Thỏa thuận được đánh giá là mang tính lịch sử, giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 52 năm tại nước này, đồng thời là tin vui đối với khu vực Mỹ Latinh.
Trong hơn 5 thập kỷ qua, cuộc xung đột vũ trang giữa Chính phủ Colombia và FARC được xem là một cuộc chiến dai dẳng nhất Mỹ Latinh, cướp đi sinh mạng của 260.000 người, khoảng 6,6 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, đồng thời khiến cho nền kinh tế Colombia trì trệ. Thực tế trong suốt hơn 50 năm, việc tìm kiếm giải pháp chính trị giữa hai bên rất khó khăn và các cuộc đàm phán hòa bình trước đây đều thất bại.
Người dân Colombia tập trung tại lễ ký thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ Colombia và FARC ở thành phố Cartagena, ngày 26/9. (Nguồn: Reuters). |
Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã quyết tâm theo đuổi giải pháp hòa bình cho đất nước. Sau gần 4 năm với hơn 40 vòng đàm phán tại thủ đô Havana (Cuba), ngày 24/8 vừa qua, Chính phủ Colombia và FARC đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện, mở ra hy vọng chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài từ năm 1964 đến nay.
Văn bản thỏa thuận dài 297 trang, gồm 6 điểm chính bao gồm: phát triển nông thôn, sự tham gia vào chính trường của FARC, cuộc chiến chống ma túy, xét xử tội phạm chiến tranh, bồi thường cho các nạn nhân, lộ trình giải giáp vũ khí và tái hòa nhập cộng đồng của các tay súng. Phía FARC có 180 ngày để giải giáp hoàn toàn và trở thành một đảng chính trị. Họ sẽ được nhận 10 ghế không qua bầu cử tại Quốc hội Colombia cho đến năm 2026. Sau khi thỏa thuận được ký kết, các tay súng FARC sẽ bắt đầu rời khỏi căn cứ đóng quân tại vùng rừng núi Colombia và chuyển vào các trại giải giáp của Liên hợp quốc (LHQ) hiện đang giúp giám sát lệnh ngừng bắn tại quốc gia này. Colombia sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về thỏa thuận này vào ngày 2/10 tới trước khi ban hành thành luật.
Điều đáng mừng là ở trong nước, đa số người dân Colombia đã bày tỏ sẽ bỏ phiếu tán thành thỏa thuận trên. Bên cạnh đó, ngày 25/9, nhóm Quân đội giải phóng quốc gia Colombia (ELN), lực lượng nổi dậy lớn thứ hai tại Colombia sau FARC, thông báo sẽ ngừng bắn để bày tỏ sự tôn trọng thỏa thuận hòa bình. Thủ lĩnh ELN Pablo Beltrán cũng khẳng định sẽ đi theo con đường của FARC nhằm mục đích hòa đàm với chính phủ.
Cộng đồng quốc tế cũng có phản ứng tích cực với thỏa thuận mới được ký kết. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã đánh giá cao thỏa thuận được ký kết và cho rằng các cuộc xung đột đều có thể được giải quyết bằng ngoại giao và đối thoại. Bày tỏ ủng hộ thỏa thuận trên, Liên minh châu Âu đã đưa FARC khỏi danh sách các nhóm khủng bố. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Washington cũng sẽ xem xét việc đưa FARC ra khỏi danh sách khủng bố của Mỹ và cam kết viện trợ 390 triệu USD cho Colombia trong năm tới để hỗ trợ tiến trình hòa bình.
Chặng đường tiến tới nền hòa bình thực sự của Colombia sẽ còn nhiều thách thức, nhưng kết quả đàm phán và tiến tới thỏa thuận giữa Chính phủ và FARC vừa qua cho thấy, những thách thức đó không phải là không thể vượt qua nếu các lực lượng biết hướng đến quyền lợi của người dân và đất nước. Với ý nghĩa đó, thỏa thuận ngày 26/9 với khả năng cao sẽ được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 2/10, qua đó mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước Colombia.