📞

2016: Một năm nhiều lo ngại

15:43 | 04/04/2016
Biển Đông là một trong 10 vấn đề nóng đáng lo ngại nhất của năm 2016, theo liệt kê của Tạp chí nghiên cứu Diplomat & International Canada ngày 1/4.

Tác giả bài viết đã dựa trên cơ sở tham khảo thông tin và quan điểm của nhiều trung tâm nghiên cứu và học giả Canada và trên thế giới - bao gồm Viện PewResearch, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Canada, Trung tâm phân tích số liệu Canada, CSIS, CIA và một số tờ báo, bài viết và viện nghiên cứu khác trên thế giới.

1. Vấn đề IS 

Hình minh họa.

Mặc dù có mục tiêu hết sức điên rồ, song tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lại có cơ cấu chặt chẽ, phức tạp; có nguồn tài chính dồi dào, trang bị, vũ khí tối tân và tuyển dụng được nhiều thành viên trên khắp thế giới, những người ngây thơ và bất mãn với xã hội đang sống (hiện có gần 30.000 tay súng nước ngoài đang phục vụ IS tại Syria và Iraq). Năm 2016 là kỷ niệm 100 năm Hiệp định ngầm Sykes - Picot về Trung Đông, có thể là năm quan trọng đối với IS. Theo ông Ray Boisvert, nguyên Trợ lý Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS), những “kiến trúc sư” của hiệp định nói trên, Anh, Pháp và Nga, có thể trở thành những mục tiêu chính khi IS dùng hiệp định này trong các chiến dịch tuyên truyền của mình. Tuy nhiên, IS sẽ phải đối mặt với đe dọa mang tính tồn vong và phải phản kháng đến cùng khi mà tổ chức này ngày càng mất đi ảnh hưởng do thiếu sự đồng tình của cộng đồng Hồi giáo với những việc làm của mình.

2. Xung đột Trung Đông

Xung đột Israel - Palestine sẽ gia tăng trong năm 2016. (Nguồn: equilibri.net)

Vị trí địa chính trị quan trọng, dầu mỏ và những nguồn tài nguyên khác đã khiến khu vực này thường xuyên sống trong cảnh chiến tranh, là đối tượng tranh giành của các thế lực Âu - Á. Cho đến nay vẫn đang tồn tại một loạt mâu thuẫn, tranh chấp như Israel - Palestine, nội chiến Syria, chia rẽ giữa hai dòng hồi giáo Sunni - Shiite và những xung đột giữa Saudi Arabia với Iran và Yemen bất chấp nhiều nỗ lực quốc tế như hiệp định Oslo giữa Isreal và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) (1993), các hiệp định hòa bình Geneva về Syria (2015). Người ta lo ngại rằng những sự bất ổn tại khu vực này sẽ là cơ hội cho các tổ chức khủng bố phát triển và tăng cường ảnh hưởng; và toàn thế giới phải có phản ứng cụ thể, phải thừa nhận những vấn đề về nhân quyền dai dẳng, liên tục xảy ra tại Trung Đông.

3. Khủng hoảng người tị nạn Syria

Hàng triệu người tị nạn Syria vượt biển tới châu Âu trong năm 2015. (Nguồn: CNN)

Cuộc chiến Syria đã làm hơn 250.000 người chết và gần 11 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Năm 2011, những làn sóng tị nạn đầu tiên được chào đón tại Châu Âu nhưng việc xử lý cơn “sóng thần” hơn 1 triệu người tị nạn đến Châu Âu trong năm 2015 đã trở thành quan ngại của các Chính phủ do áp lực tài chính, khó khăn về xã hội. Hơn nữa, làn sóng này còn là đe dọa về an ninh khi nhiều tay súng IS đã thâm nhập vào châu Âu bằng cách đóng giả người tị nạn và bằng hộ chiếu Syria giả. Theo ông Daniel Byman của Viện nghiên cứu quốc tế Canada, cuộc khủng hoảng này đối với Canada không phải là vấn đề ngắn hạn về hỗ trợ nhân đạo mà là thách thức lâu dài đối với việc hỗ trợ cho người tị nạn hòa nhập vào xã hội sở tại.

4. Sự ảm đạm của kinh tế Canada

Giá dầu mỏ tiếp tục giảm trong năm 2016 sẽ khiến nền kinh tế Bắc Mỹ tiếp tục suy yếu. (Nguồn: CNN)

Theo báo cáo của Cục phân tích chính sách kinh tế của Hà Lan, mức tăng trưởng kinh tế thế giới trung bình trong dài hạn là 5%, trong khi tăng trưởng GDP của Canada trong Quý 3 và Quý 4 năm 2015 đều đạt dưới 0,6%. Cơ quan thống kê Canada cũng cho biết gần 20.000 người thất nghiệp trong năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp của nước này tính đến giữa tháng 3/2016 là 7,9%; nợ của hộ gia đình (household debt) tăng lên mức cao nhất trong 25 năm và nợ quốc gia trong 15 năm qua tăng nhiều hơn tất cả các nước G7 khác. Xu hướng này có vẻ sẽ tiếp tục trong năm 2016 khi dầu mỏ tiếp tục giảm giá, kinh tế Trung Quốc, một trong những thị trường chính của Canada, tiếp tục phát triển chậm chạp.

5. Biến đổi khí hậu

Băng tan Bắc Cực - Hệ quả cực kỳ nguy hiểm của biến đổi khí hậu. (Nguồn: Daily Mail)

Nhiều nguồn phân tích cho rằng vấn đề biến đổi khí hậu phải là vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất trong danh sách những vấn đề cần đối mặt trong thời gian tới vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rất dễ nhận thấy khi nhiệt độ, mực nước biển, số lượng biển ấm trên toàn cầu đều tăng lên, băng tan ở Bắc Cực và nhiều sự kiện nghiêm trọng xảy ra như bão lụt và hạn hán. Nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân chính là sự tăng trưởng dân số, kinh tế toàn cầu và hoạt động của con người làm tăng đáng kể mức khí thải. Hiện nay, vẫn có những sự bất đồng quan điểm về vấn đề này.

6. Kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại

Hình minh họa.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mặc dù có tốc độ phát triển chậm lại trong năm qua song vẫn là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Chính phủ nước này đã phải điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại sau gần một thập kỷ phát triển quá nóng. Việc điều chỉnh này làm giảm giá đáng kể các mặt hàng chủ đạo của Canada như dầu lửa, hóa chất, ni-ken và các khoáng sản khác. Đồng thời, với vai trò là nước có lượng dự trữ USD lớn nhất, chủ nợ lớn nhất của Mỹ, chính sách neo giá đồng nhân dân tệ vào đồng Đô la Mỹ nhằm đảm bảo lợi thế xuất khẩu cũng sẽ có ảnh hưởng đối với Canada.

7. Mối đe dọa từ một nước Nga giận dữ

Hình minh họa.

Tổng thống Nga Putin đổ lỗi cho phương Tây về việc đồng Ruble và kinh tế nước Nga đang giảm sút đáng kể cùng với giá dầu mỏ, nói rằng sự cấm vận của phương Tây đối với nước này sau sự kiện Ukraine đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với kinh tế nước này và khẳng định cuộc chiến tại Ukraine là do phương Tây đạo diễn. Trong nhiều phát biểu, ông cũng đề cập đến âm mưu của Mỹ - Ả rập và cuộc chiến kinh tế chống lại Nga của các nước NATO. Trong khi đó, từ cách nhìn nhận của phương Tây, việc xâm lược Ukraine là một phần kế hoạch đối đầu với phương Tây rộng lớn hơn của Nga. Hơn nữa, cách chống khủng bố của Nga có thể thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan phát triển lên một cấp độ mới.

