Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2017, mở ra một kỷ nguyên mới cho nước Mỹ sau 8 năm cầm quyền của Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama.
Hoàn thiện bộ máy chậm
Tính đến ngày 14/2, theo thống kê của tờ The Atlantic, Nội các của chính quyền Trump hoàn thiện được 60%, chậm nhất so với 5 đời Tổng thống trước đó, gồm cựu Tổng thống Obama (năm 2009) là 79%, cựu Tổng thống Bush con (2001) là 100%, cựu Tổng thống Clinton (1993) là 93%, cựu Tổng thống Bush cha (1989) là 64% và cựu Tổng thống Reagan (1981) là 100%.
Kết quả bỏ phiếu thông qua các đề cử của Tổng thống Trump tại Thượng viện cho thấy độ chênh khá lớn giữa các ứng viên, dự báo tương lai sự nghiệp của họ suôn sẻ hay “gập ghềnh”.
Có những hồ sơ chiếm được sự tin tưởng hoàn toàn hoặc tương đối cao tại Thượng viện như Bộ trưởng Thương binh David Shulkin (tỷ lệ 100 – 0), Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis (98 – 1), Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley… Có những đề cử ở thế giằng co tương đối – đa số đảng viên của 1 đảng bỏ phiếu chống lại đa số đảng viên của đảng khác (party – line vote) như Ngoại trưởng Rex Tillerson (56 – 43), Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin (53 – 47), Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions (52- 47)...
Trong khi đó, có những đề cử có tỉ lệ ủng hộ sát sao như Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos (51 - 50, phải dùng đến lá phiếu của Chủ tịch Thượng viện, Phó Tổng thống Mike Pence) và Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mick Mulvaney (51 – 49).
Trong 5 vị trí đang đợi bỏ phiếu toàn Thượng viện có các vị trí chủ chốt về kinh tế - thương mại như Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer.
Trong bối cảnh tốc độ hoàn thiện bộ máy diễn ra khá chậm, chính quyền không dưới 1 lần buộc phải "thay ngựa giữa dòng". Ông Alexander Acosta – đề cử mới cho ghế Bộ trưởng Lao động thay ông Andrew Puzder, người đã rút lui vào ngày 15/2 do scandal cá nhân. Bà Sally Yates – Quyền Bộ trưởng Tư pháp, bị sa thải do bất đồng quan điểm về chính sách nhập cư. Ngoài ra, Cố vấn An ninh quốc gia Mike Flynn, nhân vật chủ chốt trong hoạch định chính sách đối ngoại của Nhà Trắng, cũng buộc phải từ chức do các cáo buộc liên quan đến quan hệ thân thiết với Nga sau nhiều nỗ lực bảo vệ không thành của chính quyền.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn. (Nguồn: Reuters) |
Không chỉ gặp một số vấn đề về nhân sự, phương thức vận hành của bộ máy mới hiện vẫn chưa vượt qua giai đoạn sơ khai. Theo thông lệ, website của Nhà Trắng là cách tiếp cận nhanh nhất và chính xác nhất thông tin liên quan đến hoạt động đối nội và đối ngoại. Tuy nhiên, hiện các thông tin cập nhật trên website còn khá chậm so với diễn tiến thực tế, trong khi thông tin trên báo chí lại nhiều và nhanh nhạy hơn.
Về cơ cấu, Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump có hai điểm mới đáng chú ý nhất. Thứ nhất, Tổng thống công bố Bản ghi nhớ về Hội đồng An ninh quốc gia, theo đó gạt bỏ quan chức quân sự cao cấp nhất là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia, đồng thời bổ sung Chiến lược gia trưởng Steve Bannon vào danh sách thành viên thường trực của Ủy ban thường trực (PC). Quyết định này của Tổng thống ngay lập tức đã gây bão dư luận rất lớn, đặc biệt là sự góp mặt “mang tính bất thường” và được cho là “sai lầm” của Steve Bannon – 1 nhân vật chưa có nhiều kinh nghiệm đối ngoại, có tư tưởng cực đoan, “buông rèm nhiếp chính” sau các quyết định lớn của Tổng thống, trong đó có sắc lệnh cấm nhập cư.
