📞

4 đặc tính của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp

20:26 | 28/04/2017
Đây là những nhận định của nhà kinh tế trưởng Scott B. MacDonald (Viện nghiên cứu SRG) liên quan đến cuộc chạy đua vào Điện Elysee năm nay.

Vòng một cuộc bầu cử Tổng thống của Pháp đã kết thúc với kết quả là ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen sẽ bước vào cuộc bỏ phiếu vòng hai vào ngày 7/5 tới. Hai ứng cử viên này đại diện cho hai nền tảng hoàn toàn khác biệt của người Pháp, một theo chủ nghĩa dân tộc và một theo chủ trương hội nhập sâu rộng hơn với Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc chạy đua của “những kẻ ngoại đạo”

Trước hết, cần phải hiểu rằng đây là cuộc đua của “những kẻ ngoại lai”. Thực tế là đảng Mặt trận Dân tộc (FN) của bà Le Pen và đảng Tiến bước (En Marche!) mới được thành lập hồi cuối năm ngoái của ông Macron, chưa bao giờ nắm quyền lực. Hai chính đảng là đảng Cộng hòa và đảng Xã hội đã thống trị nền chính trị Pháp từ năm 1958 cho đến nay.

Lần đầu tiên trong các kỳ bầu cử Tổng thống Pháp, không một ứng cử viên trong chính đảng nào lọt vào vòng hai. Kết quả này phản ánh sự thờ ơ sâu sắc của dân chúng Pháp với các đảng phái truyền thống và thái độ sẵn sàng đón nhận những “người ngoại đạo”.

Ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen. (Nguồn: Politico)

Quan điểm hoàn toàn đối lập

Trọng tâm quan điểm chính trị của bà Le Pen xoay quanh quốc gia. Cụ thể, bà ủng hộ mạnh mẽ việc bảo vệ biên giới, bảo hộ thương mại, sự trở lại của đồng Franc. Đồng thời, bà Le Pen cũng muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Pháp, ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Nga và mở rộng nền kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, ông Marcon tuyên bố sẽ cứng rắn trong các hoạt động chống khủng bố và ủng hộ những lý tưởng của nền dân chủ tự do. Ngược lại với bà Le Pen, ứng cử viên trung dung Macron ủng hộ việc hợp tác tốt hơn với EU, cải tổ tài chính nhà nước, cắt giảm phúc lợi xã hội, duy trì quyền tự chủ của ngân hàng trung ương và đẩy mạnh việc bãi bỏ quy định về thị trường lao động. Không giống như cách tiếp cận của bà Le Pen về kinh tế, ông Macron thực sự quan tâm đến các vấn đề như sự phụ thuộc quá mức vào chi tiêu công, sự nảy sinh nợ công của khu vực công và nhu cầu tăng trưởng kinh tế để giảm tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao (10% theo số liệu thống kê vào tháng 2).

Quan điểm đối lập của hai ứng cử viên vào vòng hai trong cuộc đua vào Điện Elysee đã được tờ Financial Times bình luận: "Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đã biến thành một cuộc đua song mã giữa hai kẻ ngoại đạo: một kiên định ủng hộ trật tự tự do sau chiến tranh và người kia tranh đấu dữ dội nhằm mục đích lật đổ nó”.

Độ chính xác của các cuộc thăm dò

Qua kết quả bầu cử vòng một, có thể thấy rằng các cuộc thăm dò ý kiến ​​của Pháp tỏ ra chính xác hơn hẳn so với các cuộc thăm dò ở Anh và Mỹ. Trong vài tháng qua, các cuộc thăm dò ý kiến ​​của Pháp đều nhất quán trong việc đưa hai ứng cử viên Le Pen và Macron đi vào vòng hai.

Hiện tại, các cuộc thăm dò chỉ ra rằng ông Macron sẽ đánh bại bà Le Pen với tỷ lệ 60-40. Mặc dù kết quả cuối cùng có thể sẽ sít sao hơn nhưng khuynh hướng trong bầu cử của Pháp từ trước đến nay đem lại ít lợi thế hơn cho bà Le Pen. Điều này từng xảy ra hồi năm 2002, khi ông Jean-Marie Le Pen (cha của bà Marine Le Pen), từng đối đầu với ông Jacques Chirac trong vòng đua cuối cùng của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Kết quả là ông Jacques Chirac đã giành chiến thắng với 82,2% phiếu bầu và ông Jean-Marie Le Pen chỉ giành 17,8%.

Ông Jacques Chirac và ông Jean Marie Le Pen. (Nguồn: AP)

Theo kết quả thăm dò ý kiến ​​mới nhất do Ipsos tiến hành, ông Macron giành được 62% phiếu bầu và bà Le Pen giành 38%. Điều này cho thấy khả năng cao chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về ứng cử viên 39 tuổi Marcon.

Ai chiến thắng đều đối mặt với vô vàn thách thức

Mặc dù những cam kết lợi ích đã khiến cho ứng cử viên đảng Tiến bước Macron hấp dẫn hơn đối với cử tri Pháp nhưng phong trào chính trị của ông còn thiếu một cơ sở lập pháp vững chắc. Đảng Tiến bước có lẽ sẽ giành được ghế trong Quốc hội Pháp, nhưng nếu ông Macron muốn nắm thực quyền của ngôi vị Tổng thống Pháp thì sẽ cần phải hình thành liên minh với cả cánh tả và cánh hữu. Mặt khác, mặc dù tình hình kinh tế Pháp đã được cải thiện trong vài tháng qua, tăng trưởng GDP theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến ​​sẽ chỉ duy trì ở mức dưới 2,0 % trong năm nay và năm tới. Hơn nữa, nhiều cải cách do ông Macron tiến hành có thể sẽ gây ra sự phản đối của công chúng vì chúng có khả năng thu hẹp một số lợi ích mà người Pháp đang được hưởng.

Trong khi đó, thách thức của bà Le Pen nếu làm chủ Điện Elysee sẽ là làm thế nào để mở rộng các lợi ích quốc gia khi rút khỏi Khu vực đồng tiền chung Euro, điều có thể phá vỡ hệ thống tiền tệ quốc gia, đòi hỏi phải tái định danh các khoản nợ sang đồng tiền khác. Quá trình "Frexit" được dự báo thậm chí sẽ còn khó khăn hơn những gì mà nước Anh đang phải đối mặt.

Nếu bà Le Pen đắc cử, quá trình Frexit mà bà hứa hẹn dự báo sẽ làm rung chuyển cả nước Pháp. (Nguồn: Getty)

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay rất quan trọng không chỉ với riêng mình nước Pháp mà còn với cả phần còn lại của châu Âu. Pháp là một trong những nhân tố sáng lập ra EU. Bên cạnh đó, nước Pháp cũng đang nắm giữ vai trò kiến tạo trong việc quảng bá những giá trị trên trường quốc tế. Với các cuộc bầu cử sắp tới ở Đức, Anh và có thể cả Italy, những gì sắp xảy ra ở nước Pháp chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc. Chiến thắng của ông Macron sẽ là điều tốt lành cho châu Âu và ngược lại chiến thắng của Le Pen sẽ là một cú đánh trực tiếp vào EU. Mặc dù ngày 7/5 tới là ngày đi bỏ phiếu của riêng cử tri Pháp nhưng nó sẽ được theo dõi sát sao bởi phần còn lại của châu Âu.

(theo National Interest)