📞

Vì tương lai dòng Mekong-Lan Thương

Nguyễn Minh Quang - Vũ Thị Thanh Tú 08:00 | 30/03/2024
Cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) ra đời tháng 3/2016, quy tụ sáu quốc gia ven sông là Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ tư được tổ chức theo hình thức trực tuyến, ngày 25/12/2023. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Với nội dung hợp tác mở, bao trùm và thích ứng với các xu thế lớn trên thế giới và khu vực, MLC đã phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho các nước thành viên, góp phần thúc đẩy hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng.

Nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của sông Mekong, thời gian qua, các quốc gia trong và ngoài khu vực đã tích cực khai thác các cơ chế hợp tác bảo vệ môi trường, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững.

Thể chế hóa và mở rộng hợp tác

Ngày 23/3/2016, các nhà lãnh đạo cấp cao sáu nước tiểu vùng Mekong mở rộng gồm Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan đã thông qua Tuyên bố Tam Á, chính thức thành lập cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương.

Tuyên bố Tam Á xác định khuôn khổ hợp tác MLC dựa trên ba trụ cột: Một là, chính trị và an ninh; Hai là, kinh tế và phát triển bền vững; Ba là, xã hội, văn hóa và giao lưu con người; đồng thời đề ra năm phương hướng ưu tiên là: Kết nối, nâng cao năng lực sản xuất; thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên biên giới; hợp tác quản lý tài nguyên nước; phát triển nông nghiệp và nỗ lực xóa đói giảm nghèo.

Trong tám năm qua, MLC từng bước hoàn thiện cơ chế và tích cực triển khai các dự án trên thực địa tại các nước thành viên. Cho đến nay, MLC cơ bản duy trì cơ chế họp cấp cao hai năm/lần, họp thường niên cấp Bộ trưởng, họp SOM và các nhóm làm việc.

Sáu nước thành viên thống nhất thành lập năm trung tâm hợp tác trong khuôn khổ MLC gồm: Trung tâm hợp tác về tài nguyên nước, Trung tâm hợp tác môi trường, Trung tâm hợp tác nông nghiệp, Trung tâm hợp tác giao lưu thanh niên và trung tâm đào tạo hướng nghiệp; thúc đẩy trao đổi học thuật thông qua thành lập Trung tâm nghiên cứu toàn cầu về Mekong.

Ngày 18/12/2019, Trung tâm Hợp tác tài nguyên nước Lan Thương-Mekong đã ký Thỏa thuận hợp tác với Ban thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC) cam kết hợp tác trao đổi dữ liệu và thông tin, giám sát toàn lưu vực, đánh giá chung về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan ở sông Mekong được hiệu quả hơn.

Tại Hội nghị cấp cao hợp tác MLC lần thứ tư và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao MLC lần thứ tám (tháng 12/2023), sáu nước thành viên đã đạt đồng thuận quan trọng về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kết nối, phát triển xanh và các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh hợp tác nguồn nước, môi trường có nhiều bước tiến, đặc biệt trong chia sẻ thông tin số liệu thuỷ văn cả năm của sông Mekong - Lan Thương, thực hiện các nghiên cứu chung về dự báo lũ lụt, phòng chống thiên tai.

Hàng loạt chương trình, hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục đào tạo, quảng bá du lịch đã được tổ chức thành công, góp phần củng cố tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân sáu nước.

Các nhà lãnh đạo đánh giá cao việc hơn 300 dự án hỗ trợ kỹ thuật đã được triển khai với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ đặc biệt Mekong-Lan Thương, mang lại những kết quả thiết thực cho người dân.

Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, nhấn mạnh phương châm ưu tiên phát triển, lấy người dân làm trung tâm, hài hoà giữa con người và thiên nhiên, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực cho phát triển, các nhà lãnh đạo ưu tiên hợp tác quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước sông Mekong thông qua hợp tác về chia sẻ thông tin số liệu thuỷ văn, giảm thiểu rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, các nước ủng hộ nỗ lực tăng cường phối hợp, bổ trợ hài hoà giữa MLC với ASEAN, Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững cũng như các cơ chế hợp tác và sáng kiến liên kết tiểu vùng và khu vực khác.

