Những thay đổi thật sự mà Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể mang lại cho nước Mỹ sẽ chỉ thực sự xảy ra sau khi ông nhậm chức ngày 20/1/2017. Tuy nhiên cho đến nay, qua những phát ngôn và động thái mới đây của ông Trump, có thể dễ dàng nhận ra 5 vấn đề chính trị quốc tế lớn mà có thể biến thành rủi ro nếu ông Trump không đối phó khôn khéo.
Đối với Nga
Những phát biểu hùng hồn và các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo trên thế giới của ông Trump đã thể hiện mong muốn xích lại gần nước Nga. Ngược lại, Điện Kremlin cũng thể hiện hy vọng Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế với Nga sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea.
Rõ ràng, ông Trump có thể đạt được lợi ích chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Syria thông qua việc chấm dứt yêu cầu lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, việc thực hiện những thay đổi này sẽ gây nhiều tranh cãi.
Tin đồn về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cùng với việc bổ nhiệm vị trí Ngoại trưởng Mỹ cho ông Rex Tillerson, người có quan hệ tốt với Nga, đã làm dấy lên sự quan ngại về bản chất thực sự của mối quan hệ giữa ông Trump và nước Nga. Dù có bỏ qua các giả thuyết cho rằng, có sự thông đồng giữa hai bên thì nhiều thành viên quan trọng trong Quốc hội Mỹ, bao gồm các thành viên hàng đầu của đảng Cộng hoà như John McCain và Lindsey Graham, cũng tỏ ra rất ngại ngần trước sự thay đổi quan hệ với cựu thù Chiến tranh Lạnh của nước Mỹ.
Nếu muốn “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” chính quyền Trump nên cân nhắc kĩ trước khi đưa ra những chính sách, chiến lược. (Nguồn: Reuters) |
Đối với Liên minh Châu Âu (EU)
Hiện nay, Chính phủ Pháp và Đức đang lo ngại Tổng thống đắc cử Mỹ có thể sẽ tìm cách hỗ trợ lực lượng cực hữu châu Âu thông qua việc ủng hộ bà Marine Le Pen trong cuộc tranh cử Tổng thống Pháp tháng 5/2017 hay ủng hộ ứng cử viên của đảng Sự lựa chọn khác cho Đức (AfD) trong các cuộc bầu cử của Đức vào tháng 9. Trong trường hợp này, đây là viễn cảnh mà các đảng cầm quyền tại châu Âu không hề mong muốn.
Ngoài ra, phát ngôn gần đây của ông Trump miêu tả mối quan hệ đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) “lỗi thời” cũng là một trong những quan điểm đáng lo ngại với EU. Rõ ràng, bất kỳ nỗ lực nào đả phá NATO hoặc phá hoại Chính phủ các nước đồng minh châu Âu đều sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của Quốc hội và giới truyền thông Mỹ, đồng thời có thể sẽ phá hỏng nhiệm kì Tổng thống của ông Trump.
Đối với với Iran
Ông Trump từng nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử rằng khi đắc cử ông sẽ xóa bỏ thỏa thuận thạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), đồng thời cho rằng đây là thỏa thuận tồi tệ nhất từng được thương lượng.
Về mặt pháp lý, Mỹ có thể đơn thuần rút khỏi một thỏa thuận quốc tế không mang tính ràng buộc. Nhưng các hậu quả về chính sách của quyết định này sẽ vô cùng lớn. Không những quyết định đó sẽ gây phẫn nộ cho các bên khác ký kết thỏa thuận, trong đó có các đồng minh châu Âu của Mỹ đang nóng lòng mở rộng quan hệ với Iran, mà nó còn dồn ép Iran tái tục chương trình hạt nhân.
Việc phá hỏng thoả thuận hạt nhân có thể đẩy Mỹ tới cuộc chiến tranh với Iran. Tuy nhiên, việc tạo ra một cuộc xung đột khác tại Trung Đông có lẽ là điều ông Trump – người từng phản đối cuộc chiến Iraq – không mong muốn.
Ông Trump từng nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử rằng khi đắc cử ông sẽ xóa bỏ thỏa thuận thạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1. (Nguồn: Reuters) |
Về vấn đề Trung Đông và chủ nghĩa khủng bố
Từ trước đến nay, ông Trump luôn bày tỏ ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn với chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, các cố vấn của ông chưa nhất trí chủ trương này thực sự sẽ được triển khai như thế nào. Một số người ủng hộ sự can thiệp quân sự và chính trị sâu hơn của Mỹ tại Trung Đông trong khi một số khác lại tranh luận rằng chính sách như vậy sẽ phản tác dụng. Do đó, ông Trump sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và nguy cơ trong việc giải bài toán chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan trong nhiệm kỳ sắp tới.
Đối với Trung Quốc
Vấn đề quốc tế quan trọng nhất hiện nay của Mỹ là việc ứng phó với vị thế ngày càng tăng của Trung Quốc. Các động thái gần đây của ông Trump cho thấy Washington có thể sẽ có thay đổi lớn trong cách tiếp cận với Bắc Kinh theo xu hướng gia tăng căng thẳng.
Ông Trump từng đề cập đến việc áp dụng các loại thuế trừng phạt với hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Đặc biệt, cuộc điện đàm của ông Trump với người đứng đầu Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn đã thay đổi chính sách ngoại giao hàng thập kỷ nay của Mỹ và được xem là sự xúc phạm trực diện đối với Trung Quốc.
Vừa qua, ông Trump cũng đã ký thông qua quyết định mở rộng Hải quân Mỹ. Dấu hiệu này có thể đe dọa đến các hành động quyết đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông. Với sức mạnh ngày càng tăng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nếu Mỹ lựa chọn đối đầu với Trung Quốc thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi nhiều rủi ro.
Tổng thống đắc cử Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Getty) |
Tuy nhiên, thái độ của ông Trump trong chính sách ngoại giao có vẻ mang tính ngẫu hứng và khó đoán. Điều cần băn khoăn nhất hiện nay nên liên quan tới quá trình đưa ra chính sách của ông Trump hơn là bản thân chính sách đó. Thông thường trong chính quyền Mỹ, những thay đổi chính sách ngoại giao được đưa ra sau nhiều cuộc trao đổi giữa các cơ quan quan trọng trong Chính phủ và với các nước đồng minh. Tuy nhiên, trong chính quyền Trump, những thay đổi rất có thể được đưa ra chỉ sau một bài viết trên trang Twitter cá nhân lúc 3 giờ sáng!