Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vận động các đồng minh phương Tây cung cấp máy bay tiêm kích F-16. (Nguồn: AP) |
Sự nâng cấp cần thiết
Suốt nhiều tháng qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã vận động các đồng minh phương Tây cung cấp máy bay tiêm kích F-16 cho nước này và tuyên bố việc chuyển giao “lịch sử” của họ sẽ “tăng cường sức mạnh đáng kể” cho các lực lượng của Kiev.
Trong khi đó, Điện Kremlin đã lên án đề xuất này, gọi đây là một rủi ro lớn và cho biết các quốc gia cung cấp máy bay hoặc huấn luyện binh sĩ Ukraine, bao gồm cả Anh, đang “đùa với lửa”.
Tin liên quan |
Tình hình Ukraine: Nga xác nhận hành động lớn của Kiev, liệu đã bắt đầu phản công? Mỹ 'bơm' tăng lực |
Giống như bệ phóng tên lửa HIMARS, xe tăng Leopard và tên lửa Patriot trước đó, những chiếc F-16 đã trở thành biểu tượng cho sự ủng hộ của phương Tây, mà người Ukraine cho rằng sẽ mang lại sức mạnh giúp đẩy lùi lực lượng Nga.
Theo các chuyên gia quân sự, sự xuất hiện của các máy bay tiêm kích mới này sẽ là sự nâng cấp rất cần thiết cho quân đội Ukraine trong cuộc đối đầu với lực lượng không quân vượt trội của Nga.
Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng, sẽ mất nhiều tháng để hoàn thành việc tích hợp vũ khí mới vào hệ thống của quân đội Ukraine, có nghĩa là các máy bay tiêm kích mới khó có thể đóng vai trò đáng kể nào trong cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của quốc gia Đông Âu trong năm nay.
Trong tất cả những bất ngờ mà lực lượng Kiev đã tạo ra suốt 15 tháng qua, việc họ đủ khả năng chống trả lực lượng không quân Nga sẽ là một trong những điều lớn nhất.
Các máy bay tiêm kích ưu việt của Nga được kỳ vọng nhanh chóng tiêu diệt phi đội già cỗi của Ukraine, giúp Moscow dễ dàng chiếm ưu thế trong việc tiến hành các cuộc không kích theo ý muốn.
Trái lại, lực lượng không quân Ukraine vẫn kiên định, trong khi các máy bay Nga tác chiến tại Ukraine liên tục đối mặt với nguy cơ bị tên lửa đất đối không bắn hạ mặc dù không quân Ukraine đã phải chịu tổn thất nặng nề và tương quan lực lượng vẫn đang bất lợi cho Ukraine.
Các phi công Ukraine tiết lộ, họ phải điều khiển máy bay chiến đấu, ví dụ như MiG-29, bay ở độ cao thấp, rất nguy hiểm để tránh các máy bay tiêm kích mạnh hơn của Nga và các hệ thống phòng không đáng gờm của nước này.
Điều này làm hạn chế khả năng tiến hành các cuộc không kích vào các vị trí của Nga. Họ cũng đề cập việc bị áp đảo bởi các máy bay Su-35 và tên lửa R-37 có tầm bắn vượt trội của Nga.
Vì vậy, Kiev đã hứng chịu tổn thất nghiêm trọng về phi công và máy bay. Đại tá Volodymyr Lohachov, người đứng đầu bộ phận phát triển hàng không của Lực lượng không quân Ukraine, chia sẻ với báo chí đầu tháng này rằng “các phi công của chúng tôi đang bay trên lưỡi dao”.
Không phải phép màu
Tuần trước, ông Edward Stringer, Tướng đã nghỉ hưu thuộc lực lượng không quân Hoàng gia Anh (RAF) nhận định trên Financial Times: “F-16 không phải là phép màu, mà là một biểu tượng giúp cuộc xung đột cân bằng hơn”.
Chuyên gia hàng không Gareth Jennings tại công ty tình báo quốc phòng Janes cho biết: “Tôi không nghĩ rằng những chiếc F-16 tự chúng sẽ mang lại ưu thế trên không cho Ukraine và tôi không nghĩ đó là mục đích của chúng. Thay vào đó, chúng sẽ cho phép Kiev giữ lực lượng không quân Nga ở khoảng cách xa tối đa có thể”.
Chiếc F-16 “Fighting Falcon” do Mỹ chế tạo lần đầu tiên được đưa vào phục vụ trong kực lượng không quân nước này vào năm 1980.
Máy bay tiêm kích một chỗ ngồi được chế tạo cho cả chiến đấu không đối không và không đối đất đã trở nên phổ biến với quân đội trên khắp thế giới.
Hiện nay, nhiều nước đã loại khỏi biên chế và bán bớt những chiếc F-16 để thay thế chúng bằng những chiếc máy bay hiện đại hơn như F-35.
