ với Baku xuyên suốt xung đột Armenia-Azerbaijan.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Ankara và Yerevan cũng đã đạt được một số đột phá quan trọng: Trong cuộc gặp ngày 13/3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và người đồng cấp Armenia Ararat Mirzoyan đã nhất trí sẽ thúc đẩy nỗ lực thiết lập quan hệ ngoại giao “vô điều kiện” và tiếp tục bình thường hóa, tiến tới mở cửa biên giới chung, tạo điều kiện cho giao thương giữa hai nước.
Tuy nhiên, với những gì hai nước đã trải qua tiến trình này chắc chắn sẽ không dễ dàng. Năm 2009, hai bên từng đạt thỏa thuận về thiết lập quan hệ và mở cửa biên giới, nhưng cuối cùng đã không thể triển khai vì sự phản đối của Azerbaijan. Mặc dù, theo lời Ankara, giờ đây Baku đã bày tỏ thái độ tích cực về vấn đề này, song không khó để thấy nỗ lực bình thường hóa quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Armenia chắc chắn sẽ có tác động đáng kể tới đàm phán hòa bình Armenia-Azerbaijan.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và người đồng cấp Armenia Ararat Mirzoyan đã gặp và trao đổi về bình thường hóa quan hệ song phương ngày 13/3 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Reuters) |
Cuối cùng và quan trọng hơn cả, đó là thái độ của Nga. Moscow là nhân tố then chốt trong xây dựng và triển khai tuyên bố ba bên với Baku và Yerevan. Tuy nhiên, Nga vẫn duy trì thái độ ủng hộ Armenia và thường xuyên chỉ trích các hoạt động quân sự của Azerbaijan nước này cho là vi phạm tuyên bố ba bên trước đó.
Gần đây nhất, ngày 25/3, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm về tình hình Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, không rõ hai bên có thảo luận về hòa đàm Baku và Yerevan hay không. Thái độ của Nga vẫn là một ẩn số. Đây chắc chắn là điều các bên cần đặc biệt lưu tâm trong đàm phán hòa bình bền vững để chấm dứt xung đột Armenia-Azerbaijan.