📞

WHO giữa dịch Covid-19: Người khen kẻ trách

14:12 | 10/04/2020
TGVN. Trong khi Tổng thống Donald Trump chỉ trích Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giới chuyên gia về sức khoẻ cộng đồng lại dành lời khen cho phản ứng của tổ chức này trước đại dịch Covid-19. Tại sao lại như vậy? Bình luận của TG&VN.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích WHO trong cuộc họp báo ngày 8/4 tại Nhà Trắng. (Nguồn: EPE-EPA)

Trong cuộc họp báo ngày 8/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng WHO, với nhiều lời khuyên không hợp lý, có thái độ “thân Trung Quốc” và không công bố hết thông tin cần thiết để Mỹ tiến hành chống dịch Covid-19. Do đó, ông sẽ cân nhắc việc dừng tài trợ cho tổ chức này, phụ thuộc vào đánh giá về các hoạt động của WHO thời gian tới.

Bước hụt đáng tiếc

Chỉ trích này của ông Trump là có cơ sở, xét trên những khía cạnh sau.

Thứ nhất, khi dịch bùng phát, WHO đã khuyến cáo rằng những người khỏe mạnh thì không cần đeo khẩu trang; chỉ người có triệu chứng bất thường về hô hấp, ở chung phòng hay đang chăm sóc bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm SARS-CoV-2 mới cần đeo khẩu trang. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát mạnh, tổ chức này đã quay sang ủng hộ sáng kiến của nhiều chính phủ về bắt buộc, khuyến khích đeo khẩu trang nơi công cộng, bên cạnh việc hạn chế ra đường.

Thứ hai, WHO đã không ủng hộ việc các quốc gia, cụ thể là Mỹ, áp đặt lệnh hạn chế di chuyển với người nước ngoài đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Lawrence Gostin, Giáo sư về sức khoẻ cộng đồng tại Đại học Georgetown (Mỹ), cho rằng đây không hẳn là trách nhiệm của WHO, bởi theo luật pháp quốc tế, tổ chức này không có thẩm quyền để kêu gọi quốc gia có hành động như vậy. Thậm chí, nó còn có thể phản tác dụng, khiến các nước ngại công bố các thông tin cần thiết để chống dịch vì sợ bị cô lập.

Thứ ba, giới chuyên gia cũng cho rằng việc WHO dành nhiều lời khen cho công tác chống dịch của Trung Quốc những ngày đầu là không cần thiết. Số khác lại cho rằng với nguồn lực hạn chế và thiếu vắng chế tài như nhiều tổ chức quốc tế khác, đây là cách WHO đạt được sự tín nhiệm của Trung Quốc, để chuyên gia có thể tới nước sở tại và thu thập thông tin cần thiết.

Chuyên gia khen ngợi

Tuy nhiên, giới chuyên gia về chăm sóc sức khoẻ cộng đồng vẫn đưa ra đánh giá tích cực về phản ứng của WHO trước Covid-19 vì một vài lý do sau.

Giới chuyên gia đánh giá tích cực về phản ứng của WHO trước dịch Covid-19 vừa qua - Ảnh minh hoạ. (Nguồn: AFP)

Thứ nhất, WHO có tiềm lực hạn chế và không tương xứng với trách nhiệm toàn cầu phải đảm nhiệm. Cụ thể, ngân sách hàng năm của tổ chức này là 2,5 tỷ USD và hầu như chưa hề thay đổi trong ba thập kỷ trở lại đây. Theo ông Lawrence Gostin, con số này chỉ tương đương với ngân sách một bệnh viện lớn ở Mỹ và chắc chắn không đủ để đáp ứng nhu cầu y tế toàn cầu ngày một lớn: “Nếu Tổng thống Mỹ là lãnh đạo quan tâm tới sức khoẻ toàn cầu, ông ấy cần đi đầu trong việc tăng cường ngân sách của WHO, tối thiểu là gấp đôi so với hiện nay, để đối phó với đại dịch”.

Đáng chú ý, trong ngân sách 2,5 tỷ USD đã nêu, Mỹ đóng góp tới 200 triệu USD, bỏ xa các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc. Do đó, việc chỉ trích WHO “thân Trung Quốc” vì chuyện cơm áo gạo tiền là không có nhiều cơ sở.

Thứ hai, giới chuyên gia cũng cho rằng dưới sự lãnh đạo của Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus, WHO đã phản ứng tốt với dịch Covid-19. Ông Ashish Jha, giáo sư về sức khoẻ cộng đồng tại Đại học Harvard (Mỹ) cho biết ông từng chỉ trích WHO về phản ứng “thảm hoạ” trước dịch Ebola tại Tây Phi năm 2014, song lần này thì không.

Dù cách ứng phó của WHO chưa hoàn hảo, song tổ chức này đã có bước đi đáng khen: Số liệu được công bố minh bạch và kịp thời; WHO đã giám sát thường xuyên và nhiều lần cảnh báo về mức độ lây lan và sự nguy hiểm của dịch bệnh.

Thứ ba, hoạt động giám sát và cảnh báo của WHO phụ thuộc nhiều vào chính sách, cách tiếp cận vấn đề của các quốc gia. Trong trường hợp dịch Covid-19, đó là Trung Quốc. The Guardian cho rằng việc Trung Quốc chậm trễ trong công bố số liệu người nhiễm tại Vũ Hán và từ chối cho các chuyên gia tiếp cận vùng dịch đã tác động tới nỗ lực của WHO trong giám sát dịch bệnh và cảnh báo về mức độ nguy hiểm, lây lan của Covid-19 tới các quốc gia, bao gồm Mỹ.

Thêm vào đó, ngay khi WHO nhận thức tình trạng lây lan ở Vũ Hán và ông Tedros tuyên bố “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu” ngày 30/1, Mỹ đã không có thay đổi chính sách cần thiết. Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump khẳng định SARS-CoV-2 không phải mối đe doạ nghiêm trọng. Ông Gavin Yamey, giám đốc trung tâm nghiên cứu về tác động chính sách tới sức khoẻ toàn cầu của Đại học Duke (Mỹ) cho rằng nếu tuân thủ khuyến cáo rõ ràng của WHO trong xác định, cách ly và theo dõi nguồn bệnh cùng trường hợp liên quan, Mỹ đã không rơi vào tình trạng hiện nay.

Ở thời điểm hiện tại, tình hình đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và vai trò của WHO trong cảnh báo, khuyến nghị, điều phối các nỗ lực chung trong kiểm soát dịch toàn cầu là quan trọng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, nhiệm vụ này chỉ thành công nếu có sự góp sức từ các quốc gia; đoàn kết sẽ là yếu tố then chốt giúp loài người đứng vững trước kẻ thù vô hình mang tên SARS-CoV-2.