Nhưng theo một số chuyên gia, F-16 vẫn là một “bước nhảy vọt” so với những gì lực lượng không quân Ukraine hiện sở hữu. Bên cạnh đó, hiệu quả tác chiến của chúng sẽ phụ thuộc vào loại F-16 nào được cung cấp.
Cho dù những năm qua, hệ thống F-16 đã được lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nâng cấp các hệ thống điện tử và radar bên trong, một số nhà phân tích hàng không vẫn cảnh báo rằng, nếu Ukraine chỉ được cung cấp các phiên bản F16 cũ hơn, họ vẫn sẽ bị loại máy bay mới nhất của Nga vượt mặt.
Nhận định rằng phương Tây sẽ viện trợ cho Kiev những thứ lỗi thời, ông Douglas Barrie, chuyên gia cấp cao về hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nói: “Những vũ khí, khí tài mà các quốc gia phương Tây đã từng cung cấp cho Ukraine đều không phải là thứ ‘hết đát’ đến mức vô dụng mà còn khá mới”.
Ngoài ra, điểm cốt yếu sẽ là loại vũ khí nào được cung cấp. Theo ông Barrie, việc cung cấp các tên lửa không đối không tầm xa hơn AIM-120 sẽ giúp hỗ trợ các lực lượng Ukraine về dài hạn.
Những chiếc F-16 cũng có thể được trang bị bom chính xác JDAM và tên lửa chống bức xạ HARM được thiết kế để tăng cường khả năng phòng không. Cả hai thứ vũ khí này đều đã được bàn giao cho Ukraine.
Tuy nhiên, theo ông Justin Bronk thuộc Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề an ninh-quốc phòng (RUSI), ngay cả với những tính năng trên, F-16 vẫn cần cảnh giác với hệ thống phòng không của Nga, có nghĩa là các tiêm kích này phải bay sát mặt đất khi ở gần tiền tuyến và điều đó sẽ làm giảm hiệu quả của chúng.
Vậy làm thế nào tất cả điều này có thể được thực hiện nhanh chóng là câu hỏi lớn nhất. Riêng việc huấn luyện phi công ước tính mất tối thiểu 4 tháng, một số dự báo còn lâu hơn thế.
Ukraine cũng sẽ cần thợ cơ khí, đội ngũ hỗ trợ mặt đất và hậu cần. Sử dụng các nhà thầu phương Tây có thể tiết kiệm thời gian nhưng đây là một nhiệm vụ tối quan trọng. Điều đó có nghĩa là những chiếc F-16 sẽ không có khả năng đóng vai trò trong bất kỳ cuộc phản công nào sắp xảy ra.
Chuyên gia Barrie cho rằng, nếu có một cuộc phản công sắp được thực hiện trong thời gian tới, Ukraine sẽ phải vận dụng toàn bộ sức mạnh không quân đang sở hữu. Do đó, tác dụng lớn nhất của những chiến F-16 có lẽ sẽ là trong trung và dài hạn, như một sự đảm bảo quan trọng cho tương lai của Ukraine.
Kiev từ lâu đã nói rằng bất kể kết quả của chiến dịch giành lại lãnh thổ như thế nào, Ukraine cần một lực lượng quân sự theo tiêu chuẩn của NATO để bảo vệ đất nước trong thời gian dài.
Nhiều người coi quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép đồng minh xuất khẩu F-16 là sự thừa nhận những lo ngại của Kiev là đúng và Washington sẵn sàng làm điều đó.
| Tình hình Ukraine: Nga nêu ưu tiên ở Belgorod, Kiev cáo buộc Moscow đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc Châu Âu bổ sung 1 tỷ Euro viện trợ cho Kiev, Budapest nêu quan điểm về chuyện kết nạp Kiev tại Hội nghị Thượng đỉnh ... |
| Nga đưa 'chúa tể' vệ tinh lên vũ trụ để giám sát xung đột ở Ukraine Số lượng vệ tinh của Nga trên vũ trụ mới được bổ sung thêm một thành viên mới, đó là vệ tinh Kondor-FKA. Vệ tinh ... |
| Armenia tuyên bố không phải đồng minh của Nga trong xung đột Ukraine, Kiev hạ 30 UAV một đêm Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn báo chí phương Tây, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố, nước này không phải là đồng minh ... |
| Ukraine: Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen lại bị tạm dừng vì Nga Ngày 1/6, Bộ Cải tạo và Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, do Liên hợp quốc (LHQ) làm ... |
| Tình hình Ukraine: Trung Quốc thông báo kế hoạch mới, Nga khen nỗ lực; Moscow tố cáo Kiev 'bắn phá' biên giới Trung Quốc thông báo kế hoạch thúc đẩy hòa đàm Nga-Ukraine, giữa lúc tình hình xung đột vẫn căng thẳng, khi Moscow cáo buộc Kiev ... |