📞

5 lần Triều Tiên thử hạt nhân và phản ứng của Mỹ

08:41 | 19/04/2017
Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều không mong đợi việc phải dùng đến biện pháp quân sự nếu Triều Tiên lại thử hạt nhân trong thời gian tới.

Trong mỗi vụ thử, Triều Tiên dường như đều nhằm vào dịp có chủ ý và phía Mỹ có phản ứng gay gắt. Điều gì sẽ xảy ra nếu Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6?

Tháng 10/2006

Giới phân tích xác định Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên, gây ra vụ nổ chưa đầy một kiloton hoặc tương đương khoảng 1.000 tấn thuốc nổ TNT, tức là chỉ bằng một phần nhỏ sức mạnh quả bom mà Mỹ thả xuống Nhật Bản vào cuối Thế chiến II.

Theo Washington Post, Mỹ coi thử nghiệm này là thất bại, nhưng đã triển khai những biện pháp trừng phạt nặng nề, kêu gọi không cho tất cả các thiết bị quân sự nhập khẩu vào Triều Tiên. Cuối cùng, Liên hợp quốc thông qua biện pháp đỡ gay gắt hơn, đặc biệt nhằm ngăn Triều Tiên mua thiết bị giúp mở rộng chương trình hạt nhân hoặc quân đội.

Chấn động đo được tại Seoul khi Triều Tiên thử hạt nhân năm 2009.

Tháng 5/2009

Triều Tiên thử hạt nhân lần hai trong lòng đất. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ghi nhận chấn động 4,7 độ richter. Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James R. Clapper Jr. sau đó công bố kết luận thử nghiệm này tạo ra vụ nổ sức mạnh 2 kiloton.

Tổng thống Barack Obama gọi vụ thử là "mối đe dọa nghiêm trọng", nhưng các quan chức quân sự nói đây là vấn đề ngoại giao, chứ không phải quân sự. Liên hợp quốc gia tăng trừng phạt Triều Tiên bằng cách cấm nước này nhập khẩu nhiều loại vũ khí.

Tháng 2/2013

Ông Kim Jong-un, khi đó mới lên nắm quyền, tiến hành vụ thử hạt nhân lần đầu tiên với tư cách nhà lãnh đạo Triều Tiên. Vụ này lớn hơn rất nhiều so với các vụ trước, với đánh giá sức mạnh của quả bom đã ở mức từ 6-7 kiloton.

Vụ thử trùng khớp với cuộc bầu cử quốc gia của Hàn Quốc và vào thời điểm Tổng thống Obama đọc thông điệp liên bang.

Đáp lại động thái trên, Mỹ triển khai thiết bị phòng thủ tên lửa và máy bay ném bom tàng hình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân sang Hàn Quốc. Liên hợp quốc thắt chặt các biện pháp trừng phạt, đóng băng tài sản trợ giúp lãnh đạo Triều Tiên. Hàng hoá xa xỉ cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.

Tuy nhiên, ông Obama đã không tăng cường các bước tiếp theo, trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục cung cấp dầu và viện trợ cho Triều Tiên.

Sơ đồ vị trí tiến hành và độ lớn của trận động đất do các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên gây ra. (Nguồn: NY Times)

Tháng 1/2016

Triều Tiên tuyên bố tiến hành thử hạt nhân lần thứ tư, với quả bom nằm sâu trong lòng đất. Trên đài truyền hình quốc gia, ông Kim Jong-un nói vụ nổ xảy ra từ một quả bom hydro thu nhỏ và gọi đó là "thành công ngoạn mục". Tuy nhiên, các nhà quan sát độc lập không thể xác nhận vụ thử đã xảy ra.

Sau đó, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cho phép chính quyền phạt các cá nhân nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hoá và tiền sang Triều Tiên. Liên hợp quốc cũng thông qua nghị quyết cấm Triều Tiên thực hiện "các vụ phóng thử có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo".

Obama và các đồng minh của Mỹ ở Thái Bình Dương tiếp tục thảo luận về hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Ông đã bác bỏ đề xuất của Triều Tiên là xóa bỏ hệ thống này để đổi lấy việc nước này sẽ không tiến hành thử hạt nhân.

Tháng 9/2016

Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ năm, gây chấn động 5,3 độ richter, đi kèm vụ nổ khoảng 10 kiloton. Washington Post dẫn lời giới chức nói sức mạnh của vụ nổ tương đương với 2 quả bom hạt nhân rơi xuống Hiroshima và Nagasaki và mạnh gấp 10 lần so với những gì mà nước này có thể làm được một thập kỷ trước đó. Trong khi đó, BBC dẫn phân tích của giới chuyên gia cho rằng vụ nổ mạnh tương đương từ 10-30 kiloton và là vụ thử hạt nhân mạnh nhất của Triều Tiên.

"Mỹ không và sẽ không bao giờ, chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân", ông Obama phát biểu tại Hàn Quốc sau đó. Trung Quốc, nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, lần này đã tham gia nghị quyết lên án mạnh mẽ vụ thử. Bắc Kinh cũng đồng ý cấm nhập khẩu than của Triều Tiên, gây tác động nặng nề đến kinh tế Triều Tiên.

Triều Tiên sẽ thử hạt nhân lần thứ 6?

"Nếu ông Kim Jong-un tiến hành vụ thử hạt nhân lần 6, thì rất có thể là các nước nòng cốt - Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - sẽ gia tăng trừng phạt và Liên hợp quốc ra nghị quyết nữa lên án Triều Tiên", John Park, chuyên gia phân tích an ninh châu Á của Trường Harvard Kennedy, nói với CNBC.

Tuy nhiên, tình hình có thể nghiêm trọng hơn nếu ông Kim phóng tên lửa đạn đạo tầm xa mà được xác định sẽ đi theo quỹ đạo hướng tới Nhật Bản hoặc lãnh thổ Mỹ.

"Khả năng là khi đó, nhóm tàu sân bay Carl Vinson USS sẽ xung trận", ông Park nói, đề cập đến hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis được lắp đặt trên hai tàu khu trục và một tàu tuần dương hộ tống Vinson vừa được Mỹ triển khai đến khu vực.

Theo ông Park, "Nhật Bản đã phái các tàu hải quân được trang bị hệ thống này gia nhập nhóm tàu sân bay. Theo kịch bản này, khả năng như vậy là cao nhất đối với một hành động gây hấn. Các tàu chiến Mỹ và hải quân Nhật có thể sẽ đánh chặn các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên".

Dường như kịch bản này là điều Mỹ - Trung - Nhật - Hàn không mong muốn.

(theo Zing.vn)