Thứ hai, việc Nhà Trắng thành lập mới Hội đồng Thương mại quốc gia do nhà kinh tế Peter Navarro đứng đầu – cơ quan ngay từ khi ra đời đã được xem là “cán cân” với Đại diện Thương mại Mỹ, do chức năng chính của cơ quan này là cố vấn đàm phán thương mại.
Mâu thuẫn nội bộ không ngừng tăng
Trước hết phải kể đến những lo ngại liên quan đến cá nhân Tổng thống và gia đình ông. Xung đột lợi ích thể hiện ở khối tài sản do Tổng thống Trump sở hữu ước tính lên tới 3,7 tỷ USD với hơn 500 doanh nghiệp khác nhau. Để ngăn ngừa và giảm trừ mối lo ngại này, các nghị sỹ Quốc hội đã ngay lập tức đề xuất các biện pháp.
Hạ nghị sỹ Eliot Engel, thành viên cao cấp của Ủy ban Năng lượng Nhà ở và Thương mại, đã đồng bảo trợ Dự luật H.R. 6340 về Tín nhiệm Tổng thống cho phép bổ sung thêm điều khoản về xung đột lợi ích áp dụng cho Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ. Các Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ cũng lên kế hoạch đề xuất dự luật yêu cầu Tổng thống từ bỏ bất cứ các khoản tài chính nào có thể dẫn tới xung đột lợi ích.
Trước sức ép chính trị nội bộ, Tổng thống Trump tuyên bố đã bán hết cổ phiếu công ty riêng từ tháng 6/2016, đồng thời rút lui khỏi việc kinh doanh để hoàn toàn tập trung vào việc điều hành đất nước và khôi phục nước Mỹ “vĩ đại trở lại".
Hiện tượng “gia đình trị” được thể hiện khá rõ trong Chính quyền Trump. Theo Điều 3110, Mục 5 của Bộ Luật Liên bang Mỹ, quan chức nhà nước không được chỉ định người nhà vào một vị trí dân sự trong cơ quan mà quan chức này đang làm việc hoặc kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn có khe hở của quy định này được Chính quyền Trump lách luật, đó là nếu người thân được bổ nhiệm thì sẽ không được hưởng lương hoặc vẫn cho phép chỉ định người nhà nếu như không còn ứng viên nào khác đủ khả năng.
Trên thực tế, kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, con gái Ivanka Trump và chồng Jared Kushner đã nhiều lần tham gia vào các cuộc họp của Tổng thống với lãnh đạo thế giới (Nhật Bản, Canada, Argentina...) và lãnh đạo của các doanh nghiệp, đồng thời cố vấn cho Tổng thống về các ứng viên quan trọng cho Nội các mới, gần đây nhất là vị trí Cố vấn An ninh quốc gia. Tờ Time thậm chí còn nhận định Kushner là "Chánh Văn phòng thứ ba" cùng với Chánh Văn phòng Nhà trắng Reince Priebus và Chiến lược gia trưởng Steve Bannon.
Ông Trump cùng con rể Jared Kushner và con gái Ivanka Trump. (Nguồn: Town and Country Magazine) |
Bên cạnh đó, đã bắt đầu xuất hiện những lời đồn đoán về mối quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” trong “nội cung” của chính quyền Trump. CNN dẫn nguồn tin thân cận cho biết Tổng thống Trump đã không ít lần thất vọng trước sự thể hiện của Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer khi ông này tranh luận về số lượng người dự lễ nhậm chức của Trump một cách không cần thiết, từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên trong lần xuất hiện đầu tiên.
Tổng thống Trump thậm chí khiển trách Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus vì mối quan hệ thân quen đã giới thiệu Sean Spicer vào vị trí này. Đồng thời, không ít tin đồn cho rằng giữa ông Priebus và những người thân cận đang tồn tại mối quan hệ căng thẳng với Chiến lược gia trưởng Steve Bannon – người được Trump đặc biệt tin dùng kể từ khi tranh cử.
Chính quyền Tổng thống Trump đang gặp mâu thuẫn với người dân. Tính đến ngày 20/1, đúng tròn 1 tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã ký 12 sắc lệnh hành pháp, con số kỉ lục từ trước tới nay. Dưới chính quyền Obama, số sắc lệnh hành pháp Tổng thống ký trung bình mỗi năm là 35. Đáng chú ý là sắc lệnh cấm nhập cư của ông Trump đã gây phản ứng trái chiều trong dư luận, đặc biệt là nhóm người nhập cư từ 7 nước đạo Hồi.
