Cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông vẫn tiếp diễn với liên tiếp những động thái “ăn miếng trả miếng”. Cuối tháng 9, tàu USS Decatur của Mỹ đã thực hiện chiến dịch Tuần tra Vì Tự do Hàng hải (FONOP) lần thứ 12 trên Biển Đông. Ngay lập tức, Trung Quốc đưa tàu khu trục lớp Lư Dương đối đầu với USS Decatur, khiến tàu này phải tránh va chạm khẩn cấp. Washington cho rằng đây là cuộc chạm trán “nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp” và “sẽ không bị hăm dọa hay lùi bước”. Trong bối cảnh Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện những hoạt động tương tự, thì tháng 9 vừa rồi, tàu Hải quân Anh đã thực hiện quyền tự do hàng hải trong khu vực và tiến gần khu vực quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, Bắc Kinh đã điều tàu ra đối phó.
Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng trên mọi mặt trận. Về kinh tế, Bắc Kinh đang chịu sức ép từ hàng loạt các biện pháp của Mỹ như tăng thuế vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đơn phương rút ra khỏi tổ chức Liên minh Bưu chính Thế giới để ngăn Trung Quốc hưởng lợi từ việc vận chuyển hàng hóa với chi phí thấp. Trên phương diện ngoại giao và quân sự, Mỹ khẳng định sẽ bán vũ khí cho Đài Loan, gia tăng tần suất tuần tra của máy bay ném bom kết hợp với tập trận chung trên Biển Đông và eo biển Đài Loan vào tháng 11. Cá nhân Tổng thống Donald Trump từng bóng gió rằng Washington có thể trừng phạt doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng đảo nhân tạo. Gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tại Singapore ngày 19/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tái khẳng định Mỹ sẽ không chấp nhận việc Trung Quốc quân sự hóa hay sử dụng vũ lực trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp ngăn chặn bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào thống trị vùng biển này.
Tàu USS Decatur của Mỹ đang tuần tra về tự do hàng hải ở Biển Đông. (Ảnh: Reuters) |
Với căng thẳng gia tăng trên Biển Đông gần đây, các nước liên quan, đặc biệt là ASEAN cần cẩn trọng quan sát, đồng thời chung tay hành động vì vấn đề an ninh khu vực, không để một quốc gia đơn lẻ nào có thể viết lại các quy định quốc tế đối với tuyến đường biển này; mọi quốc gia lớn và nhỏ đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Các đại diện ASEAN đã thông qua Hướng dẫn về Va chạm Quân sự trên không (GAME), được Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nhận định là “chiếc đai an toàn, nó không bảo vệ được hoàn toàn, nhưng ít nhất cũng đem lại một cơ chế phòng ngừa nào đó”.
Về phần mình, “với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về quyền tự do hàng hải, hàng không được thực hiện phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982". "Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp thiết thực và tích cực để duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương".