Thận trọng cân nhắc kịch bản
Đây không phải là lần đầu tiên trong mấy năm gần đây, Mỹ tìm cách lên danh sách những mục tiêu của chính phủ Syria để chuẩn bị tấn công. Song so với danh sách các phương án quân sự hồi năm 2003, thì danh sách hiện nay có ít phương án hơn do có sự hiện diện của Nga tại chiến trường Syria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh tấn công vào một căn cứ không quân của Syria. (Nguồn: Daily Express) |
Mỹ phải tính đến sự hiện diện của Nga và phải tránh kịch bản vô tình sát hại quân nhân của Nga. Mỹ không có ý định khơi mào một cuộc xung đột vũ trang với Nga, vì điều này không chỉ gây hậu quả lớn hơn nhiều so với cuộc xung đột tại Syria, mà còn trực tiếp gây phương hại tới ưu tiên của Mỹ là chống IS tại Syria. Rốt cuộc, Mỹ sẽ phải thận trọng hơn nhiều trong bất kỳ chiến dịch quân sự nào tại Syria, và các phương án sẽ phải dè dặt hơn nhiều so với hồi năm 2013.
Danh sách các phương án được trình lên ông Trump sẽ có nhiều quy mô, cường độ và độ rủi ro khác nhau, song đều chủ yếu phụ thuộc vào mục tiêu của Nhà Trắng. Có thể chia những phương án của Nhà Trắng thành hai nhóm: tấn công trừng phạt để ngăn chặn những vụ sử dụng vũ khí hóa học tái diễn và tấn công quyết liệt để tiêu diệt kho vũ khí hóa học của Syria cũng như các phương tiện chuyên chở chúng.
Rủi ro luôn ở mức cao
Một cuộc tấn công trừng phạt có giới hạn nhằm vào các mục tiêu của chính phủ là phương án ít rủi ro nhất và đòi hỏi nguồn lực ít nhất. Phương án này sẽ nhằm mục đích chứng tỏ độ tin cậy của Mỹ và ngăn chặn các lực lượng trung thành với Tổng thống Barsha al Assad tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học bằng cách tấn công một số mục tiêu của chính phủ Syria, trong đó có các cơ sở chỉ huy và kiểm soát, và các mục tiêu có giá trị cao và mang tính biểu tượng khác. Các cuộc tấn công trừng phạt có thể diễn ra với nhiều cường độ, thời gian và quy mô khác nhau, song về cơ bản chúng đều nhằm mục đích phát đi thông điệp hơn là triệt tiêu khả năng sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Syria.
Ngày 4/4/2017, Abdul-Hamid Alyousef, 29 tuổi, ôm hai đứa con sinh đôi đã bị chết trong vụ tấn công bị nghi ngờ có sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhoun ở tỉnh Idlib, miền Bắc Syria. (Nguồn: Reuters) |
Đối với kịch bản làm suy yếu khả năng tấn công bằng vũ khí hóa học, Mỹ sẽ quan tâm đến việc tấn công nhiều mục tiêu hơn. Các cơ sở chỉ huy và kiểm soát sẽ là ưu tiên, phát đi thông điệp rằng ban lãnh đạo chính quyền Syria, đặc biệt là ban lãnh đạo quân đội, sẽ phải trả giá cho quyết định sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, có lẽ Tổng thống Syria Bashar al Assad sẽ không phải là mục tiêu vì một cuộc tấn công vào thượng tầng ban lãnh đạo có thể nhanh chóng đẩy Mỹ vào một cuộc xung đột toàn diện mà Mỹ rất muốn tránh.
Phương án này sẽ tập trung vào ba phương tiện chính mà Damascus dùng để chuyên chở vũ khí hóa học: không quân, tên lửa đạn đạo và pháo. Mặc dù một số đường băng của chính phủ đã bị vô hiệu hóa hoặc bị quân nổi dậy chiếm đóng, song vẫn còn một số đường băng còn sử dụng được. Có ít nhất là 6 đường băng chủ chốt của Syria có liên quan đến kho vũ khí hóa học. Ngoài Không quân Syria, các lực lượng trung thành khác cũng sở hữu một số pháo và tên lửa đạn đạo có thể được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, nhiều khả năng Mỹ sẽ chỉ dừng lại ở việc tấn công các mục tiêu của không quân vì nếu đi xa hơn nữa thì Mỹ sẽ có nguy cơ bị sa lầy vào một cuộc chiến tranh toàn diện với chính quyền al Assad - một phương án ít được tính đến nhất vào thời điểm hiện nay.
Mặc dù các phương án quân sự của Mỹ có các mức độ rủi ro khác nhau, song điểm chung là không có phương án nào không rủi ro. Những nguy cơ là có nhiều và mang tính lâu dài, từ việc tổn thất về người và của cho tới khả năng gây ra xung đột với Nga. Tóm lại, không hề có phương án quân sự dễ dàng nào ở Syria, và ngay cả một chiến dịch thận trọng nhất cũng không tránh khỏi làm leo thang chiến tranh và dẫn đến vô số những tính toán sai lầm khiến Mỹ sẽ phải hứng chịu những hậu quả khôn lường.