Ngày 14/2, Fox News công bố kết quả thăm dò dư luận, theo đó, 52% người được hỏi phản đối lệnh cấm, 46% ủng hộ và 2% chưa chắc chắn về câu trả lời. Trong một cuộc thăm dò khác, 48% người được hỏi cho rằng lệnh cấm đã “đi quá xa”, 12% cho rằng “chưa đủ xa”, 38% nhận định là “vừa phải” trong khi 2% chưa chắc chắn.
Dù kết quả mỗi cuộc thăm dò có sai số, tuy nhiên, với những cam kết quốc tế về cứu trợ nhân đạo nói chung và người tị nạn nói riêng của Mỹ từ trước tới nay, trong đó có thỏa thuận đã ký với Australia cũng như trước việc Tòa án liên bang ra phán quyết chặn việc thực thi sắc lệnh, chính quyền Trump đã buộc phải tính đến giải pháp ban bố lệnh nhập cư mới “toàn diện hơn”.
Ngày 20/2, số người biểu tình “Chống lại ngày Tổng thống” trước khách sạn Trump đã lên tới hàng nghìn người. Các cuộc biểu tình khác ở New York cũng như 25 thành phố toàn liên bang cũng đồng loạt diễn ra. Thăm dò dư luận mới đây của Gallup vào ngày 19/2 cho thấy mức độ ủng hộ ông Trump đã tụt xuống dưới mức 45%, thấp hơn thời điểm nhậm chức, trong khi tỷ lệ phản đối là trên 50%, tăng vọt so với mức 45% ở thời điểm 20/1.
Những người biểu tình phản đối ông Trump ở New York. (Nguồn: AP) |
Sự đấu tranh trong nội bộ đảng vẫn diễn ra âm thầm, dai dẳng, có những lúc công khai, kể từ khi có kết quả bầu cử Tổng thống. Các làn sóng cáo buộc gian lận kiểm phiếu, điều tra sự can dự của Nga vào bầu cử Mỹ cũng như quan hệ thân thiết giữa chính quyền mới với Nga, kêu gọi bãi nhiệm liên tục bủa vây Tổng thống Trump. Sau khi vượt qua cơn bão kiểm phiếu lại, chính quyền Trump đã vấp phải "cú ngã ngựa" đầu tiên, đó là việc Tổng thống buộc yêu cầu Cố vấn An ninh quốc gia Mike Flynn viết đơn từ chức.
Làn sóng đòi điều tra quan hệ giữa chính quyền Trump và Nga hiện vẫn tiếp tục dâng cao khi Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Jason Chaffetz đề nghị Bộ Tư pháp điều tra các vụ rò rỉ tài liệu an ninh mật liên quan đến việc sa thải ông Flynn. Các nghị sỹ đảng Dân chủ - đảng vừa trắng tay trong cả ba cuộc đua vào Nhà Trắng và lưỡng viện đã kêu gọi điều tra lưỡng đảng về quan hệ giữa chính quyền Trump - Nga. Hạ nghị sỹ Dân chủ Earl Blumenauer thậm chí đã đứng ra thành lập nhóm làm việc để rà soát Tu chính án 25 về việc làm thế nào để bãi nhiệm một Tổng thống do lo ngại trước các việc làm của ông Trump.
Cuối cùng là mâu thuẫn giữa chính quyền với giới tình báo và báo chí. Sau khi CIA ra báo cáo điều tra về khả năng chính phủ Nga tìm cách tác động đến bầu cử Tổng thống Mỹ, Tổng thống Trump đã chỉ trích thẳng tay rằng đó là “báo cáo ngớ ngẩn”. Ông thậm chí quyết định gạt Giám đốc CIA ra khỏi Ủy ban thường trực của Hội đồng An ninh quốc gia.
Quan hệ vốn dĩ không mấy tốt đẹp giữa ứng viên Trump với báo chí từ thời kỳ tranh cử tiếp tục tồi tệ hơn khi ông lên nắm quyền, thể hiện qua việc ông chỉ tay mắng phóng viên CNN và từ chối trả lời – điều chưa từng có trong tiền lệ. Ông cũng thường xuyên xem truyền thông Mỹ “là giả mạo”, “chỉnh sửa”, “thiếu thành thực” và “mất kiểm soát nghiêm trọng”.