📞

Triển vọng tam giác quan hệ Mỹ-Nhật-Ấn

14:54 | 30/12/2015
Chuyến thăm kéo dài 3 ngày hồi giữa tháng 12 của Thủ tướng Nhật Bản tới Ấn Độ mở ra triển vọng mới cho tam giác quan hệ Mỹ - Nhật - Ấn.

Ảnh minh họa (Nguồn: AP)

“Đối tác chiến lược đặc biệt, quy mô toàn cầu”

Được lãnh đạo bởi hai vị Thủ tướng theo trường phái bảo thủ với chính sách ngoại giao cứng rắn, Ấn Độ và Nhật Bản có chung mục tiêu đảm bảo sự ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai nước cũng cùng quan ngại trước một Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ và hung hăng, đồng thời có cùng quyết tâm tạo thế đối trọng với Bắc Kinh.

Trước khi ông Shinzo Abe tới Ấn Độ (chuyến đi thứ ba trên cương vị Thủ tướng), hai nước đã thiết lập được mối quan hệ mà theo hai nhà lãnh đạo mô tả là “Đối tác chiến lược đặc biệt có quy mô toàn cầu”. Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã đặc biệt chú trọng tăng cường quan hệ với Nhật Bản. Trong khi đó, ông Abe tìm cách vừa tăng cường quan hệ kinh tế với Ấn Độ, vừa khuyến khích New Delhi tham gia các kế hoạch của Tokyo nhằm tạo ra tính kết nối trên toàn châu Á.

Chuyến thăm đã đánh dấu bước tiến trong quan hệ ngày càng thân thiết giữa Ấn Độ và Nhật Bản, khi hai bên chứng kiến một loạt thỏa thuận hợp tác quan trọng, nổi bật nhất là hiệp định đường sắt cao tốc trị giá 15 tỷ USD và hợp đồng bán máy bay của Nhật Bản cho Ấn Độ. Về quan hệ quốc phòng, Nhật Bản sẽ tăng cường các cuộc tập trận hải quân thường niên với Ấn Độ và Mỹ. Ngoài ra, hai nước cũng thỏa thuận chia sẻ một số thông tin tình báo.

Bên cạnh đó, hai Chính phủ còn có bước khai thông trong các cuộc đàm phán về hợp tác hạt nhân dân sự,hướng tới khả năng đạt được thỏa thuận cuối cùng. Theo đó, Nhật Bản sẽ xuất khẩu công nghệ sản xuất điện hạt nhân cho Ấn Độ dù Ấn Độ sở hữu kho vũ khí hạt nhân và không tham gia ký kết Hiệp ước Không Phổ biến Hạt nhân (NPT). Thỏa thuận này cũng sẽ tạo điều kiện cho các công ty Mỹ có cổ phần tại ngành điện hạt nhân Nhật Bản có thể đầu tư vào lĩnh vực điện hạt nhân của Ấn Độ.

Nếu được ký kết, thỏa thuận sẽ đánh dấu mốc lần đầu tiên Tokyo đạt được thỏa thuận hạt nhân dân sự với một quốc gia không tham gia NPT. 

Từ tam giác thành tứ giác

Không khó để nhận ra những động lực đằng sau tất cả các động thái nêu trên. Ấn Độ và Nhật Bản cùng theo đuổi những giá trị dân chủ, đều là những nền kinh tế thị trường lớn, có ảnh hưởng ở châu Á và đều mang những khát vọng trên phạm vi toàn cầu. Cả hai nước đang gia tăng ngân sách quốc phòng và hiện đại hóa quân đội để thể hiện ảnh hưởng lớn hơn ở nước ngoài. Hai nước cũng đang tìm cách nhân rộng các thỏa thuận kinh tế để tăng cường các luồng thương mại và đầu tư song phương. Và quan trọng hơn hết, cả Nhật Bản lẫn Ấn Độ đều đang theo đuổi chính sách đối trọng với Trung Quốc.

Sự “nồng ấm” trong quan hệ Nhật-Ấn rất có lợi cho Mỹ. Lý do là trong bối cảnh các nguồn lực của Mỹ đang giảm sút do phải tăng cường cam kết cho Trung Đông và châu Âu, sự hợp tác Ấn-Nhật góp phần thu hẹp những khoảng trống nảy sinh trong chiến lược tái cân bằng chính sách của Mỹ sang châu Á. Là cường quốc thế giới, Mỹ nên hoan nghênh mối quan hệ nồng ấm giữa đồng minh Nhật Bản với Đối tác chiến lược Ấn Độ và khuyến khích hai bên tăng cường hơn nữa quan hệ.

Tam giác quan hệ Mỹ - Nhật - Ấn không phải là để “bẫy” Trung Quốc mà là nhằm đảm bảo rằng Mỹ và các đối tác của Mỹ có thể cân bằng quyền lực đang ngày một lớn của Trung Quốc và có thể đàm phán với Bắc Kinh trên thế của "kẻ mạnh".

Để làm được điều này, việc củng cố tam giác quan hệ Mỹ-Ấn- Nhật và mở rộng thành tứ giác quan hệ bao gồm thêm cả Australia là vô cùng cần thiết. Mỹ nên nghiên cứu các biện pháp tăng cường chuyển giao công nghệ cho Ấn Độ và Nhật Bản, cũng như thăm dò các dự án quân sự chung với cả hai nước. Washington cũng nên tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản và Ấn Độ, tiến hành các hoạt động hải quân và không quân chung trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.