Theo tờ Economist (Mỹ), 25 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, sự đe dọa từ phía Đông lớn hơn bao giờ hết. Khác với các nhà lãnh đạo Liên Xô trước đây, Tổng thống Putin không bị giới hạn nào về quyền lực và quyền lợi cá nhân của ông trở thành quyền lợi của nước Nga. Bản chất toàn cầu của các tổ chức khủng bố, thái độ của Nga với NATO, sự ủng hộ nhiệt tình của người Nga đối với ông Putin khiến cho các khó khăn của nước này trở thành lo ngại của cả thế giới.

8. Sự khiêu khích tại Biển Đông

Trung Quốc đang có nhiều động thái gây căng thẳng ở Biển Đông.

Những căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực hàng hải chiến lược này đe dọa leo thang thành các hoạt động quân sự. Một phần ba hàng hóa của toàn thế giới di chuyển qua khu vực này, kéo dài từ Singapore và eo biển Malacca đến eo biển Đài Loan. Khu vực này cũng có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt rất lớn. Trong khi mỗi nước tuyên bố chủ quyền với một số hòn đảo trong khu vực thì Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với toàn bộ vùng biển, đồng thời hiện đang tiến hành xây dựng hàng loạt các đảo nhân tạo và thiết lập nhiều cơ sở quân sự trên đó, hủy hoại các đá ngầm tự nhiên, làm gia tăng căng thẳng về địa chính trị và cạnh tranh với Mỹ. Trung Quốc nói rằng các cơ sở quân sự được xây dựng để bảo vệ các hòn đảo và Mỹ đang cố tình khiêu khích khi cho tàu tuần tra trong khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Gần đây, Philippines đã thách thức Trung Quốc bằng cách đưa vụ kiện “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông ra trước Tòa án Quốc tế về Luật biển tại The Hague. Mỹ thì có lợi ích trong việc duy trì tự do hàng hải và các đường truyền thông tin trong khu vực, đồng thời giữ cho các tranh chấp lãnh thổ không leo thang thành chiến tranh. Hiệp định phòng thủ chung của Mỹ với Philippines có thể kéo Mỹ vào tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines liên quan đến khí đốt và khu vực đánh bắt hải sản. Thêm vào đó, tại biển Hoa Đông, Trung Quốc cũng đang tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền quẩn đảo Senkaku/Điếu Ngư. Quần đảo này trở thành lãnh thổ của Nhật từ năm 1895, và Trung Quốc bắt đầu tuyên bố chủ quyền từ những năm 70. Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Nhật sẽ buộc Mỹ tham gia nếu hai bên có đối đầu về quân sự và điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.

9. Tấn công mạng

Hình minh họa.

Các vụ tấn công trên mạng tập trung vào việc giả mạo email để lấy thông tin cá nhân liên quan đến tài khoản ngân hàng, dịch vụ truyền thông cũng như quyền truy cập vào các thông tin mật. Đối tượng chính của loại hình tấn công này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mối đe dọa này ảnh hưởng đến hàng triệu người và tiêu tốn của các công ty khoảng 400 tỷ USD mỗi năm, và tình trạng sẽ tệ hơn nữa trong thời gian tới vì không ai đứng ra ngăn cản hiểm họa này.

10. Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ

Hình minh họa.

Đối với cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, việc thay đổi bộ máy chính quyền không chỉ dừng lại ở những chuyển dịch mạnh mẽ trong công tác hoạch định và thực thi chính sách đối nội - đối ngoại của nước này mà còn dẫn đến những tác động mạnh mẽ tới hệ thống kinh tế - chính trị quốc tế, nơi Washington đóng vai trò vô cùng quan trọng. Sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay đặc biệt gây "tiếng vang" với cuộc chạy đua gay cấn của các ứng cử viên nổi tiếng như tỷ phú Donald Trump hay cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton.

(gt)