Hội nghị đã thông qua ba văn kiện quan trọng gồm: một là Tuyên bố Nay Pyi Taw, nhất trí thúc đẩy Vành đai phát triển kinh tế Mekong-Lan Thương; hai là Kế hoạch hành động năm năm mới từ 2023-2027; ba là Sáng kiến chung về Phát triển hành lang đổi mới hợp tác Mekong-Lan Thương. Nội dung các văn kiện khẳng định MLC hướng tới các hoạt động hợp tác chất lượng cao, không ngừng hiện đại hoá, tạo động lực mới cho hợp tác tiểu vùng, hỗ trợ các nước phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Tại hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đưa ra bốn đề xuất nhằm tăng cường hợp tác Mekong-Lan Thương: Thứ nhất, tăng cường phát triển hội nhập, cùng lập kế hoạch và thực hiện các dự án chiến lược kết nối khu vực, đồng thời tăng cường hợp tác về kinh tế, phát triển năng lực sản xuất, nông nghiệp, sản xuất thông minh; Thứ hai, tăng cường hợp tác xanh, tôn trọng đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước trong việc phát triển và sử dụng hợp lý tài nguyên nước, tăng cường hợp tác toàn lưu vực sông Mekong; Thứ ba, tăng cường quản lý an ninh, thúc đẩy hơn nữa “Hành động Mekong - Lan Thương an toàn” và trấn áp mạnh mẽ các hoạt động tội phạm trực tuyến; Thứ tư, tăng cường giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, tạo ra những điểm nhấn mới trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực, hợp tác địa phương và các lĩnh vực khác.

Sự tham gia của Việt Nam

Việt Nam đã chủ động tham gia MLC ngay từ giai đoạn đầu sau khi cơ chế này được thành lập. Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác bảo vệ, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và coi đây là một trọng tâm hợp tác giữa sáu nước thành viên; đề xuất một số sáng kiến, dự án hợp tác về bảo đảm an ninh nguồn nước, thiết lập kênh liên lạc (đường dây nóng) phối hợp xử lý các tình huống khẩn cấp trên sông Mekong; tổ chức nhiều hội thảo trong nước và quốc tế về hợp tác tiểu vùng, hoạt động hợp tác nghiên cứu trong khuôn khổ Trung tâm nghiên cứu Mekong.

Tại Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ tư (12/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất ba nội dung ưu tiên của MLC trong giai đoạn tới gồm:

Thứ nhất, xây dựng khu vực Mekong-Lan Thương hiện đại và phát triển, với phương châm là khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của từng nước cũng như của cả sáu quốc gia; coi nội lực là cơ bản, chiến lược và ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Thứ hai, xây dựng khu vực Mekong-Lan Thương xanh, bền vững và bao trùm, bảo đảm sự hài hòa giữa hiện tại và tương lai, giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực và mục tiêu của phát triển và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ưu tiên trước mắt là hỗ trợ các nước thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc 2030, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các cam kết về cắt giảm khí thải carbon hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Đồng thời, cần tăng cường hợp tác toàn lưu vực về bảo tồn môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững, công bằng và hợp lý dòng sông chung Mekong-Lan Thương, đặc biệt là không làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông.

Thứ ba, xây dựng khu vực Mekong-Lan Thương hòa bình và hợp tác. Theo đó, sáu nước thành viên cần tiếp tục củng cố sự tin cậy, chân thành, đoàn kết đồng lòng, thúc đẩy lợi ích chung và đề cao chủ nghĩa đa phương; tăng cường tính bổ trợ giữa hợp tác Mekong-Lan Thương với ASEAN và các cơ chế hợp tác khu vực, tiểu vùng khác để sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất, tạo cộng hưởng và lan tỏa lợi ích.

Có thể thấy, trong tám năm qua, MLC đã đạt được những thành tựu nổi bật. Cơ chế hợp tác ngày càng hoàn thiện, nội dung ngày càng thực chất, các dự án hợp tác nhỏ, hiệu quả, hướng tới hỗ trợ tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa người dân sáu nước thành viên. Những thành tựu này đáng được nhân rộng trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác.

Trong bối cảnh các quốc gia thành viên MLC đang phải nỗ lực cân bằng giữa mục tiêu phục hồi tăng trưởng trước mắt và phát triển bền vững lâu dài, MLC được kỳ vọng là động lực thúc đẩy hợp tác “cùng thắng”, vì một tiểu vùng Mekong mở rộng hòa bình, ổn định và thịnh vượng.